PV: Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, kết luận của đoàn giám sát là chưa cao, chưa quy rõ trách nhiệm. Theo bà nguyên nhân là do đâu?
Bà Bùi Thị An: Vấn đề này có nhiều lý do. Thứ nhất, bản thân người được đi giám sát không được cung cấp thông tin một cách đầy đủ. Đáng lẽ ra cơ quan, đối tượng được giám sát phải cung cấp đầy đủ tất cả thông tin một cách trung thực cho người đi giám sát. Thứ hai, người đi giám sát phải đủ trình độ để phát hiện ra vấn đề, theo dõi những lĩnh vực mà mình đi giám sát. Chỉ căn cứ vào báo cáo là không đủ, mà phải kiểm chứng qua thực tiễn xem việc làm và kết quả báo cáo có đúng không để từ đó có kết luận. Như vậy đại biểu QH đòi hỏi phải đủ trình độ, sát cử tri, sát thực tiễn và thấu hiểu ngành, lĩnh vực đi giám sát. Lúc đó mới có kết luận rõ ràng.
Nhưng hầu hết trong các kết luận của đoàn giám sát đều thiếu vấn đề quy trách nhiệm. Phải chăng chúng ta còn né tránh, thưa bà?
- Phải nói thực là có những chỗ trách nhiệm không rõ ràng. Ngay trong Luật chúng ta đâu có quy trách nhiệm rõ ràng. Đáng ra người đứng đầu đơn vị, người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm nhưng trong luật chưa quy định rõ. Cho nên thường khi xảy ra vấn đề thì trách nhiệm thuộc về tập thể. Tới đây khi giám sát QH phải có kết luận rõ ràng, cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu. Trách nhiệm phải tương xứng chứ kết luận cứ chung chung rồi xử lý nhẹ trong khi lỗi rất nặng thì không giải quyết được vấn đề.
Hoạt động chất vấn tại QH là một trong những hoạt động giám sát tối cao của QH. Vậy theo đánh giá của bà, hoạt động chất vấn của QH trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?
- Chất vấn là hoạt động giám sát rất quan trọng của QH. Vừa qua đã tăng thời lượng chất vấn, hay việc lựa chọn các tư lệnh ngành chất vấn tại QH đã có tiến bộ. Tuy nhiên, chất lượng cao hay không còn phụ thuộc vào nội dung chất vấn của các đại biểu QH, cách đại biểu QH đặt vấn đề. Thực ra mà nói đánh giá chung là hoạt động chất vấn tại QH là có đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri. Vì trong quá trình chất vấn thời lượng vẫn chưa đủ, hay nhiều vấn đề đại biểu QH đặt ra cũng chưa thật trúng. Khi trả lời thì nhiều Bộ trưởng trả lời vòng vèo không đi vào vấn đề làm mất nhiều thời gian, khiến những vấn đề được đại biểu QH đưa ra nhưng không được làm rõ.
Khi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề cập vấn đề giám sát của QH. Là một đại biểu Quốc hội, bà nghĩ sao?
- Giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng của QH. Chỉ có giám sát mới phát hiện được những cơ quan thuộc diện QH giám sát như: Chủ tịch nước; Chính phủ; Thường vụ QH; hay những chức danh do QH bổ nhiệm xem việc tổ chức thực hiện của họ như thế nào? Đó là chức năng vô cùng quan trọng nhưng trong giai đoạn vừa rồi khi đi giám sát, một số đoàn giám sát chưa phát hiện được những vấn đề mang tính chất khiếm khuyết, cản trở hoạt động chung và không có kết luận rõ ràng, kết luận không phân biệt được trách nhiệm cuối cùng, đặc biệt là theo dõi hậu giám sát xem những người được trao trách nhiệm, hay những tổ chức được trao trách nhiệm thực hiện kết luận giám sát đến đâu thì làm chưa tốt. Và tới đây giám sát phải phát hiện vấn đề, kết luận vấn đề, phân rõ trách nhiệm. Đặc biệt quan trọng là hậu giám sát theo dõi xem họ làm đến đâu? thực hiện như thế nào? nếu không thì truy cứu trách nhiệm. Như vậy giám sát mới có hiệu quả.
Vậy theo bà hoạt động giám sát của QH phải được đổi mới như thế nào?
- Phải tăng cường vai trò của đại biểu QH và các trưởng đoàn giám sát của QH lên. Để giám sát thật chắc thì tất cả các báo cáo thông tin phải đầy đủ. Đặc biệt khi có kết luận cần thông báo tới cấp trên của nơi được giám sát và yêu cầu phải sửa. Nếu không từ đợt giám sát này đến đợt sau khuyết điểm vẫn như cũ.
Tại hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của QH”, nhiều ý kiến cho rằng để nâng cao công tác giám sát của QH, cần tăng cường vai trò và chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Vậy theo bà cơ chế phối hợp sẽ như thế nào?
- Cần bàn lại cơ chế phối hợp xem trong kết luận giám sát thì vai trò của Mặt trận với đoàn giám sát thế nào? tranh luận đến đâu? Tôi cho rằng, nên giám sát và có kết luận độc lập. Cuối cùng là tranh luận để đi đến chân lý. Nhưng quan trọng là làm thế nào để thẩm tra thông tin giữa báo cáo và thực tiễn có đúng không là vấn đề quan trọng. Lúc đó mới có kết luận thích đáng để khắc phục những thiếu sót.
Trân trọng cảm ơn bà!