Xã hội hóa biên soạn SGK có thể huy động được nguồn lực xã hội nhưng mục tiêu đổi mới giáo dục có đạt được không?

13/11/2014

Thảo luận ở tổ về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhiều ĐBQH nhất trí về chủ trương, song bày tỏ băn khoăn về phương pháp, lộ trình, cách làm của Đề án. Một trong những mối lo đó là việc thực hiện Đề án sẽ không có hiệu quả, mục tiêu đổi mới sẽ không đạt được như mong muốn. Ngay phương án nêu trong Đề án là xã hội hóa toàn bộ việc biên soạn sách giáo khoa, nếu kiểm soát được thì đây là chủ trương tốt, huy động được các nguồn lực xã hội. Nhưng nếu không cẩn thận thì việc biên soạn sách giáo khoa sẽ bị thương mại hóa.

ĐBQH Nguyễn Trung Thu (Long An): Nếu ra Nghị quyết mới của QH thì phải thật rành mạch, tránh tình trạng Nghị quyết chỉ mang tính định hướng
 
Tại Kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết mới về nội dung này. Dư luận xã hội và đông đảo cử tri rất quan tâm tới Đề án, tuy nhiên cũng có không ít cử tri lo ngại rằng không khéo thì việc thực hiện Đề án sẽ không có hiệu quả.

Nghị quyết 40 của QH về đổi mới chương trình, giáo dục phổ thông có đặt vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Nhưng đến giờ này quá trình thực hiện cho thấy Nghị quyết 40 không còn phù hợp. Kiểm điểm, đánh giá lại quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 40 thì thấy rằng cách giảng dạy hiện nay nặng về dạy chữ, chưa quan tâm tới dạy làm người, nền giáo dục của nước ta thời gian qua nặng về ứng thí. Vì vậy, tôi cơ bản thống nhất với mục tiêu của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mà Chính phủ trình lần này nhằm chuyển đổi từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất; chuyển từ nền giáo dục nặng về ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp. Tôi cũng nhất trí với chủ trương của Đề án là một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Trong đó, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, xuyên suốt từ lớp 1 – 12, được thiết kế theo 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản và định hướng nghề nghiệp. Thực hiện theo Đề án này thì các bậc học có sự liên thông với nhau, có sự định hướng nghề nghiệp ở ngay từ bậc giáo dục phổ thông.

Về phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng chương trình thống nhất, dự kiến sẽ có 4 bộ sách giáo khoa để triển khai thực hiện và Bộ sẽ đứng ra hướng dẫn, tổ chức, biên soạn, thẩm định, ban hành. Tôi băn khoăn về việc sau khi đã có chương trình thống nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức biên soạn và ban hành một bộ sách giáo khoa chuẩn - cách làm này có hiệu quả trong khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa hay không? Bởi theo nếp cũ thì các nhà trường và cơ sở giáo dục trên cả nước phải tuân thủ chương trình, sách giáo khoa của Bộ. Vì vậy, các nhà trường và cơ sở giáo dục có thể sẽ chọn bộ sách giáo khoa do Bộ ban hành cho chắc ăn. Tôi đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự hướng dẫn để khuyến khích các tổ chức biên soạn, xây dựng các tiêu chí dành cho sách giáo khoa để thẩm định và ban hành.

Tại Kỳ họp trước, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dự kiến trình QH. Lúc đó vấn đề gây xôn xao dư luận nhất là kinh phí thực hiện Đề án. Với Đề án trình ra QH tại Kỳ họp lần này, QH tiếp tục quan tâm đến vấn đề kinh phí. Theo Tờ trình của Chính phủ thì dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án là gần 800 tỷ đồng, trong đó 462 tỷ dành cho việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và hỗ trợ các địa phương để thực hiện Đề án. Ngoài ra, sẽ cần thêm 316,8 tỷ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục ở địa phương, cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương... Tôi cho rằng cần tính toán thật kỹ và cụ thể. Ví dụ, Chính phủ có nêu phần kinh phí của địa phương thì cơ chế cấp kinh phí là như thế nào? Do Trung ương cấp hay địa phương tự cân đối? Nếu địa phương tự cân đối thì việc thực hiện Đề án sẽ dễ gặp khó khăn trong vấn đề kinh phí.

Rút kinh nghiệm từ việc QH ban hành Nghị quyết 40 lần trước, đến nay khi tổng kết thực hiện, chúng ta không biết là đã chi ra bao nhiêu tiền trong khi cái gì đã làm được và chưa làm được cũng không rõ. Do đó, lần này, nếu QH ra Nghị quyết mới thì phải thật rành mạch. Theo đó, việc xây dựng chương trình kinh phí là bao nhiêu? Biên soạn sách giáo khoa là bao nhiêu? Đào tạo lại đội ngũ giáo viên là bao nhiêu? Tránh tình trạng chúng ta dễ dãi thông qua một Nghị quyết chỉ mang tính định hướng. Sau đó trong quá trình Chính phủ triển khai, cần bao nhiêu tiền để thực hiện thì Chính phủ tự quyết.

