Hội đồng Dân tộc cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm

06/10/2024

Trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 10, sáng 6/10, Hội đồng Dân tộc thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội cuối năm 2024 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 10

Toàn cảnh Phiên họp

Công tác dân tộc 9 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Hội đồng Dân tộc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, các đại biểu nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cuối năm 2024 và năm 2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là những thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra, song công tác dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính trị các cấp quan tâm chỉ đạo, phổi hợp triển khai thực hiện; Nhân dân và cộng đồng xã hội cả nước quan tâm, theo dõi tạo động lực quan trọng trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc.

Nhờ vậy, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS&MN.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả về công tác dân tộc, nhất là công tác giảm nghèo cho đồng bào các DTTS. Đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) DTTS&MN.

“Việc theo dõi, đôn đốc công tác triển khai 03 CTMTQG được Chính phủ đưa vào các chương trình họp và Nghị quyết phiên họp thường kỳ hằng tháng. Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc các bộ, cơ quan chủ chương trình, chủ dự án trả lời kiến nghị, đề xuất của các địa phương và bộ, ngành; yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ về đẩy nhanh vốn đầu tư công và thực hiện các CTMTQG”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ.

Bên cạnh những kết quả cơ bản trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã chỉ rõ vùng DTTS&MN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được tiếp tục giải quyết, đó là: Kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng KT-XH vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thiên nhiên diễn biến bất thường, khó lường, cực đoan do biến đổi khí hậu, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tiến độ giải ngân vốn CTMTQG vùng DTTS&MN tại các bộ ngành và địa phương còn chậm so với yêu cầu đề ra. Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS&MN còn thấp.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, thời gian tới cần tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục..., giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS&MN và các chương trình, chính sách dân tộc để phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy phát triển của vùng, liên vùng; tập trung vào các cơ chế, chính sách đặc thù để huy động các nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh, đảm bảo sự phát triển hài hoà về kinh tế - văn hoá, xã hội - môi trường vùng đồng bào DTTS&MN. Các địa phương cần tiếp tục triển khai và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế bền vững, ổn định dân cư gắn với cung cấp các dịch vụ xã hội thiết yếu và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cho vùng đồng bào DTTS&MN…

Làm rõ tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp căn cơ

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về nội dung này, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo. Cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Ủy ban Dân tộc và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc khá đầy đủ, súc tích, cụ thể, các ý kiến đánh giá cao Chính phủ và các bộ ngành đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2024. Nhiều thành tựu, chỉ số về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS&MN cơ bản ổn định. Các chính sách về giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực ngày càng triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; làm rõ thêm về tình hình thiên tai, dịch bệnh, nhất là thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Liên quan đến việc sắp xếp, di dân ra khỏi vùng thiên tai, bão lũ, các ý kiến nhận thấy hiện còn nhiều khó khăn về quỹ đất cho đồng bào, do đó nguy cơ tiềm ẩn mất an ninh trật tự là rất lớn. Các đại biểu đề nghị Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc cần đánh giá ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 vừa qua, đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương hỗ trợ cho đồng bào vùng DTTS để sớm ổn định cuộc sống và đảm bảo tình hình an ninh trật tự.

Cùng với đó, việc ứng phó và chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn vùng DTTS&MN còn bất cập, thiếu dự báo mang tính dài hạn để có giải pháp phù hợp. Trước thực trạng trên, các đại biểu cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Phiên họp

Bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu giảm nghèo của vùng đồng bào DTTS, một số ý kiến đề nghị cần nhìn nhận, đánh giá lại chỉ tiêu giảm nghèo. Bởi thực tế hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao, một số nơi thoát nghèo nhưng không bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp; đời sống của người dân chưa đảm bảo, nhất là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, một số nơi bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của đồng bào DTTS. Do dó, đề nghị làm rõ, phân tích thêm các nội dung này.

Quan tâm đến vấn đề giao đất, giao rừng cho đồng bào DTTS, các ý kiến nhận thấy, vấn đề này được nhiều địa phương quan tâm nhưng quá trình triển khai còn bất cập. Tỉ lệ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng cho đồng bào DTTS ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên đạt tỉ lệ thấp, chưa có giải pháp, mô hình cụ thể, hỗ trợ đảm bảo sinh kế gắn với phát triển rừng bền vững. Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần bổ sung đánh giá trong báo cáo và có thể đưa vào báo cáo hàng năm nội dung này.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị cần rà soát triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung trong Đề án tổng thể và CTMTQG DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách cho đồng bào như đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ sản xuất…

Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện liên quan đến chính sách dân tộc và công tác dân tộc.

Các ý kiến cũng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của CTMTQG vùng DTTS&MN; quan tâm đầu tư cho chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân; nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS&MN; kịp thời nắm bắt, báo cáo tình hình vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là địa bàn các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng cao…

Cũng tại Phiên họp sáng nay, các đại biểu thảo luận về kết quả thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành điều hành nội dung thảo luận

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cuối năm 2024 và năm 2025 vùng đồng bào DTTS&MN

Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh vùng DTTS&MN

Đại diện Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an báo cáo về tình hình an ninh trật tự 9 tháng năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành điều hành nội dung thảo luận

Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Triệu Văn Bình trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội cuối năm 2024, đầu năm 2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phát biểu tại Phiên họp

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Siu Hương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tham gia đóng góp ý kiến

Đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia đóng góp ý kiến

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Phiên họp./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác