THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 09

31/10/2019 16:09

Ngày 31/10/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 9 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV, ngày 31/10/2019

Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp tục điều hành phiên thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Tại phiên thảo luận đã có 46 đại biểu phát biểu và 02 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội. Cụ thể:

- Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020: Tiếp theo các ý kiến phát biểu sôi nổi, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 30/10, tại phiên họp này, nhiều ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng các báo cáo đã phản ánh toàn diện bức tranh phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tập trung đánh giá các chỉ tiêu phát triển và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

 Để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung  báo cáo, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề như: Cần đánh giá thêm về tính bền vững và chất lượng tăng trưởng; vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ; tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch; hoàn thiện văn bản về bảo vệ quyền trẻ em phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam phê chuẩn; vai trò của gia đình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chất lượng lĩnh vực giáo dục, đào tạo; công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; chênh lệch phát triển giữa các vùng miền; tình trạng ô nhiễm môi trường; sai phạm tại các công trình, giao dịch đất đai; quản lý người nước ngoài tại Việt Nam; quản lý thông tin mạng xã hội; việc thực hiện và ký kết các dự án ODA; tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy gia tăng; công tác đối ngoại; vấn đề Biển Đông diễn biến phức tạp, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước;…

Ngoài ra, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững trong thời gian tới, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, như: xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ và ổn định; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tháo gỡ khó khăn cho kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm; quan tâm đào tạo nghề; có giải pháp đột phá, căn cơ khuyến khích tài năng trẻ khởi nghiệp; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra ở địa phương, cơ sở; xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tạo cơ chế hỗ trợ tăng trưởng liên kết vùng; có biện pháp và chế tài xử lý đối với người sử dụng ma túy trái phép; kiên quyết chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển giá, thao túng thị trường, cạnh tranh không lành mạnh; cung cấp thông tin cho người dân về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ; tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến thông tin mạng;…

- Về báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020,  các đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng, cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, số thu ngân sách nhà nước thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp; vấn đề thu ngân sách nhà nước vượt dự toán nhưng thu từ 03 khu vực (doanh nghiệp Nhà nước, FDI và ngoài nhà nước) chưa đạt dự toán (tăng thu chủ yếu từ các nguồn khác); việc sửa đổi chính sách thu chưa kịp thời; kỷ luật công vụ, kỷ luật tài chính, ngân sách còn hạn chế; việc thực hiện cơ chế tự chủ, khoán kinh phí ở một số lĩnh vực dịch vụ công chưa thực sự tích cực; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung mức trợ cấp bảo trợ xã hội trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; đối mới cách thức phân bổ chi ngân sách trong ngành giáo dục; đảm bảo tỉ lệ chi cho lĩnh vực khoa học, công nghệ;…

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng  Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong hai ngày thảo luận tại Hội trường đã có 95 đại biểu phát biểu và 05 đại biểu tranh luận, nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Đa số ý kiến ĐBQH cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và của các cấp chính quyền, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan dân cử, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2019 đã đạt được kết quả khá toàn diện và tích cực. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, coi đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh các Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Thứ sáu, ngày 01/11, Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung: i) Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; ii) Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; iii) Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015./. 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội