Tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

19/02/2014

Tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Tuy nhiên, tôi đề nghị dự án Luật cần đáp ứng thêm các yêu cầu chung là: phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời thể chế hóa trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; thể chế hóa chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ môi trường, phục vụ có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Phải gắn kết với hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là Luật Ngân sách nhà nước và các luật liên quan sẽ ban hành mới như Luật Đầu tư công nhằm quản lý, sử dụng nguồn lực có hiệu quả cho yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Về phạm vi điều chỉnh, tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đề nghị bổ sung làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Vì thực tiễn qua tổng kết thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 8 năm qua đã chỉ rõ yếu kém là: việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn phân tán, chồng chéo, chưa hợp lý. Trách nhiệm quản lý nhà nước giữa bộ, ngành, địa phương chưa phân định rõ, còn xung đột. Tôi cho rằng, đây là một trong những nội dung cốt lõi, là linh hồn của Luật Bảo vệ môi trường cần được quy định rõ trong lần sửa đổi này.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tôi đề nghị quy định nhất quán về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từ bộ, ngành, Trung ương đến UBND các cấp, không thể nửa vời ở Trung ương là Bộ trưởng, ở địa phương là UBND từ khâu lập quy hoạch, quản lý theo quy hoạch. Và cần thiết phải lập quy hoạch bảo vệ môi trường; đồng thời phải gắn kết từ khâu lập quy hoạch, quản lý theo quy hoạch với việc thẩm định, phê duyệt, đánh giá tác động môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường. Dự án Luật cần quy định thể hiện rõ nội dung thẩm quyền, mối quan hệ giữa quy hoạch bảo vệ môi trường với các quy hoạch kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Không thể để tái diễn tình trạng quy hoạch thủy điện tràn lan liên quan đến sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, vườn quốc gia nhưng đùn đẩy trách nhiệm giữa bộ, ngành và địa phương như hoạt động giám sát của QH đánh giá thực hiện quy hoạch thủy điện tại Kỳ họp này đã chỉ ra. Không thể việc sửa đổi nội dung liên quan đến đánh giá môi trường lần này lại lạc hậu hơn Luật khác hiện hành. Hiện hậu quả khôn lường do không rõ trách nhiệm sử dụng đất rừng làm thủy điện đã khá rõ: đá lở, đất vùi, lũ cuốn đã và đang xảy ra. Không thể bỏ quy định hiện hành trong Chương đánh giá tác động môi trường vì Luật hiện hành nêu các khoản ở Điều 14, trong đó xác định rõ phải dựa trên quy hoạch bảo vệ phát triển rừng liên tỉnh, liên vùng như Điều 8 dự án Luật là chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.

ĐBQH Trương Văn Vở (Đồng Nai)

(http://daibieunhandan.vn)