Cần tránh tư duy có đề án là có tiền

15/11/2014

Từ 35 nghìn tỷ đồng trong lần đầu tiên trình UBTVQH đến Kỳ họp này, dự toán kinh phí của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã rút xuống chỉ còn hơn 400 tỷ đồng. Sự chênh lệch của các con số và dự toán của Đề án đặt ra nhiều câu hỏi. Đúng là muốn đổi mới phải có kinh phí. Nhưng tiền của dân có được chi tiêu một cách thiết thực và hiệu quả hay không khi mà nội dung của Đề án thì mênh mông quá, thiếu tính khả thi còn dự trù kinh phí lại rất cụ thể ví dụ như 13,1 tỷ đồng chi tập huấn đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình sách giáo khoa...

ĐBQH NGÔ VĂN HÙNG (LÀO CAI): Để thực hiện Đề án phải có tiền nhưng tiền đó phải sát với những việc phải làm, không được lãng phí

Tôi đồng tình với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để bảo đảm cho học sinh phổ thông của chúng ta có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về dự toán kinh phí. Chúng ta lấy cơ sở ở đâu để xây dựng một dự toán kinh phí thực hiện Đề án như thế này? Ví dụ như tập huấn cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình sách giáo khoa bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa... là 13,1 tỷ đồng. Nhưng thử hỏi lực lượng này là bao nhiêu người? Biên soạn như thế nào? Con số 13,1 tỷ đồng cũng rất lớn. Số tiền này làm được rất nhiều việc. Cho nên, về tính toán kinh phí ở đây, tôi đề nghị, phải nghiên cứu lại cho sát thực tế. Để thực hiện Đề án phải có tiền mới làm được. Nhưng tiền đó phải sát với công việc chúng ta làm để tránh lãng phí. Tôi đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải giải trình ra QH một phương án cụ thể, có tính thuyết phục để bảo đảm có tính hệ thống và hiệu quả trong quản lý về ngân sách, đặc biệt trong lúc Nhà nước, nhân dân còn khó khăn. Như trong Đề án hiện nay thì không có một tiêu chí, một định mức nào để chúng ta đưa ra một nguồn ngân sách mấy trăm tỷ đồng để thực hiện Đề án cả.
 
ĐBQH LÊ THỊ NGUYỆT (VĨNH PHÚC): Nhìn vào Đề án thấy mênh mông quá, thiếu tính khả thi

Các mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa đặt ra trong Đề án theo tôi là rõ ràng. Tuy nhiên, phải làm thế nào để Đề án thực thi được và có hiệu quả thì tôi thấy cần thảo luận thêm các giải pháp cụ thể cho từng bất cập của nền giáo dục hiện nay. Ví dụ Đề án đánh giá là chuẩn đầu ra của chương trình học hiện nay chưa gắn với phẩm chất và năng lực học sinh; chương trình giáo dục từng môn học chưa định hướng được các mục tiêu giảng dạy; đặc biệt tình trạng sách tham khảo tràn lan là vấn đề cử tri phàn nàn nhiều nhất. Năm 2013 tôi đã được tham gia Đoàn giám sát của UBTVQH ở nhiều địa phương liên quan đến chương trình và sách giáo khoa trung học phổ thông. Đến các trường nội trú, tôi thấy chồng sách của học sinh cao ngất ngưởng. Chương trình hiện hành chưa có điểm tích hợp giữa các bộ môn, tính phân hóa chưa được coi trọng. Việc thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa tới đây liệu có giải quyết được hết các vấn đề trên không? Rồi làm thế nào để giáo dục con người toàn diện như mục tiêu đặt ra trong Đề án? Đúng là chương trình hiện nay bị đánh giá là ít gắn với truyền thống, lịch sử, kỹ năng sống... Nhưng tôi cũng không đồng ý với cách đổi mới giáo dục hiện nay. Cứ khi nào xã hội có ý kiến về vấn đề gì là cơ quan quản lý lại lập tức sửa đổi ngay. Ví dụ khi có tình trạng mất cân đối tỷ lệ nam nữ trong dân số thì ta đưa ngay vào chương trình giáo dục nội dung về dân số, rồi an toàn giao thông, giáo dục pháp luật cũng đưa vào. Đúng là dạy học tích hợp nhưng thực ra là rất cập kênh, chương trình thêm nặng mà học sinh không lĩnh hội được. Hay việc dạy ngoại ngữ cũng vậy. Thực tế ở nhiều nơi vẫn coi đây là môn phụ, kết quả là học xong đa số học sinh không sử dụng được.

Tôi đồng ý nguyên tắc đổi mới giáo dục là chắt lọc kinh nghiệm nền giáo dục của ta từ trước tới nay, có tham khảo chọn lọc chương trình quốc tế. Về cơ bản là vậy nhưng giải pháp phải cụ thể hơn. Việc xã hội hóa sách giáo khoa cũng vậy. Theo tôi việc để cho nhiều cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa là tốt, nhưng phải có lộ trình cụ thể. Tránh dẫn tới tình trạng sách giáo khoa bị thị trường hóa, thương mại hóa, tràn lan sách giáo khoa mà nội dung sách thì không bảo đảm. Rồi việc thực nghiệm chương trình sách giáo khoa mới cũng thế. Quan trọng là từng bước thực hiện, khảo nghiệm và đánh giá thế nào cho chặt chẽ, phải từ đó rút được kinh nghiệm để áp dụng đại trà cho phù hợp. Những lần đổi mới chương trình vừa qua hiệu quả chưa cao chính là vì cách làm của chúng ta. Tuy nhiên, nhìn vào Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này, tôi thấy còn mênh mông quá, thiếu tính khả thi. Hơn nữa, Đề án này không chỉ là đổi mới về chương trình mà phải đổi mới cả về phương pháp quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên giảng dạy. Nếu các yếu tố đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất mà không đồng bộ thì Đề án khó thành công được.