ĐBQH Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh): Đề án tác động thế nào đến xã hội khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa – tôi chưa thấy đề cập

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là vấn đề hết sức hệ trọng đối với nền giáo dục nước nhà. Qua nghiên cứu Đề án, tôi thấy có một số quan điểm mới từ tinh thần Nghị quyết của Trung ương đã được cụ thể trong Đề án, nhưng về phương pháp, lộ trình, bước đi, cách làm thì còn nhiều vấn đề khiến tôi băn khoăn.

Trước hết, Đề án tác động thế nào đến xã hội khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa – tôi chưa thấy Chính phủ đề cập. Bởi Đề án này nếu được thông qua sẽ liên quan đến hơn 20 triệu học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, kết quả đổi mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền giáo dục và sự phát triển của nước nhà? Một Đề án lớn như thế, quan trọng như thế nhưng không đưa ra được những dự báo về tác động của Đề án đối với xã hội, nhất là đối tượng thụ hưởng thì chưa đầy đủ. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan tham mưu phải có đánh giá để làm cơ sở cho QH nghiên cứu và thể hiện chính kiến trước khi quyết định có thông qua Đề án này hay không.

Thứ hai, trong nguyên tắc Đề án đưa ra có nêu vấn đề xây dựng bộ sách giáo khoa, đổi mới chương trình, sách giáo khoa có tính kế thừa. Nhưng sau khi nghiên cứu Đề án, tôi thấy toàn bộ Đề án không thể hiện được tính kế thừa mà ở đây coi như một việc làm mới, coi như biên soạn và chuẩn bị một bộ sách giáo khoa mới (?). Hiện nay, nền giáo dục nước ta đã có cơ sở và đã bộc lộ những vấn đề bất cập, nhưng có đến mức chúng ta phải xây dựng lại hoàn toàn chương trình hay toàn bộ bộ sách giáo khoa không? Hay chúng ta nên đánh giá lại chương trình, sách giáo khoa nào còn phù hợp để kế thừa và điểm nào cần đổi mới. Phải cân nhắc hết sức thận trọng việc này. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ cần đưa ra những nội dung thể hiện quan điểm kế thừa trong Đề án này.

Thứ ba, về biên soạn bộ sách giáo khoa, Tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 phương án. Còn trong dự thảo Nghị quyết của QH về đề án chỉ có một phương án là vừa khuyến khích xã hội hóa, đồng thời giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa. Với hai phương án nêu trong Tờ trình, tôi ủng hộ phương án 1: xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chủ trì, định hướng, quản lý, tổ chức thẩm định chứ không nên tham gia biên soạn, vì như vậy là vừa đá bóng, vừa thổi còi, khó bảo đảm tính khách quan. Cũng có ý kiến băn khoăn, nếu Bộ xây dựng một bộ sách giáo khoa mà không đạt yêu cầu thì có lãng phí ngân sách nhà nước không, vì nếu Bộ biên soạn thì kinh phí phải lấy từ ngân sách nhà nước? Hoặc nếu bộ sách giáo khoa do Bộ biên soạn không đạt yêu cầu đổi mới thì trách nhiệm của Bộ như thế nào? Nhưng điều tôi quan tâm nhất vẫn là nếu giao Bộ biên soạn thì không khách quan, không công tâm. Vấn đề là phải xã hội hóa được việc biên soạn này, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, địa phương biên soạn bộ sách giáo khoa hoặc từng tập sách để Hội đồng thẩm định.

Về lộ trình, bước đi thực hiện Đề án, tôi thấy rất băn khoăn ở chỗ thay đổi lớn như vậy mà không có bước thí điểm. Theo lộ trình trong Đề án, năm học 2018 – 2019 sẽ áp dụng đại trà. Tôi rất lo. Cho nên Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu có phương pháp mà chưa thể hiện rõ ở đây thì đề nghị Bộ giải trình thêm. Theo tôi nên có bước đi cẩn trọng trong việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa này. Không nên thay đổi một lúc và áp dụng đại trà ngay mà cần bước thí điểm. Tất nhiên ai cũng mong muốn đổi mới đạt kết quả tốt nhưng thực tiễn đã cho thấy không thể khẳng định ngay rằng đổi mới chỉ có thành công, không có thất bại. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt ảnh hưởng đến nền giáo dục của nhiều thế hệ. Do vậy phải hết sức cẩn trọng.

