ĐBQH Phùng Đức Tiến - Hà Nam: Chi cho giáo dục, khoa học công nghệ còn thấp

30/05/2014

Như chúng ta đã biết khoa học, công nghệ cùng với giáo dục, đào tạo đã được nhiều Văn kiện của Đảng, Nhà nước khẳng định là quốc sách hàng đầu. Trong những năm gần đây, tuy được đầu tư ngân sách ở mức ưu tiên nhưng so với nhu cầu phát triển thì còn khiêm tốn và nếu so với các nước thì chi cho giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ ở nước ta còn ở mức thấp. Song, nghiên cứu quyết toán ngân sách từ năm 2009 đến 2012 trong 4 năm qua cho thấy:

Năm 2009 chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề ngân sách Trung ương được 7.102 tỷ đồng/9.004 tỷ đồng, dự toán chỉ đạt 72,3%. Chi cho khoa học và công nghệ được 3.811 tỷ đồng/4.390 tỷ đồng, dự toán chỉ đạt 86,8%, giảm 579 tỷ đồng so với dự toán.

Năm 2010 chi cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề được 78.206 tỷ đồng/84.700 tỷ đồng, giảm 6.494 tỷ đồng và chỉ đạt 92,3%. Chi cho khoa học và công nghệ đạt 4.144 tỷ đồng/5.090 tỷ đồng, dự toán chỉ đạt 81,4%, giảm 946 tỷ đồng.

Năm 2011 chi cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề được 9.369 tỷ đồng/110.130 tỷ đồng, dự toán chỉ đạt 90,2%, giảm 10.761 tỷ đồng và chi cho khoa học, công nghệ được 5.758 tỷ đồng/6.430 tỷ đồng, chỉ đạt 89,5%, giảm 672 tỷ đồng so với dự toán.

Năm 2012 chi cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề được 127.136 tỷ đồng so với dự toán 135.920 tỷ đồng, đạt 93,5% giảm 8.784 tỷ đồng. Chi cho khoa học và công nghệ được 5.918 tỷ đồng đạt trên 7.160 tỷ đồng dự toán, chỉ đạt 82,7% giảm 1.242 tỷ đồng.

Như vậy liên tục trong 4 năm qua, chi cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề liên tục đạt ở tỷ lệ thấp, giảm tới 26.059 tỷ đồng so với dự toán. Chi cho khoa học và công nghệ còn ở mức thấp hơn chỉ đạt trên 80%, giảm 3.439 tỷ đồng so với dự toán.

Quyết toán với số tiền giảm chi lớn như vậy nhưng trong thực tế giáo dục và đào tạo còn rất nhiều khó khăn về trang, thiết bị, dụng cụ, phòng thí nghiệm cho học sinh, sinh viên, giảng viên thực tập, nghiên cứu khoa học, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Ở một số trường đại học định hướng nghiên cứu mỗi giảng viên một năm là 900 tiết thì 500 tiết lên lớp và 400 tiết nghiên cứu. Nhưng cơ bản không có tiền để triển khai các đề tài, chủ yếu làm Ximina để cho hết thời gian 400 tiết.

Về khoa học công nghệ, với hơn 1600 tổ chức khoa học và công nghệ, với lực lượng cán bộ khoa học hùng hậu, thiếu kinh phí trầm trọng để triển khai các đề tài nghiên cứu. Nếu tính bình quân trong những năm qua 4,3 tỷ đồng cho 1 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước thì trong 4 năm vừa qua đã có 800 đề tài cấp nhà nước không được phê duyệt và triển khai. Nguyên nhân của những vấn đề trên không được phân tích cụ thể, đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra những tồn tại và hạn chế trong các báo cáo quyết toán của Chính phủ để điều chỉnh tỷ lệ quyết toán hàng năm được nâng lên, trong khi đó hầu hết các báo cáo quyết toán của Chính phủ, năm nào cũng đánh giá là có tiến bộ so với năm trước. Trong 4 năm qua đều đánh giá một cach chung chung như vậy. Thực trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, đào tạo, tiến độ và chất lượng nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Qua nghiên cứu theo tôi nguyên nhân chính là do các chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật quá lạc hậu, không phù hợp, thủ tục hành chính trong chi tiêu cấp phát còn quá phức tạp, thời gian thông báo vốn hàng năm thường chậm, không kịp thời. Để khoa học, công nghệ cùng với giáo dục, đào tạo là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tôi đề nghị Chính phủ phải kiên quyết khắc phục những tình trạng trên đảm bảo kinh phí cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề, khoa học, công nghệ những năm tới đây.

 

ĐBQH Phùng Đức Tiến - Hà Nam