ĐBQH Lê Công Đỉnh - Long An: Không nên có một chương riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước

17/06/2014

Thứ nhất, về việc bổ sung chương mới quy định về doanh nghiệp nhà nước. Bản chất và chức năng vốn có của Luật doanh nghiệp và luật chung về luật tổ chức và hoạt động doanh nghiệp nhằm thực thi các quy định của Hiến pháp, đó là không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế.

Mặt khác, một số nội dung về doanh nghiệp nhà nước đã có và nên đưa vào Luật quản lí sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự luật đang được trình Quốc hội cho ý kiến. Đối với những nội dung có tính chất đặc thù liên quan về thành lập và tổ chức quản lí doanh nghiệp nhà nước cần được chuyển hoá vào các phần tương ứng trong dự thảo luật. Tôi đề nghị không nên kết cấu một chương riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước như dự thảo luật.

Vấn đề thứ hai, về một số điều luật cụ thể.

Về ngành nghề và điều kiện kinh doanh được quy định tại Điều 7, tôi thống nhất với dự thảo luật là nên giao cho Chính phủ định kỳ rà soát đánh giá lại danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện cho phù hợp yêu cầu phát triển, cũng như yêu cầu quản lý nhà nước trong từng giai đoạn. Tuy nhiên tôi đề nghị cần quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí, xác định các ngành nghề cấm kinh doanh trong dự thảo luật để làm cơ sở cho Chính phủ thực hiện. Đồng thời hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đều phải thực hiện lộ trình mở cửa khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, trong đó có một số ngành nghề chưa đưa vào cam kết mở cửa. Ngoài ra hiện nay vẫn còn một số nước, vùng, lãnh thổ chưa tham gia WTO, việc cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp này ở địa phương nêu trên đều phải xin ý kiến Bộ Công thương. Những trường hợp này không thuộc phạm vi ban hành danh mục kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, để được chuẩn xác hơn kiến nghị điều chỉnh câu cuối của Khoản 3, Điều 7 như sau: Thủ tướng Chính phủ ban hành, công bố danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh. Ghi như vậy thì nội dung Điều 7 sẽ bao trùm lộ trình mở cửa của Việt Nam.

Về chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn quy định tại Điều 37, thực tế trong thời gian qua có trường hợp ghi giá trị chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng vốn thấp hơn giá trị thực tế nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân. Điều này dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, do đó tôi kiến nghị bổ sung thêm những quy định về cơ chế giám sát của các cơ quan quản lý, những chế tài đối với những trường hợp này. Ngoài ra đối với những trường hợp tăng vốn điều lệ do kết nạp thành viên hoặc cổ đông mới, tôi kiến nghị nên bổ sung thêm những quy định về thời điểm cũng như những quy định cần thiết đối với những cá nhân, tổ chức cam kết góp vốn chính thức trở thành thành viên cổ đông của công ty, vì vấn đề nêu trên có liên quan đến thời điểm phát sinh trách nhiệm của các thành viên cổ đông mới.

Về tăng, giảm vốn điều lệ được quy định tại Điều 88, tôi đề nghị bỏ quy định hạn chế công ty TNHH một thành viên chỉ được hoàn trả một phần vốn góp trong điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 2 năm. Quy định này không cần thiết, làm hạn chế quyền tự chủ vốn của chủ sở hữu công ty, hơn nữa tại Khoản 5, Điều 77 cũng đã ràng buộc trách nhiệm của chủ sở hữu công ty đối với các trường hợp rút vốn khác. Thực tế công ty TNHH một thành viên có thể lách luật bằng cách chuyển thành công ty TNHH hai thành viên, sau đó rút vốn rồi chuyển thành công ty TNHH một thành viên.

Về cơ cấu tổ chức, quản lý công ty cổ phần được quy định tại Điều 138, theo tôi doanh nghiệp cổ phần nào cũng cần có bộ phận kiểm soát vì thành viên Hội đồng quản trị thường không có trình độ chuyên môn trong kiểm soát, đặc biệt là về tài chính. Do đó nếu cổ đông có dưới 11 người và trên 30% là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành thì cũng cần quy định một ủy viên kiểm soát với chức năng và quyền hạn nhất định.

Về cơ cấu, tiêu chuẩn và điều kiện thành lập hội đồng quản trị quy định tại Điều 155, tôi đồng ý với đại biểu Mai Hữu Tín, đoàn Bình Dương, đề nghị cân nhắc quy định không được tham gia hội đồng quản trị của 4 công ty, quy định này có thể không phù hợp đối với các trường hợp như đại biểu Tín đã nêu. Đối với trường hợp tập đoàn kinh tế, chủ tịch tập đoàn có thể tham gia hội đồng quản trị nhiều công ty, thực chất trong điều kiện hiện nay các công ty tuy cổ phần nhưng vẫn mang tính gia đình, thành viên hội đồng quản trị chủ yếu theo dõi cách sử dụng vốn của mình nên khi giới hạn như vậy họ sẽ không muốn đầu tư vì không thể quyết định vốn của mình. Theo tôi vấn đề này khi công ty cổ phần lớn mạnh hơn, đại chúng hơn và hội đồng quản trị chuyên nghiệp hơn thì sẽ điều chỉnh luật để giới hạn tham gia hội đồng quản trị như dự thảo luật hiện tại.

Về vấn đề hậu kiểm, tôi thống nhất với đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang, xin không phân tích thêm.

Vấn đề cuối cùng là theo quy định của Luật doanh nghiệp (sửa đổi), việc giải thể doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa được quy định rõ đối với doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký. Vấn đề này hiện nay rất nan giải đối với các cơ quan đăng ký kinh doanh. Thực tế các cơ quan đăng ký kinh doanh chưa mạnh dạn quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp và xóa tên trong cổng thông tin quốc gia, vì nhiều doanh nghiệp trong trường hợp này còn nợ thuế và nợ các khoản khác. Do đó, tôi đề nghị cần có điều khoản quy định về vấn đề này. Đồng thời cần quy định chế tài đối với các thành viên, cổ đông sáng lập, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký.

 

ĐBQH Lê Công Đỉnh - Long An

Các bài viết khác