ĐBQH Huỳnh Nghĩa - Đà Nẵng: Quy định “không vì mục đích lơi nhuận” trong Luật công chứng là không khả thi

29/05/2014

Về nguyên tắc hành nghề công chứng Điều 4, Khoản 3, Điều 4 quy định bổ sung một nguyên tắc mới trong hành nghề công chứng là không vì mục đích lợi nhuận.

 Thực tế giám sát hoạt động công chứng trong những năm qua cho thấy kể từ khi xã hội hóa công chứng thì lĩnh vực này có sự cạnh tranh gay gắt. Trong thực tiễn muốn thành lập được một văn phòng công chứng là cực kỳ khó khăn do bị khống chế về số lượng các văn phòng công chứng trên cùng một đơn vị hành chính. Nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận chỉ phù hợp với mô hình phòng công chứng do Nhà nước bao cấp. Nhưng theo luật mô hình này sẽ bị hạn chế dần, thay vào đó là các văn phòng công chứng tư nhân hoạt động mang tính chất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp.

Hiện nay các văn phòng công chứng đều tập trung nguồn vốn khá lớn để đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị hiện đại bằng nguồn tiền của họ, chứ không phải dùng ngân sách nhà nước. Thậm chí họ phải chịu trách nhiệm việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng nếu có lỗi, nên dù hoạt động ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ hay công ích thì văn phòng công chứng cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận. Do đó, nếu chúng ta có đưa hay không đưa nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận vào luật thì các văn phòng công chứng vẫn phải tìm mọi cách để hoạt động, sử dụng nhiều biện pháp để thu hút khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh như một doanh nghiệp kinh doanh bình thường với mục đích cuối cùng là tìm lợi nhuận ở mức độ cao nhất có thể. Có như vậy rõ ràng việc đưa nguyên tắc vào luật cũng chỉ mang tính hình thức, không phù hợp với thực tế. Ngoài ra, nếu quy định không vì mục đích lợi nhuận thì sẽ xảy ra hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, từ chối chứng nhận những giao dịch có độ rủi ro cao. Chính vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét vấn đề thấu đáo loại bỏ nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận ra khỏi Điều 4 của dự thảo luật.

 

ĐBQH Huỳnh Nghĩa - Đà Nẵng