Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - chưa thấy có cơ sở đánh giá đổi mới xong sẽ tốt hơn

15/11/2014

Nhìn vào chủ trương, mục tiêu của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tôi thấy có nhiều điểm mới nhưng lại chưa thấy có cơ sở nào để đánh giá đổi mới xong sẽ tốt hơn hiện tại.

Ví dụ như việc đánh giá chất lượng học sinh. Ở nước ta từ trước đến nay đánh giá theo thang điểm 10. Như vậy để đánh giá chất lượng rèn luyện học tập của học sinh, trên cơ sở đó các em phấn đấu nỗ lực, phụ huynh cũng giám sát được con em họ. Nếu bây giờ không đánh giá như vậy thì đánh giá như thế nào? Bây giờ tất cả học sinh đều tốt thì khen ai? Chỉ riêng việc này thôi hiện nay cử tri cũng đã xôn xao.

Về một số nội dung cụ thể của Đề án, Điều 2 về mục tiêu có nêu: đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; chuyển từ dạy chữ, đối phó với thi cử sang kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi người. Theo tôi đánh giá thế này là không ổn. Từ trước đến nay năm nào chúng ta cũng nói đã làm tốt công tác giáo dục. Bây giờ đưa ra thế này tức là bảo trước đây chỉ dạy chữ và dạy đối phó để thi cử? Điều đó là không đúng. Trước nay ta có dạy người không? Có chứ. Theo tôi cần xem xét lại để đánh giá cho đúng mức. Đánh giá không đúng thì quyết định không đúng. Hay nhìn từ chuyện thi cử cũng vậy. Thi cử thực chất không xấu. Thi là kỳ sát hạch kiểm tra quá trình học tập để đánh giá chất lượng học sinh được hay không được. Bao nhiêu nhà khoa học, tiến sỹ, giáo sư của ta đều học từ chương trình cũ. Vậy họ có thể gọi là học đối phó không? Nếu nói như Đề án thì trước đây giáo dục của ta đã sai hướng hết?

Theo Đề án thì chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng tương ứng với 2 giai đoạn là giáo dục cơ bản là cấp tiểu học và trung học cơ sở, giai đoạn 2 là định hướng nghề nghiệp. Hiện nay học sinh của ta vẫn học theo hệ 12 năm. Nếu thiết kế theo hướng 2 giai đoạn thì phải làm rõ được giáo dục cơ bản là thế nào, định hướng nghề nghiệp là thế nào, mức độ, phạm vi của giáo dục cơ bản và định hướng nghề nghiệp đến đâu? Hay ở điểm g dự thảo Nghị quyết xác định: đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực trong đánh giá năng lực học sinh và cung cấp thông tin chính xác cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học - chỉ đưa ra như thế này thì cử tri hoang mang là đúng. Tôi đồng tình với định hướng nhưng Đề án phải làm rõ được sau khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì nền giáo dục của chúng ta sẽ không bị tụt hậu so với hiện tại.

Quan điểm của tôi, nếu QH có quyết định thì bây giờ cũng chỉ có thể quyết định thông qua về mặt chủ trương thôi chứ Đề án hiện nay còn quá mông lung. Nhìn vào Đề án, chưa biết hình hài đổi mới ra sao. Tôi đắn đo lắm. Không đổi mới là không được. Đổi mới là đúng. Nhưng đổi mới như thế nào, mức độ, phạm vi đến đâu? Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phân tích cụ thể hơn. Trong Đề án phải xây dựng được mô hình đổi mới cụ thể thì ĐBQH mới dám thông qua để triển khai thực hiện vì nếu QH thông qua Đề án này nhưng thực hiện xong mà nền giáo dục lại tụt hậu thì QH sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này.

ĐBQH Y Khút Niê (Đắk Lắk)

(Theo Đại biểu nhân dân)