ĐBQH La Ngọc Thoáng - Cao Bằng: Quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội như dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội là không thừa nhận thực tiễn, không kế thừa các quy định luật hiện hành

22/10/2014

ĐBQH La Ngọc Thoáng - Cao Bằng: Cần quy định rõ ràng về quyết định thành lập, vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

ĐBQH La Ngọc Thoáng - Cao Bằng phát biểu ý kiến

Về đoàn đại biểu Quốc hội, quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội như dự thảo luật là không thừa nhận thực tiễn, không kế thừa các quy định luật hiện hành. Trên thực tế, quy định ở một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành Đoàn đại biểu Quốc hội đã và đang hoạt động với tư cách là tổ chức của Quốc hội ở địa phương. Điều đó thể hiện ở các quy định trong hoạt động xây dựng, góp ý các dự án luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bản thân hoạt động của Đoàn cũng hoàn toàn mang tính pháp nhân, thể hiện ở có con dấu riêng, tài khoản riêng và chủ thể độc lập trong các giao dịch dân sự.

Các kiến nghị dưới danh nghĩa Đoàn đại biểu Quốc hội thực sự được các cơ quan coi trọng và là chỗ dựa tin cậy cho các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền năng, nhiệm vụ của mình. Quy định của dự thảo luật chỉ nhấn mạnh vào sự tập trung các đại biểu Quốc hội ở địa phương. Các quyền năng, nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Luật tổ chức Quốc hội hiện hành. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội đã bị lược bỏ, đây thực sự là bước lùi đối với các Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong Luật tổ chức Quốc hội quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội được đặt thành Chương V, trong đó ghi rõ nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội, trong dự thảo luật tại Chương II chỉ đề là "Đại biểu Quốc hội", quy định về đoàn đại biểu Quốc hội chỉ là một điều trong chương đó.

Trong Luật Hoạt động giám sát ngay trong phần mở đầu ghi rõ: luật này quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Các điều luật kế tiếp đều quy định đoàn đại biểu Quốc hội là một chủ thể giám sát bên cạnh Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Từ khi thành lập các đoàn đại biểu Quốc hội đã thực hiện tốt chức năng này, nhưng dự thảo luật hoàn toàn bỏ, chỉ quy định đoàn đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tổ chức cho các đại biểu hoạt động giám sát. Theo tôi đây là quy định thiếu tính khả thi, vì đoàn đại biểu Quốc hội sẽ không có quyền ban hành báo cáo giám sát, trưng dụng các đơn vị tham gia giám sát. Tóm lại đoàn đại biểu Quốc hội chỉ có nhiệm vụ phục vụ đại biểu Quốc hội hoạt động giám sát mà thôi.

Trong khi đó tại Điều 3 dự thảo quy định về nguyên tắc và hiệu quả hoạt động của Quốc hội lại khẳng định hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội là những hoạt động để xem xét đánh giá hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đối với ý kiến cho rằng không thể hiện quy định của đoàn đại biểu Quốc hội có địa vị như một chủ thể pháp lý trực thuộc Quốc hội vì không được quy định trong Hiến pháp là không thuyết phục. Vì Hiến pháp năm 2013 chỉ bao gồm các quy định mang tính nguyên tắc, việc quy định cụ thể thuộc về các đạo luật. Điều chúng ta cần là tinh thần Hiến pháp, các nội dung đã được các văn bản pháp luật hiện hành và thực tiễn kiểm nhiệm, nếu không trái với tinh thần Hiến pháp thì hoàn toàn có thể quy định trong luật.

Đối với giải trình của ban dự thảo cho rằng, cơ cấu tổ chức của Quốc hội đã được làm rõ, thông qua chế định bao gồm chế định Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Nhưng ở Điều 49 trong dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương, chúng ta lại khẳng định cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân lại gồm thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và không có đại biểu Hội đồng nhân dân. Như vậy, về cơ quan dân cử chúng ta đã có quan điểm khác nhau về cơ cấu tổ chức. Chính vì những lập luận chưa được chứng minh một cách khoa học, nặng về giải thích, phần phủ nhận thực tiễn đã có phần hạn chế hoạt động của cơ quan dân cử của chúng ta.

Về văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội cần được quy định rõ ràng hơn theo Nghị quyết 545 , 207 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XII về quyết định thành lập, quy định vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định văn phòng là cơ quan tham mưu phục vụ đoàn đại biểu Quốc hội, do đó văn phòng phục vụ đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động gần như chỉ tập trung vào phục vụ, phó mặc cho đại biểu tự nghiên cứu, tự tìm tòi. Trong khi hiện nay nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là hết sức lớn, đa lĩnh vực. Ở các nước phát triển trên thế giới, từng nghị sỹ người ta có văn phòng riêng, với bộ máy giúp việc đồng bộ, kết quả hoạt động của bộ máy giúp việc đóng góp rất nhiều và khẳng định vai trò của đại biểu Quốc hội.

Chúng ta không đặt ra sự so sánh ở đây nhưng việc đặt văn phòng giúp việc cho cả đoàn đại biểu Quốc hội nếu chỉ nêu chung chung thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Văn phòng tham mưu giúp việc có cơ sở pháp lý, người cán bộ giúp việc có kiến thức, có năng lực, tham mưu phục vụ tốt cho đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, có như vậy mới giúp đại biểu Quốc hội hoàn thành trọng trách trước nhân dân.

Về hình thức Khoản 4, Điều 43 dự thảo luật không quy định việc tham mưu phục vụ đoàn đại biểu Quốc hội mà chỉ phục vụ cụ thể từng cá nhân, đại biểu Quốc hội. Quy định như vậy vô hình chung đã đồng nhất văn phòng và đoàn đại biểu Quốc hội ngang nhau. Trên cơ sở đó tôi đề nghị Ban soạn thảo quy định các nội dung có tính nguyên tắc về văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội phải là cơ quan tham mưu, giúp việc cho đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Quy định rõ tiêu chuẩn cán bộ tham mưu giúp việc đoàn đại biểu Quốc hội, việc luân chuyển, bổ nhiệm, lãnh đạo văn phòng, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động của văn phòng.

ĐBQH La Ngọc Thoáng - Cao Bằng