Đào tạo cần gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp

01/10/2024

Chiều 1/10, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, phương hướng công tác năm 2025 và việc sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN năm 2025 đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và trẻ em. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Toàn cảnh cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024 đã có nhiều tiến bộ; các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành cơ bản được hoàn thành; kỷ cương, hoat động giáo dục nghề nghiệp ngày càng đi vào nền nếp; các chính sách đặc thù, miễn giảm học phí cho các các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt… tiếp tục được quan tâm.

Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ, trong năm qua, Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo triển khai, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu về giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác với doanh nghiệp để tăng cường triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; đưa học sinh, sinh viên năm cuối đi thực hành, thực tập và tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là việc linh hoạt về quy mô tuyển sinh.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi 

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã có nhiều phương án và phương thức tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với thực tế và nhu cầu của người học. Đồng thời, chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương theo lộ trình của Nghị quyết 19-NQ/TW và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho cuộc làm việc với Ủy ban hôm nay; cho rằng Báo cáo của Bộ đã cơ bản bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và đề cương của Thường trực Ủy ban đề nghị. Qua nghiên cứu Báo cáo và nắm bắt thực tiễn trong quá trình giám sát, khảo sát, Thường trực Ủy ban cho rằng trong năm 2024, Bộ đã thực hiện công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với một khối lượng công việc rất lớn; việc triển khai Chỉ thị số 21-CT/TW, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc

Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đổi mới. Quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được tinh gọn. Công tác tuyển sinh có cải thiện với nhiều giải pháp, thu kết quả tích cực. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được quan tâm. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được triển khai một cách hiệu quả…

Cùng với việc ghi nhận kết quả và chia sẻ với những khó khăn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc triển khai nhiệm vụ thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng chỉ ra những tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, Bộ chưa có giải pháp thực sự đột phá phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo yêu cầu của Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Việc triển khai một số nhiệm vụ lớn của năm còn bị chậm tiến độ. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện vẫn còn phân tán, chồng chéo trong quản lý, trùng lặp về ngành, nghề đào tạo. Công tác tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự hiệu quả; cơ sở dữ liệu, thông tin dự báo về xu thế của thị trường lao động và nhu cầu nhân lực các trình độ giáo dục nghề nghiệp cũng còn hạn chế….

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Để phát triển giáo dục nghề nghiệp năm 2025, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp: Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Quan tâm đánh giá, tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật Giáo dục Nghề nghiệp (2014 - 2024) để đề xuất chỉnh sửa vào thời điểm thích hợp.

Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đổi mới cơ chế, phương thức quản lý theo hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra viêc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; đồng thời nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách để bảo đảm thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị tiếp tục sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai hình thành các Trung tâm quốc gia về giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo vùng kinh tế. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo.

Cùng với đó, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế; tận dụng, thu hút và phát huy hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của quốc tế cho giáo dục nghề nghiệp.

Về các kiến nghị của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương về các nội dung: Ưu tiên bố trí kinh phí cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo và các Chương trình mục tiêu quốc gia; bố trí kinh phí để thực hiện các Chương trình, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…, Thường trực Ủy ban cho biết sẽ trao đổi các vấn đề này tại Phiên làm việc với Bộ Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư sắp tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 

Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ thống nhất với những vấn đề chung của ngành lao động - thương binh và xã hội; cho biết, qua khảo sát, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đã được đầu tư tương đối tốt, người học tương đối đông, các sản phẩm đào tạo nghề cũng được đảm bảo về chất lượng…

Nhấn mạnh trong bối cảnh yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề cao trong giai đoạn mới, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần xác định việc quan tâm phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng. Trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, Bộ cần thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng phát triển giáo dục nghề nghiệp để có những phương hướng, giải pháp kịp thời, phù hợp.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Thường trực Ủy ban cũng đã xem xét và cho ý kiến về nội dung báo cáo liên quan đến lĩnh vực trẻ em.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc: 

Toàn cảnh cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi

Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Thu Phương – Nghĩa Đức