ĐBQH Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước: Bổ sung việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề

10/06/2014

Tôi cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2015 của Quốc hội. Tôi xin có 2 ý kiến bổ sung như sau.

Thứ nhất, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề, ngoài 5 tiêu chí mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cần xem xét đến tính thiết thực. hiệu quả giám sát để tránh tình trạng kiến nghị sau giám sát còn chung chung. Trên tinh thần đó, xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị trong 3 chuyên đề chọn chuyên đề thứ nhất và thứ ba. Chuyên đề thứ nhất là giám sát về tình hình oan sai trong các hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho những người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Trong chuyên đề này, tôi đề nghị đồng thời với việc giám sát thực hiện Luật Tố tụng hình sự cần giám sát hoạt động tố tụng hành chính, vì đây là vấn đề cần quan tâm, cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao Luật Tố tụng hành chính không đi vào được cuộc sống, vì sao nhân dân chưa yên tâm, chưa tin trong việc đưa ra Tòa hành chính xem xét, phán quyết các quyết định hành chính được cho là không đúng luật, phải tìm cho được những giải pháp để tháo gỡ, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính hiện nay, đồng thời cũng góp phần để xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.

Về chuyên đề thứ ba, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trong các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014. Tôi thấy chọn phương án này, bởi vì đây là một trong những vấn đề lớn đã đặt ra trong quản lý tài nguyên đất đai trong thời gian vừa qua. Đây cũng là nơi khởi đầu của nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại trong thời gian vừa qua, cần có sự giám sát để tìm ra được các giải pháp tích cực về chính sách khắc phục trong thời gian tới.

Về ý kiến thứ hai, về việc giám sát, tức là những vụ việc giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Tôi nhất trí Ủy ban thường vụ Quốc hội nên giám sát hai chuyên đề như mọi năm trong năm 2015 nhưng riêng đối với Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, tôi đề nghị cũng giống như Hội đồng dân tộc là chúng ta giám sát từ 1 đến 2 chuyên đề. Trong một chuyên đề tôi đề nghị lần này Quốc hội nên định hướng cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng giám sát một vấn đề, đó là việc giám sát, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo cho phù hợp với Hiến pháp mới và phù hợp với Hiến pháp mới sửa đổi và phù hợp với luật pháp, trọng tâm là phải giám sát, đánh giá cho đầy đủ, kịp thời tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản và phạm vi giám sát của từng Ủy ban và Hội đồng dân tộc. Đó là những vấn đề, những luật thuộc phạm vi trách nhiệm giám sát của từng Ủy ban và Hội đồng dân tộc.

Kính thưa Quốc hội, tôi có đề nghị trên, bởi vì năm 2015 là năm có vị trí đặc biệt đối với Quốc hội khóa XIII, năm có ý nghĩa quyết định để Quốc hội khóa XIII chúng ta phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình trước cử tri cả nước, năm Quốc hội cần có chương trình giám sát nhằm đánh giá kết quả hiệu lực, hiệu quả hoạt động lập Hiến, lập pháp của Quốc hội.

Kính thưa Quốc hội, một vấn đề rất lớn được đặt ra đối với Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đó là Hiến pháp, các luật của Quốc hội đã được thảo luận, thông qua, đã được triển khai đến đâu, triển khai như thế nào, đã thực sự đi vào cuộc sống hay chưa. Quốc hội đã và sẽ nghe Chính phủ báo cáo tại các kỳ họp về vấn đề này. Trong kỳ họp này chúng ta nghe Báo cáo của Chính phủ từ 21/11/2013 đến nay số văn bản Chính phủ cần phải ban hành để hướng dẫn thi hành luật là 94 văn bản nhưng đã ban hành được 41 văn bản, còn lại 53 văn bản, chiếm 56,38% tỷ lệ rất cao, cao hơn kỳ họp lần trước chúng ta xem xét. Như vậy số lượng văn bản nợ không những giảm, tỷ lệ càng tăng lên.

Về chất lượng văn bản, Bộ Tư pháp kiểm tra 1.574 văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện 312 văn bản có dấu hiệu không phù hợp về tính hợp hiến và hợp pháp. Với thông tin trên đại biểu Quốc hội không thể yên tâm, mặt khác các giải pháp khắc phục Chính phủ đề ra trong báo cáo còn rất chung chung, tình hình tiếp tục sẽ kéo dài và sẽ thành một thường lệ.

Tôi cho rằng để tình hình trên tồn tại, kéo dài và chưa có giải pháp khắc phục một cách triệt để đó là trách nhiệm trong đó có phần trách nhiệm của Quốc hội, khuyết điểm của Quốc hội cần phải được khắc phục trong Khóa XIII. Tôi đề nghị Quốc hội phải trực tiếp giám sát vấn đề này và không chỉ giám sát Chính phủ, các bộ, ngành mà cũng cần phải được giám sát và xem lại chính quy trình làm luật của Quốc hội để có quan điểm thật khoa học, khách quan, để tìm ra được các nguyên nhân, đề ra được các giải pháp khắc phục triệt để tình hình trên. Tôi cho rằng vấn đề này cần phải được Quốc hội xem xét, trả lời rõ ràng, cụ thể, chi tiết trước khi Quốc hội Khóa XIII kết thúc nhiệm kỳ để rút kinh nghiệm cho Quốc hội Khóa XIV sắp tới, không để lặp lại tình hình trên.

ĐBQH Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước

Các bài viết khác