ĐBQH Nguyễn Ngọc Hòa - ĐBQH Trịnh Xuyên: Phải đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ cho công dân và có cơ sở pháp lý chắc chắn về số định danh cá nhân cho

09/06/2014

Sáng 09/6/2014 các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước công dân. Đây là dự Luật rất quan trọng nhằm thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, góp phần tăng cường công tác quản lý dân cư trong giai đoạn phát triển đất nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện thành công Đề án 896 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.

Dự thảo Luật Căn cước công dân đưa ra khái niệm số định danh cá nhân. Tôi hình dung, từ số định danh này truy cập được thông tin liên quan đến một công dân, một cá nhân. Theo tôi biết, ở các nước cũng cấp mã số định danh cho công dân và xác định rõ những thông tin phải được cung cấp theo mã số đó. Ví dụ khi công dân mua bảo hiểm xe thì chỉ cần đưa số định danh là biết ngay cá nhân đó trong quá trình lái xe có bị phạt không, bị phạt bao nhiêu lần, bị tai nạn bao nhiêu lần và khi đó cơ quan bảo hiểm sẽ xét căn cứ vào lịch sử sử dụng xe của cá nhân đó, không cần công dân phải đi xét hay làm gì hết. Hoặc là khi ra ngân hàng mở thẻ tín dụng thì người ta truy cập vào số định danh là biết lịch sử anh này có rõ ràng hay không... Như vậy, tất cả thông tin liên quan chứa trong số định danh đó người ta sẽ tìm ra được.

Vậy khi đưa ra mã số định danh trong Luật Căn cước công dân thì chúng ta có tính đến những câu chuyện như trên hay không? Nếu có một cơ sở dữ liệu như vậy thì tôi tin sẽ đỡ tốn kém thời gian cho công dân khi có công việc liên quan. Bởi vì, mục đích của Luật này là nhằm đơn giản hóa thủ tục giấy tờ cho công dân. Vì vậy, tôi đề xuất, nên nghĩ ở phạm vi rộng hơn, khi cấp số định danh cá nhân thì chúng ta quản lý những thông tin gì? Và cần phải luật hóa các thông tin này như thế nào? Khi những thông tin chứa trong số định danh đã được luật hóa thì có những thông tin nào được phép và những thông tin nào không được phép cung cấp? Thông tin nào do cơ quan, bộ phận nào được phép truy cập để tìm hiểu? Nếu làm như vậy, tôi nghĩ sẽ tiết kiệm rất lớn về chi phí cho xã hội. Nếu giao cho cơ quan nào làm đầu mối quản lý cơ sở dữ liệu này thì Luật cũng cần có một chương nói về trách nhiệm của cơ quan này. Vì khi anh được giao nhiệm vụ quản lý thông tin cá nhân của công dân mà quản lý không tốt thì anh sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? – nên thiết kế điều này thật chặt chẽ.

ĐBQH Trịnh Xuyên (Thanh Hóa): Số định danh cá nhân sẽ tác động đến hàng triệu người dân - cần phải có cơ sở chắc chắn

Tôi tán thành xây dựng dự án Luật Căn cước công dân do kỹ thuật, công nghệ cấp, quản lý Chứng minh nhân dân hiện hành còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của người dân, chưa bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, hình thức, nội dung của giấy tờ về căn cước công dân chưa phù hợp với quy định của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, cần quy định việc sử dụng thẻ Căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội và dân số của nước ta sẽ có những thay đổi trong thời gian tới thì số định danh cá nhân gồm 12 chữ số tự nhiên đến khi nào sẽ không đủ nguồn để đáp ứng nhu cầu của người dân? Tôi đề nghị giải trình thêm về yếu tố này. Số định danh cá nhân sẽ tác động đến hàng triệu người dân. Chúng ta cần có cơ sở chắc chắn. Và để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật cần bổ sung một số quy định cụ thể hơn về phương thức xác lập số định danh cá nhân; thủ tục và thẩm quyền cấp số định danh cá nhân; việc cấp số định danh cá nhân đối với những người đã có chứng minh nhân dân (đã có dữ liệu cá nhân)...

Tôi cũng đề nghị dự án Luật Căn cước công dân cần phối hợp với dự án Luật Hộ tịch để bỏ giấy khai sinh cho dân. Vì thẻ căn cước công dân đã tích hợp các thông tin cá nhân của công dân từ khi sinh ra đến khi chết. Vậy thì cần gì giấy khai sinh nữa? Việc duy trì giấy khai sinh có mâu thuẫn với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ công dân khi xây dựng dự án Luật Căn cước công dân hay không? Bên cạnh đó, chúng ta cần trả lời rõ câu hỏi: khi thẻ căn cước công dân đã tích hợp được nhiều thông tin liên quan đến cá nhân như số định danh, các địa điểm đã di chuyển, nơi đăng ký hộ khẩu... thì có cần bỏ sổ hộ khẩu không? Tôi thấy, nếu đã ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến vào thẻ căn cước công dân thì nên bỏ những giấy tờ, sổ sách được thực hiện thủ công, gây phiền hà cho người dân.

Cổng thông tin điện tử (Tổng hợp)

Các bài viết khác