Về tài chính để thực hiện Đề án, ở đây có đưa ra một số dự toán. Chỗ này tôi nghĩ phải làm sao bỏ được tư duy của một số quan chức là cứ có đề án là có tiền. Chi cái gì, chi như thế nào phải hiệu quả và thiết thực. Tất nhiên không thể để Đề án vì không đủ tài chính mà hiệu quả không cao nhưng cũng không thể để có kẽ hở làm thất thoát ngân sách. Phải thực hiện tiết kiệm, nghiêm túc thiết thực và hiệu quả, không để mỗi ngành, mỗi cấp lại có Đề án nhỏ để chi tiền phi lý. Điều này đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của QH.
 
ĐBQH HOÀNG THỊ TỐ NGA (NAM ĐỊNH): Nói vùng núi, hải đảo khó khăn hơn nên chương trình nhẹ hơn là không được – thi cử có phân biệt vùng, miền đâu?
 
Tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho phù hợp với yêu cầu giáo dục hiện nay. Bởi vì, thực tế cho thấy, chương trình, sách giáo khoa hiện nay của chúng ta đang bộc lộ rất nhiều bất cập. Ví dụ, chương trình hiện nay là quá tải nên việc bố trí dạy chính khóa ở trường là không thể hết được chương trình mà cần phải dạy thêm cho học sinh. Sau này, chúng ta có thay đổi, bớt đi một số phần của sách giáo khoa phổ thông thì có môn phần bị cắt đi lại liên hệ đến phần không cắt nên rất khó dạy... Vì vậy, tôi hoàn toàn nhất trí việc phải biên soạn lại chương trình, sách giáo khoa. Tuy nhiên, biên soạn như thế nào? Chúng ta đều biết rằng, một nền giáo dục tốt cần phải có một chương trình tốt, sau đấy mới đến cách dạy và học của thày và trò.

Về cơ cấu giáo dục phổ thông tại Đề án, tôi đồng tình với quan điểm giáo dục cơ bản chỉ cần 9 năm, tức là 5 năm tiểu học và 4 năm trung học, chứ không nên kéo dài thành 10 năm. Khi kết thúc cấp 2 là học sinh có thể chuyển hướng học nghề được. Bởi vì không phải học sinh nào cũng có điều kiện học lên cấp 3. Nhưng hiện nay, trong chương trình của bậc THPT lại có thêm danh mục dạy nghề, tức là có môn học nghề. Tôi thấy rằng, định hướng giáo dục từ cấp 2 là đúng, nhưng không phải định hướng theo kiểu trong chương trình học cho học sinh học nghề, và thực tế chẳng có hiệu quả gì khi đưa một số tiết dạy nghề vào. Khi thi lại tính điểm học nghề vào điểm tốt nghiệp hay là vào cấp 3 được cộng thêm điểm thi. Tôi cho rằng, cách làm như vậy chỉ mang tính hình thức và không có hiệu quả, gây mất thời gian của học sinh. Đã là chương trình cơ bản thì chỉ dạy kiến thức cơ bản thôi.

Về chủ trương ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, tôi nhất trí. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là, theo Đề án, sẽ ban hành một chương trình thống nhất nhưng có sự mềm dẻo giữa các vùng miền. Thực tế, khi thi cử, chúng ta có phân biệt vùng miền đâu? Cùng một trường đại học, cùng ra một đề như vậy giữa miền núi và đồng bằng đâu có phân biệt? Còn nói giữa vùng núi, hải đảo khó khăn hơn nên chương trình nhẹ hơn là không được. Cho nên, tôi đề nghị thống nhất 1 chương trình dạy và trong đó, có mục nâng cao mở rộng tùy khả năng của các cháu và tùy vùng miền, chứ không thể có mềm dẻo trong khuôn khổ được.

Về xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, tôi đồng tình quan điểm chỉ có một sách giáo khoa duy nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Để minh bạch, khách quan, tôi cho rằng, có thể nhiều tổ chức in bộ sách giáo khoa đấy nhưng phải có sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ như thực tế hiện nay, sách nâng cao của các nhà xuất bản khác nhau là khác nhau rồi, đã có sự lệch nhau rồi. Cho nên, tôi mong muốn chỉ có 1 bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo thôi vì Bộ là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này nên việc kiểm soát sẽ dễ hơn và nếu có vấn đề gì xảy ra thì trách nhiệm cũng rõ ràng hơn. Còn Bộ soạn ra 1 bộ sách giáo khoa rồi cho các tổ chức khác đấu thầu thì cũng có yếu tố tốt nhưng bản thân tôi không tán thành lắm. Tôi cho rằng, bộ sách này cần thống nhất do các chuyên gia đầu ngành biên soạn, và trong đó, cần lấy ý kiến của các giáo viên phổ thông vì họ chính là những người trực tiếp dạy học, có kinh nghiệm để xác định một bộ sách giáo khoa như thế nào là tốt nhất và phù hợp với thực tế nhất.

(Theo Đại biểu nhân dân)