Về kinh phí, vấn đề dư luận rất quan tâm, theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ là cụ thể, rõ ràng nhưng tôi vẫn băn khoăn. Bây giờ trong dự toán nêu có phần từ ngân sách, phần xã hội hóa... Đúng là đã có dự toán, nhưng tôi không chắc liệu kinh phí thực hiện Đề án có dừng ở mức Chính phủ đã nêu hay lại tiếp tục phát sinh? Đề nghị Bộ chủ quản, đặc biệt là Chính phủ khi trình Đề án cũng phải tính toán bảo đảm cân đối ngân sách, không quá lãng phí, nhưng đồng thời cũng phải rõ ràng, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện.
 
ĐBQH Chu Lê Chinh (Lai Châu): Sách giáo khoa mà bị lệch đi thì trăm thứ tai hại kéo theo

Đọc Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tôi có nhiều niềm vui nhưng cũng có băn khoăn. Trước hết là phần đánh giá thực hiện Nghị quyết 40 của QH. Không bàn đến kết quả nữa, ở đây Đề án đưa ra 6 hạn chế khá cụ thể. Nhưng giải pháp đề ra để thực hiện đổi mới giáo dục, cũng là để khắc phục những hạn chế, thì chưa bám sát những hạn chế đã nêu. Tôi cũng chưa thấy Đề án toát lên tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện của Nghị quyết 29 của Trung ương. Trong Đề án vẫn còn nhiều khoảng trống. Ví dụ Đề án có nêu ra 6 nội dung, trong đó nội dung thứ nhất là mục tiêu cơ bản về giáo dục. Mục tiêu nêu trong Đề án chỉ có mục tiêu chung của các cấp mà không tách riêng cho các cấp học. Mục tiêu của từng cấp phải khác nhau. Ví dụ mục tiêu của bậc mầm non là gì, của bậc tiểu học là gì, bậc giáo dục phổ thông là gì? Không xác định được mục tiêu từng cấp học thì phương pháp và nội dung chương trình sẽ không thể sát được.

Theo tôi đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong Đề án lần này phải giải quyết được mấy vấn đề cơ bản. Thứ nhất về chương trình học, nội dung này ta đã nói nhiều. Chương trình phổ thông hiện nay là chương trình khung nhiều hơn, nặng tính hàn lâm mà không thiết thực, không phù hợp với đối tượng học sinh. Học xong không thể áp dụng vào thực tiễn, học không đi đôi với hành. Học sinh chúng ta hiện nay học xong lớp 12 mà không biết mình định theo nghề nghiệp gì, hay làm được việc gì. Thứ hai là vấn đề phương pháp đánh giá, kiểm tra chất lượng học sinh thông qua thi cử. Năm nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp các cấp cũng trên 80-90% nhưng thực chất chất lượng học sinh chưa đạt được như thế. Phương pháp đánh giá chất lượng của ta vẫn còn hình thức. Bệnh thành tích còn phổ biến, nhiều trường còn chạy theo chỉ tiêu. Thực tế đúng là nếu không đạt được chỉ tiêu thì các trường sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp có cao thì xã hội cũng không thừa nhận. Rồi có tình trạng nhiều trường tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 100% nhưng số học sinh đỗ cao đẳng, đại học chỉ được 70%. Tại sao lại có sự cắt khúc như vậy? Một phần là bởi chương trình phổ thông thiếu tính liên thông với kỳ thi đại học. Chương trình tiểu học cũng cắt khúc và không liên thông với chương trình cấp II. Chương trình cấp II không liên thông với chương trình cấp III. Học xong lớp 12 đi thi đại học cũng không làm được. Chỗ này là do thiếu tính khoa học trong chương trình giáo dục.

Về một số vấn đề lớn trong Đề án, trước hết là xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Tôi nghĩ nếu kiểm tra, kiểm soát được thì chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa là tốt, góp phần phát huy được nguồn lực xã hội. Nhưng nếu không cẩn thận thì sách giáo khoa sẽ bị thương mại hóa mà nguy hiểm là chất lượng không đạt. Đề án có đề cập đến việc thành lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Nhưng nếu có quá nhiều bộ sách giáo khoa thì e rằng Hội đồng cũng không kiểm soát được. Theo tôi hiện tại sách giáo khoa vẫn nên do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp biên soạn và chịu trách nhiệm. Sách giáo khoa mà bị lệch đi thì trăm thứ tai hại kéo theo. Xã hội hóa đúng là huy động được nguồn lực nhưng quan trọng là mục tiêu giáo dục liệu có đạt được không?

Đề án cũng đề xuất xây dựng 2 bộ sách giáo khoa theo vùng miền, theo tôi là không nên. Bởi như thế sẽ có sự tách biệt về tri thức. Phân biệt trong giáo dục là phân biệt đối xử về dân trí. Nhưng trong bộ sách giáo khoa chung nên có phần cứng và phần mềm. Như vậy, tùy điều kiện KT-XH của địa phương, tùy sức học của học sinh mà trong thực tiễn giảng dạy giáo viên có thể lựa chọn nội dung chương trình phù hợp.

(Theo Đại biểu Nhân dân)