ĐBQH Phùng Đức Tiến - Hà Nam: Không nên nâng tuổi nghỉ hưu

16/06/2014

Qua nghiên cứu dự thảo Luật bảo hiểm xã hội, tôi xin tham gia một số nội dung sau: Một, về mở rộng đối tượng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, tôi nhất trí với chủ trương mở rộng đối tượng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có bổ sung đối tượng sinh viên trường công an, quân đội, cơ yếu, người quản lí doanh nghiệp.

Bởi những đối tượng này được ngân sách hỗ trợ hoặc có các khoản thu nhập rõ ràng, có tính ổn định cao. Nếu quy định mở rộng những đối tượng này sẽ đảm bảo được nguồn thu cho quỹ bảo hiểm xã hội ổn định. Mặt khác, điều kiện để họ tham gia thời gian đóng bảo hiểm được lâu dài và đến tuổi nghỉ hưu, họ sẽ có những khoản lương hưu cao để ổn định cuộc sống về dài. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng là những lao động có hợp đồng lao động dưới 3 tháng, theo tôi không có tính khả thi. Vì đây chủ yếu là hợp đồng thử việc, sau thử việc có thể được kí hợp đồng tiếp hoặc không. Đối tượng này chủ yếu là loại hợp đồng thời vụ, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Vì vậy lao động thuộc loại hợp đồng này nếu thu bảo hiểm xã hội bắt buộc khó thực hiện.

Đối với lao động người nước ngoài đến Việt Nam có kỳ hạn hầu như không hưởng lương hưu tại Việt Nam nên đối tượng này nếu có thu thì thu một số quỹ như tai nạn, ốm đau, bệnh nghề nghiệp.

Hai, về tuổi nghỉ hưu, tôi không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu, vì ba lý do sau:

Thứ nhất, tuổi nghỉ hưu là tuổi mà khi đó sức khỏe không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo năng xuất, chất lượng lao động. Trong những năm qua tuổi thọ của người Việt Nam có tăng nhưng sức khỏe của đại đa số người lao động nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi chưa được cải thiện nhiều so với tuổi. Qua nắm bắt tình hình thực tế lao động ở khu vực các doanh nghiệp, giáo viên là lực lượng lao động đông nhất, tôi thấy với tuổi 60 nam, 55 nữ sức khỏe đã giảm, sức ỳ công việc lớn, đối tượng là công chức, viên chức, hành chính sự nghiệp, sức khỏe có khá hơn nhưng rất nhiều người đã ngại đọc, ngại viết, thiếu sáng tạo trong lao động. Một số người sau khi nghỉ hưu vẫn làm thêm nhưng chủ yếu y, bác sỹ, giảng viên, số này so với tổng số lao động cả nước không nhiều, họ làm thêm để tăng thu nhập, tâm lý chung là cũng muốn nghỉ ngơi. Một số mạng xã hội cũng đã mở chuyên mục thăm dò ý kiến về việc nâng tuổi nghỉ hưu, tôi thấy đại đa số ý kiến không đồng tình (trang Tuổi trẻ).

Thứ hai, hàng năm Việt Nam có trên 1.000.000 người bước vào tuổi lao động, trong đó có khoảng 400.000 người có trình độ đại học, cao đẳng, số lao động này thiếu việc làm. Có ý kiến cho rằng số người ở lứa tuổi 60, 55 có kinh nghiệm, có bản lĩnh công tác cần phải được làm tiếp, nhưng đại đa số cử tri thấy rằng thế hệ kế cận người về hưu cũng có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh không kém. Mặt khác, tuổi trẻ hiện nay có nhiều hoài bão, nhiều người được học tập bài bản cả trong nước và ngoài nước, có kiến thức tốt là lớp người chúng ta hoàn toàn tin tưởng, đây cũng là chủ trương của Đảng, Nhà nước về quan tâm, đào tạo, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ. Vậy giữ độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay cũng là giải quyết việc làm cho số lao động trẻ đang còn thất nghiệp như hiện nay.

Thứ ba, theo Bộ Luật lao động mới được Quốc hội thông qua ở khóa này, khi thảo luận cũng có ý kiến tăng tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau nhưng qua thảo luận Quốc hội đã thống nhất tuổi nghỉ hưu của nam 60, nữ 55. Một số lao động có trình độ cao, lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc có thể tăng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu so với quy định, như vậy đại đa số lao động nghỉ hưu ở độ tuổi nam 60 và nữ 55.

Về tính lương hưu, tôi nhất trí với nguyên tắc đóng, hưởng. Khi tính lương hưu, tôi thấy cách tính lương hưu như trong dự thảo luật chưa có căn cứ thực tiễn. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo có một báo cáo phân tích cơ sở, đưa ra cách tính này.

Thứ tư, về công tác quản lý quỹ bảo hiểm xã hội về thành lập thanh tra ngành bảo hiểm xã hội, tôi không nhất trí vì quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính đặc biệt do bảo hiểm xã hội là một đơn vị sự nghiệp quản lý, nếu giao cho bảo hiểm xã hội có chức năng thanh tra là giao cho một đơn vị sự nghiệp có chức năng quản lý nhà nước và điều này không đúng với hoạt động quản lý nhà nước, gây chồng chéo nhiệm vụ với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Hiện nay, chưa có luật liên ngành về các đơn vị sự nghiệp, nhưng theo quy định tại Điều 9, Luật viên chức năm 2010, Điều 2, Nghị định số 55 về thành lập tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Điều 1, Điều 2, Nghị định số 05 quy định chức năng, nhiệm vụ của bảo hiểm xã hội. Qua hoạt động thực tiễn cho thấy phần lớn đơn vị sự nghiệp đều thuộc cơ quan quản lý nhà nước, nếu giao nhiệm vụ thanh tra cho bảo hiểm xã hội là đặt đơn vị này ngang với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo quy định tại Điều 3, Khoản 1, Điều 4, Luật thanh tra năm 2010, khái niệm thanh tra được hiểu là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức cá nhân do thanh tra nhà nước thực hiện. Nếu dự thảo luật quy định được thành lập hoặc ủy quyền thanh tra là mâu thuẫn với Luật thanh tra.

Mặt khác, trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có thanh tra ngành lao động tài chính, y tế thực hiện. Nếu thêm thanh tra bảo hiểm xã hội sẽ gây chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ và tăng bộ máy, tăng kinh phí. Để không mất cân đối thu chi của quỹ bảo hiểm xã hội tôi thấy việc để nợ đọng nhiều bảo hiểm xã hội là do ngành bảo hiểm xã hội thiếu tích cực, đề nghị bảo hiểm xã hội cần tiếp tục cố gắng. Nếu tổ chức sử dụng lao động cố tình chây ì, không nộp thì khởi kiện ra tòa, bên cạnh đó phải tiết kiệm chi phí cho bộ máy quản lý và tăng lợi tức của quỹ. Nếu bằng các giải pháp tổng thể một cách tích cực, đồng bộ, đầy đủ mà không cân đối được thu chi thì có thể tính tới giải pháp khắc phục là tăng bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ phần trăm tính trên thu nhập của người lao động, người sử dụng lao động. Trên đây là một số ý kiến góp ý của tôi.

 

ĐBQH Phùng Đức Tiến - Hà Nam

Các bài viết khác