ĐBQH Nguyễn Thanh Hải - Hòa Bình: Cần bổ sung nội dung về chủ trương tuyển dụng vào dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp để thu hút người tài đến với học nghề

06/11/2014

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp cùng các tài liệu có liên quan, nhìn chung tôi thông nhất với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên với mong muốn tiếp tục hoàn thiện hơn các nội dung của dự thảo luật và tránh trùng lặp với các đại biểu đã phát biểu trước tôi. Tôi xin phép có vài ý kiến như sau.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - Hòa Bình phát biểu ý kiến

Kính thưa Quốc hội, có thể nói việc tăng năng suất lao động đối với nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của toàn xã hội cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tăng năng suất lao động không chỉ là kỳ vọng của tôi mà sẽ là kỳ vọng của tất cả các đại biểu Quốc hội và các cử tri đối với việc sửa đổi luật lần này. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào Điều 4, mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp một nội dung liên quan tới mục tiêu tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng lao động dịch vụ của người Việt Nam trong công tác giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, về chính sách của nhà nước đối với việc phát triển giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Điều 6 của dự thảo luật và chính sách đối với người học được quy định tại Điều 63. Dự thảo luật đã đề cập đến một số chính sách để phát triển giáo dục nghề nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách cho người học để thu hút được người học đến với học nghề, như các chính sách miễn, giảm học phí, cơ chế dạy nghề mở, linh hoạt, đa dạng, vừa học, vừa làm, hình thức học tập đa dạng, chính quy, thường xuyên, nội dung học tập phong phú, vừa học nghề, vừa học văn hóa v.v...

Tuy nhiên, theo tôi những chính sách này còn chưa đủ mạnh, chưa sát với đặc điểm, tính chất của dạy nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay. Do vậy, ngoài các cơ chế, chính sách nêu trên để nâng cao hiệu quả của giáo dục dạy nghề, của đào tạo nghề thì theo tôi cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung các chính sách đối với người học sau khi tốt nghiệp các trường nghề, như các chính sách về tạo việc làm, về tuyển dụng. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào hệ thống các chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp một nội dung có liên quan tới vấn đề vị trí việc làm, chính sách tuyển dụng đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước cụ thể như sau:

Thưa Quốc hội, hiện nay có một thực trạng là rất nhiều vị trí làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khối nhà nước, mặc dù theo tiêu chuẩn quy định về năng lực, kỹ năng, bằng cấp đối với người lao động tại vị trí việc làm đó chỉ quy định ở mức trình độ trung cấp là có thể đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu vị trí của việc làm đó. Nhưng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trong tuyển dụng luôn có xu hướng ưu tiên tuyển dụng những người có trình độ cao hơn như cao đẳng, đại học, thậm chí là cao hơn nữa để làm tại vị trí công tác mà không cần đến trình độ này.

Ví dụ, tại một trường trung học cơ sở mà tôi đã đi giám sát tại một huyện miền núi, với quy mô của nhà trường thì tổng thu, chi 1 năm chỉ khoảng 500 triệu, vậy chỉ cần 1 người tốt nghiệp trung cấp tài chính kế toán có thể đảm đương được việc hạch toán thu chi. Nhưng khi nhà trường cần tuyển dụng vị trí việc làm này thì đã có hàng chục đơn xin việc của các cử nhân kế toán, vậy là không còn cơ hội cho những người học viên tốt nghiệp các trường trung cấp nghề phù hợp. Những ví dụ như thế, có thể nói rằng không hề hiếm trong xã hội ta hiện nay. Việc tuyển dụng như vậy cho thấy một sự lãng phí lớn về kinh phí ngân sách trong công tác đào tạo. Đồng thời thực tế cho thấy chưa chắc một người đào tạo trình độ đại học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tại vị trí, việc làm của một người có trình độ trung cấp.

Trước một thực tế là cánh cửa của trường đại học ngày một rộng mở, với nhiều hệ đào tạo, nhiều loại hình, tạo cơ hội tốt nhất để mọi người có thể đến với giảng đường đại học, nên cơ hội tìm kiếm việc làm đối với những người tốt nghiệp các trường nghề sẽ càng khó khăn hơn. Vì các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước đều có xu hướng tuyển dụng như trên. Như một vòng luẩn quẩn, do chính sách tuyển dụng như vậy mà số người đến với học nghề ngày càng ít, số người vào đại học ngày càng tăng, bất chấp các chính sách ưu đãi, thu hút phân luồng đối với học nghề.

Cá nhân tôi thấy xu hướng tuyển dụng của các cơ quan, nhà nước, doanh nghiệp như vậy sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực lên chủ trương phân luồng, chủ trương khuyến khích học nghề của chúng ta. Gây ra một tâm lý lo lắng, thất vọng cho người dân khi đăng ký theo học hệ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Đặc biệt những người theo học các hệ này luôn có tâm lý không yên tâm để trau dồi kỹ năng và luôn có tâm lý muốn học liên thông ở trình độ cao hơn với hy vọng tìm được việc làm. Vậy vấn đề đặt ra chúng ta cần xây dựng những chính sách học nghề như thế nào đó, sao cho người dân phải tự giác học nghề, say sưa với học nghề, tương tự như với mục tiêu vào đại học hiện nay.

Thực tế các chính sách dạy nghề cũng như các giải pháp dạy nghề của chúng ta như đang được quy định trong dự thảo luật còn chưa hấp dẫn và chưa đủ sức thuyết phục đối với xã hội.

Kính thưa Quốc hội, với những phân tích như trên, tôi đánh giá đây là một trong những nguyên nhân lớn gây ra hiện tượng thừa thầy, thiếu thợ, hiện tượng không thu hút được người tài, người giỏi đến với học nghề, hiện tượng năng suất lao động, chất lượng lao động nghề của chúng ta thấp khi so sánh với các trường trong khu vực. Vì vậy, tôi kính mong Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung thêm nội dung liên quan tới chủ trương tuyển dụng vào trong dự thảo. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải - Hòa Bình