Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Đổi mới hoạt động giám sát phải đặt trong bối cảnh đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

22/11/2024 16:41

Chiều 22/11, thảo luận tại Tổ 10 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới hoạt động giám sát đặt trong bối cảnh đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển

Phiên thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang. Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 3 điều, bám sát vào 5 chính sách đã trình Quốc hội trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án luật. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung 77 khoản của 43 điều, bổ sung mới 8 điều và bãi bỏ 1 khoản của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan. Việc xây dựng và ban hành dự án Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Đổi mới hoạt động giám sát 

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, bối cảnh hiện nay đang thực hiện đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Đây vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu, điều kiện, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa xây dựng pháp luật với các lĩnh vực khác. Do đó, bên cạnh chức năng lập pháp của Quốc hội, các chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng cần phải có sự đổi mới. Đây là một yêu cầu bắt buộc, là điều kiện đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong Nghị quyết thể hiện rất rõ về vấn đề đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; tiến tới một quy trình xây dựng pháp luật kịp thời, hiệu quả, khả thi, chuyên nghiệp, khoa học và luật chỉ quy định những vấn đề chung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. "Tất cả đều đòi hỏi phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nhanh gọn, hiệu quả nhưng chặt chẽ, đúng nguyên tắc, như vậy thì công tác giám sát của Quốc hội cũng phải đổi mới theo... ", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý.

Nhấn mạnh phải đổi mới hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần thực hiện giám sát ngay từ đầu; đồng thời, tăng cường giám sát việc ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm hạn chế tình trạng lạm quyền, đặt ra các thủ tục hành chính phức tạp. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10

Sửa đổi thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo

Về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát (khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, nguyên tắc là tư tưởng chỉ đạo có tính xuyên suốt, không thay đổi, cần được thiết kế ngắn gọn và khác với mục tiêu. Do đó, cân nhắc việc cần bổ sung nguyên tắc mới trong sửa đổi lần này.

Liên quan tới quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc đề xuất sửa đổi theo phương án 1 như nội dung tại dự thảo là phù hợp. Theo đó, cần chuyển các báo cáo thường niên từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp đầu năm, nhằm cung cấp số liệu đầy đủ hơn.

Tán thành sự với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐQBH tỉnh Thái Bình góp ý vào nhiều nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo luật, như: quy định về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát; thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo; bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát;...

Trong đó, về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, đại biểu Nguyễn Văn Huy tán thành việc bổ sung nguyên tắc mới như đề xuất trong dự thảo Luật để thể hiện mối quan hệ giữa hoạt động giám sát với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; bảo đảm cụ thể hóa yêu cầu, kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện nội dung và thể hiện nguyên tắc này tại Điều 3 của dự thảo Luật như một nguyên tắc độc lập.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐQBH tỉnh Thái Bình

Về quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo (khoản 6 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát), đại biểu tán thành với Phương án 1. Theo đó, sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13. Lý giải quan điểm này, đại biểu cho biết, việc quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp giữa năm đối với một số báo cáo sẽ giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng công việc vốn rất lớn của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm, tạo thuận lợi để Chính phủ tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 01 năm, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần phục vụ xây dựng báo cáo trình Quốc hội, gây lãng phí về nguồn lực.

Tham gia thảo luận, đối với các quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn (khoản 42 Điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 69 dự thảo) và tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát (khoản 46 Điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 80 luật hiện hành), đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị, cần xem xét quy định các tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương, những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu, sự phát triển, vận động của kinh tế - xã hội; lựa chọn những xu hướng cần áp dụng tác động tích cực đến chính sách, vấn đề “nóng, điểm” của hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết mà cử tri đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định chế tài cụ thể đối với việc thực hiện kiến nghị đối với cử tri, vấn đề trả lời chất vấn và thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các đoàn giám sát Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân huyện.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Đắk Nông đề nghị bổ sung quy định, hướng dẫn thống nhất việc bàn giao các kiến nghị sau giám sát, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cho cả nhiệm kỳ chưa có kết quả chuyển biến tích cực, còn tồn đọng, kéo dài tại kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ để làm cơ sở chuyển giao tất cả các nhóm vấn đề giám sát để Hội đồng nhân dân khóa trước chuyển giao cho Hội đồng nhân dân khóa sau tiếp tục có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết và trả lời.

***Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 10:

Toàn cảnh phiên họp

Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm điều hành phiên họp

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông./.

Lê Anh - Nghĩa Đức