PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA TỪNG DÂN TỘC
GÓC NHÌN: GẮN BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA ĐỒNG BÀO DTTS VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀ CHÍNH SÁCH ĐÚNG ĐẮN VÀ PHÙ HỢP
Văn hóa các dân tộc thiểu số đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều sắc thái văn hóa vùng, miền rất phong phú và độc đáo, trong đó có văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Đây là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Chính vì vậy, đất nước ta sở hữu một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và giàu bản sắc. Đó chính là nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để thế hệ hôm nay có thể kế thừa, khai thác và phát huy phục vụ cho phát triển.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Trong những năm qua, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới, văn hóa các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu lớn, có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên các nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số vẫn chưa được khai thác, phát huy tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
GS.TS Từ Thị Loan khẳng định, đất nước ta không thể phát triển phồn vinh, hạnh phúc nếu thiếu sự chung tay góp sức của các dân tộc thiểu số. Đó không chỉ là việc đảm bảo một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, mà còn nhằm xây dựng một quốc gia vững mạnh, củng cố an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ... Bên cạnh việc được Nhà nước ưu tiên đầu tư, có các chính sách đặc thù cũng rất cần khơi thông các nguồn lực, phát huy các thế mạnh tự có, tinh thần chủ động, sáng tạo của các chủ thể văn hóa. Làm sao để bản thân người dân địa phương có thể biến di sản thành tài sản, biến các giá trị bản sắc thành sản phẩm văn hóa phục vụ cho phát triển.
Đã có nhiều chính sách, quy định pháp luật tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc khẳng định bản sắc của mình
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng, và nhấn mạnh đến đại đoàn kết toàn dân tộc; coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Về quan điểm, chính sách và luật pháp, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc gìn giữ giá trị văn hóa của tất cả các dân tộc, bất kể là dân tộc đa số hay thiểu số. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp nước ta qua các thời kỳ, từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp gần nhất năm 2013, chúng ta đều xác định: nước ta là quốc gia đa dân tộc, thống nhất trong đa dạng. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; hay Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn....
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội
Nhằm làm cơ sở cho thực hiện tốt chính sách dân tộc, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành nghị quyết về Công tác dân tộc. Riêng từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã xây dựng, ban hành 118 văn bản chính sách; 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có các nhóm chính sách: về giảm nghèo bền vững; giáo dục, đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, miền núi.
“Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Điều đó thể hiện sự nhất quán, quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu rõ.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trên thực tế, chúng ta ban hành nhiều luật pháp, chính sách để tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc khẳng định bản sắc của mình. Ở Quốc hội, chúng ta có tới 89 đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, chiếm tới 18% số đại biểu để bảo đảm tiếng nói, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được lắng nghe, tham gia mọi quyết định lớn của đất nước.
Vẫn cần có những giải pháp thiết thực
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Nguyễn Thị Hồng Liên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thực tế công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập. Điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc huy động nguồn lực trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là rất khó khăn. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp, các ngành trong công tác văn hóa, thể thao, du lịch nói chung và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng có lúc, có nơi chưa sâu sát, triển khai chưa đồng bộ. Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đúng, đủ về tầm quan trọng của công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chưa thường xuyên và sâu rộng…
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Nguyễn Thị Hồng Liên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đặc biệt, hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao, du lịch ở vùng dân tộc thiểu số nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá do thiếu tính đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn thấp. Vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tuy được đề cao nhưng còn thiếu các chính sách đãi ngộ thỏa đáng…
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số mặc dù đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết và vẫn cần có thêm những giải pháp thiết thực. Trong thời gian tới, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để làm tốt hơn công tác này, trước hết, cần nâng cao hơn nữa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, từ đó làm cơ sở để hình thành nên những hoạt động thiết thực phù hợp với nhận thức này.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, không chỉ văn hóa, mà còn cả kinh tế - xã hội, nhất là 03 chương trình mục tiêu quốc gia đều hướng về dân tộc thiểu số. Trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có ưu tiên đối với văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, cần huy động nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số: cả về tài chính, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; tổ chức những sự kiện tôn vinh văn hóa dân tộc; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín ở cộng đồng.
Đặc biệt là cần nhân rộng những ví dụ hay, điển hình tốt ở các địa phương, với các trường hợp cụ thể để lan tỏa tính tích cực, tốt đẹp của hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số… trong thời gian tới./.