Phương án 1 là tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực như Kết luận số 79.
Phương án 2 là tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện.
Về vấn đề này, tôi thống nhất như Phương án 1 như đã thể hiện Luật tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, từ trước đến nay hệ thống Tòa án nhân dân ở nước ta được tổ chức theo địa giới hành chính. Việc tổ chức này bên cạnh những ưu điểm là đảm bảo cho công tác xét xử, bám sát được các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, bám sát ở cơ sở, tuy nhiên Tòa án nhân dân sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay đã bộc lộ không ít những hạn chế bất cập chưa theo kịp vào sự phát triển và đòi hỏi của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, phần nào làm hạn chế vai trò của sự phát triển của hệ thống tòa án. Với tư cách là một thiết chế để thực hiện quyền tư pháp như Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Chính vì vậy Nghị quyết số 49 và Kết luận số 79 của Bộ Chính trị đã xác định phải xây dựng tổ chức bộ máy tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, đồng thời định hướng đổi mới tổ chức hoạt động của tòa án theo mô hình 4 cấp gồm:
Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực.
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tòa án cấp cao.
Tòa án nhân dân tối cao.
Việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay, cụ thể là do được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện nên số lượng các Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay rất lớn và đang có xu thế tăng lên do có sự chia tách thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện. Trong khi số lượng các vụ việc giải quyết mỗi tòa án cấp huyện này phụ thuộc vào đặc điểm dân số, địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, số lượng tội phạm, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại xảy ra trên từng địa bàn có nơi quá nhiều việc, ngược lại có nơi quá ít việc. Ví dụ điển hình như tỉnh Bình Định của chúng tôi có 11 tòa án huyện, thị xã, thành phố. Có huyện một năm chỉ có 50 - 60 vụ án các loại, còn có huyện một năm có 400 - 500 vụ án các loại. Riêng thành phố Quy Nhơn một năm trên 1.000 vụ án các loại. Án xảy ra rất phức tạp, nhất là các tranh chấp dân sự về đất đai, chia thừa kế, án hành chính, án kinh doanh thương mại. Trong khi biên chế mỗi đơn vị tòa án cấp huyện đều có Chánh án, Phó Chánh án, thẩm phán, thư ký, kế toán, văn thư, bảo vệ. Triển khai việc thành lập tòa sơ thẩm khu vực tỉnh chúng tôi sát nhập lại chỉ có 6 tòa sơ thẩm khu vực.
Thực tế hiện nay đang tạo ra những trở ngại khó khăn, thách thức lớn cho việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực để kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng công tác của tòa án cấp huyện, nơi giải quyết xét xử theo thủ tục sơ thẩm là 90% các loại vụ việc theo thẩm quyền.
Đối với các tòa án cấp huyện có khối lượng lớn công việc thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất luôn là gánh nặng, là vấn đề bức xúc do xuất phát từ yêu cầu phải giải quyết một số lượng lớn công việc chuyên môn ngày càng tăng theo đà phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Ngược lại đối với các đơn vị tòa án cấp huyện có khối lượng công việc không đáng kể nhưng vẫn phải bố trí đủ cán bộ theo cơ cấu tổ chức bộ máy, trụ sở phương tiện làm việc như các đơn vị khác đã gây ra lãng phí không đáng kể về nhân lực và vật lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng nâng cao trình độ công chức của tòa án.
Cơ cấu tổ chức của tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay còn đơn giản, không được tổ chức theo lĩnh vực xét xử nên khó khăn cho việc đầu tư, đào tạo chuyên ngành cho các thẩm phán, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, đặc biệt việc giải quyết xét xử các loại vụ việc đòi hỏi chuyên môn sâu và những kỹ năng nghiệp vụ đặc thù như các vụ án về đất đai, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại, các vụ việc liên quan đến gia đình và người chưa thành niên.
Thứ hai, việc thành lập tòa sơ thẩm khu vực sẽ không tạo ra nhu cầu quá lớn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và cũng không gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi có công việc giải quyết của tòa án. Bời lẽ nếu phương án thành lập tòa sơ thẩm khu vực được Quốc hội thông qua, về cơ bản các Tòa án sơ thẩm khu vực sẽ kế thừa đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất hiện có của tòa án nhân dân cấp huyện là chủ yếu nhưng có sự sắp xếp bổ sung, điều chỉnh, xây dựng và kiện toàn để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc đối với từng đơn vị cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương, nơi tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được thành lập. Đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, hệ thống giao thông không thuận lợi và không phải nơi đặt trụ sở tòa sơ thẩm khu vực thì khắc phục những khó khăn cho nhân dân có việc đến tòa án, tôi đề nghị các trụ sở tòa án cấp huyện ở những huyện này có thể giữ lại làm nơi tiếp công dân, nhận thụ lý đơn, khởi kiện và tiến hành giải quyết xét xử tại nơi đây theo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật hoặc các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương.
Thứ ba là việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực là tiền đề đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự giám sát của Hội đồng nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo hướng thực chất và có hiệu quả hơn. Qua đó, tạo điều kiện đảm bảo để Tòa án thực hiện tốt công tác xét xử, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.
Về nhiệm vụ phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao theo Điểm c, Khoản 2, Điều 12 thực tiễn công tác xét xử trong thời gian qua cho thấy còn có những quy định của pháp luật chưa rõ ràng và có cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng không đúng hoặc không thống nhất. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bản án quyết định của Tòa án bị hủy, sửa. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm hướng dẫn thống nhất pháp luật thì cần lựa chọn và ban hành án lệ để các Tòa án làm theo. Việc ban hành phát triển án lệ sẽ đáp ứng yêu cầu cần phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn pháp luật. Hơn nữa, việc công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền lợi và lợi ích của họ. Về phía Tòa án tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ xét xử trước đó, giúp cho Thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xử oan sai, hạn chế việc lách luật do có tiêu cực của những người tiến hành tố tụng như luật sư và những người tham gia tố tụng giải quyết vụ án. Việc phát triển án lệ là một trong những phương thức hữu hiệu để đảm bảo công lý, góp phần duy trì, ổn định trật tự pháp luật trong đời sống xã hội.
Về giá trị pháp lý và phương thức lựa chọn án lệ, đề nghị cân nhắc và quy định hướng, án lệ là quyết định của Giám đốc thẩm, của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định một việc nào đó là chuẩn mực. Tuy nhiên, điều kiện để ban hành án lệ là quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao phải là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị và khi xét xử Giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chỉ phá án mà có thể sửa bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật.