Quốc hội đang thảo luận về Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nội dung được tranh luận nhiều nhất là ai là người có thẩm quyền quyết định đầu tư và phải chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư đó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu Quốc hội bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (ảnh Quang Trung)
Cho ý kiến về dự án Luật này, Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) nói: “Theo kinh nghiệm của thế giới, không có chính phủ nước nào đem tiền đi đầu tư kinh doanh cả, trừ nắm giữ những lĩnh vực then chốt. Nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin đã nói rõ rồi: Nhà nước chỉ nắm những lĩnh vực then chốt. Chúng ta làm luật này là để Chính phủ quyết định đầu tư, đem tiền để sản xuất kinh doanh kiếm lời. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét chỗ này”.
Đại biểu cũng lưu ý, theo dự thảo, giao Thủ tướng quyết định đầu tư mà trách nhiệm lại nêu không rõ. “Bài học chúng ta đã có. Bao nhiêu tập đoàn, TCT thành lập ra rồi cuối cùng thất thoát, lãng phí, chưa nói tham nhũng mà không ai chịu trách nhiệm. Hỏi Chính phủ, Chính phủ nói cái này tôi giao cho Bộ này. Bộ lại bảo tôi chỉ được hỏi ý kiến chứ không quyết định. Chính vì thế, ở đây phải làm cho rõ thẩm quyền và trách nhiệm” – Đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh.
Giải thích rõ hơn, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, nếu thẩm quyền để Thủ tướng quyết định đầu tư vốn Nhà nước khi thành lập DN thì phải nói rõ trách nhiệm của thủ tướng khi để xảy ra vấn đề này như thế nào. “Tôi đề nghị, việc này nên giao cho Chính phủ chứ không nên giao cho Thủ tướng. Thủ tướng ký cả quyết định thành lập trường đại học thì không phải. Cái đó là công tác quản lý chứ không phải lãnh đạo”, theo đại biểu Ngô Văn Minh.
Một điểm nữa, theo ông Ngô Văn Minh, trong Luật DN nói là công ty mẹ, công ty con, tập đoàn kinh tế không phải là pháp nhân, không có tư cách pháp nhân nhưng ở khoản B, điều 11 chúng ta lại thừa nhận công ty mẹ, tập đoàn kinh tế Nhà nước là do Thủ tướng thành lập. Nói Thủ tướng thành lập thì tư cách pháp nhân ở đây thì Thủ tướng thành lập cái gì? Phải làm rõ chỗ này, vì như dự thảo là không nhất quán giữa 2 cơ quan trình 2 luật này (Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Bộ tài chính). “Ủy ban Kinh tế thẩm tra, phải xem lại chuyện công ty mẹ, tập đoàn kinh tế do Thủ tướng thành lập mà lại bảo không phải tư cách pháp nhân?” – ông Minh nhấn mạnh.
Về “Phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước”, theo đại biểu Ngô Văn Minh, việc này chúng ta nói nhiều nhưng trong luật này chúng ta lại cũng giao cho Thủ tướng. Phạm vi bổ sung vốn Nhà nước, theo đại biểu Ngô Văn Minh chỉ nên ấn định ở hai trường hợp, không nên giao Chính phủ ký tiếp phạm vi bổ sung vốn Nhà nước nữa. Theo dự thảo, 2 trường hợp được bổ sung vốn gồm: Không thu hút được các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đối với DN cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; Cần thiết phải duy trì để thực hiện nhiệm vụ quan trọng, an ninh quốc phòng. “Tôi nghĩ chỉ 2 trường hợp này thôi, phải khóa lại, không có ông làm ăn thua lỗ lại giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn Nhà nước trong phạm vi mở rộng. Như thế là không được. Tôi đề nghị, tất cả những việc này phải rất minh bạch, cụ thể, qui định trong luật này những điều quan trọng nhất thuộc về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN” – đại biểu Ngô Văn Minh nói.
Tránh tuyệt đối chuyện đầu tư ngoài ngành
Còn Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) khẳng định: “Vừa qua, một số DN lớn như Vinashin, Vinalines… bị đổ vỡ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính ổn định của nền kinh tế đất nước”.
Do vậy, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm và ở đây là cần đầu tư chính ngành. Lý do của sự đổ vỡ của các DN là khi được đầu tư vốn Nhà nước để thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực chính ngành, DN lại đầu tư ra ngoài ngành và dẫn đến không thực hiện được, gây thất thoát vốn.
Ông Trần Ngọc Vinh cũng khẳng định, đầu tư vốn của Nhà nước vào các DN là vấn đề hết sức quan trọng. Việc đầu tư vốn vào các DN của Nhà nước phải thật hiệu quả và bảo tồn được nguồn vốn của Nhà nước. Bởi lẽ, phát triển được sản xuất sẽ thu hút được lao động.
Cũng theo ông Vinh, dự thảo luật quy định những điểm rất mở, nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động. Cụ thể, Luật quy định rõ những DN nào được Nhà nước đầu tư 100% vốn; DN nào được Nhà nước đầu tư một phần vốn, nhưng phải đảm bảo sự chi phối và các DN thuộc thành phần nào thì không được đầu tư vốn. Vấn đề đầu tư vốn như thế nào được Luật quy định và phân loại chi tiết, cụ thể. Ngoài ra, Luật này cũng tạo điều kiện để các DN hoạt động đúng ngành nghề của họ và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các DN trong hoạt động, để phát hiện sớm những tồn tại, chỉ rõ những cách làm không đúng hướng nhằm chấn chỉnh cho các DN hoạt động đúng quỹ đạo.
“Tôi cho rằng, đây là điểm rất mở của Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước vào đầu tư sản xuất kinh doanh, nhằm tạo điều kiện cho các DN phát triển ổn định” – ông Trần Ngọc Vinh nói.
Theo kỳ vọng của ông Trần Ngọc Vinh, khi đưa Luật này vào cuộc sống, nó sẽ tác động rất lớn đến các thành phần kinh tế. Hiện có tình trạng một số DN tư nhân không muốn hoạt động, hoặc không có khả năng hoạt động vì thiếu vốn và để đảm bảo an sinh xã hội, đương nhiên Nhà nước phải đầu tư vốn cho họ. Các DN được đầu tư vốn phải hoạt động có hiệu quả, sinh lợi nhuận thì mới được đầu tư. Tuy nhiên, một số DN mang tính chất hoạt động công ích cho xã hội, phục vụ nhân dân, Nhà nước phải đảm bảo nguồn vốn cho họ hoạt động. Bên cạnh đó, các DN lớn như khai thác dầu khí, xây dựng thủy điện… không có đủ nguồn lực để đầu tư, thì Nhà nước phải đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế cả nước./.