Phải giữ đến cùng thiết chế HĐND, điều kiện tiên quyết và cuối cùng của nền dân chủ nhân dân

03/12/2014

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn, một trong những dấu ấn của Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIII là, dù bàn về các vấn đề quốc kế dân sinh, chuyện học hành, cơm áo, hay bàn về tổ chức bộ máy nhà nước thì chính kiến của ĐBQH đều thể hiện đậm nét tâm tư, tình cảm và ý nguyện của nhân dân. Chuyện các ĐBQH kiên trì bảo vệ HĐND trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một ví dụ điển hình như vậy. HĐND vừa là thành quả của nền dân chủ, vừa là cơ sở để bảo đảm dân chủ. Phải giữ đến cùng thiết chế HĐND cho dân và cho nền dân chủ Việt Nam.

Không thể tư duy về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo kiểu thích thì giữ, không thích thì bỏ

- Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII có lẽ là Kỳ họp dài và nhiều việc phải bàn nhất có phải vậy không thưa Phó trưởng Đoàn?

- Kỳ họp thứ Tám là kỳ họp thứ hai triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, nên QH đã tập trung thực hiện chức năng lập pháp. QH đã cho ý kiến và thông qua một khối lượng lớn các dự án luật, trong đó có nhiều luật liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy nhà nước, bầu cử chuẩn bị cho QH khóa sau. Các ĐBQH đã thảo luận kỹ tại tổ và trên hội trường về các dự án luật này. Trong đó, tôi hy vọng khi thông qua Luật Tổ chức QH (sửa đổi), Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử.

Tại Kỳ họp thứ Tám, QH cũng xem xét, thông qua nhiều dự án luật phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi tin rằng, với cơ sở pháp lý có nhiều đổi mới như hiện nay thì nền kinh tế nước ta sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Dự cảm này có được là do tất cả những vấn đề gai góc, còn nhiều ý kiến khác nhau đều được ĐBQH đưa ra thảo luận rất nghiêm túc tại Kỳ họp này. ĐBQH đã thể hiện rõ thái độ của mình khi biểu quyết thông qua các dự luật. Thực tế, Kỳ họp này có một số luật tỷ lệ ĐBQH tán thành thông qua không cao, ví dụ như Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ có hơn 50% ĐBQH thông qua, thấp kỷ lục từ trước đến nay. Điều này cho thấy, ĐBQH có chính kiến rất rõ ràng, không biểu quyết để thông qua cho đẹp. Ngay trong từng dự án luật thì những vấn đề nào chưa chuẩn bị kỹ, còn băn khoăn, tỷ lệ ĐBQH tán thành cũng không cao.

Cá nhân tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của các ĐBQH tại Kỳ họp này. Dù ở hội trường hay phiên thảo luận tổ, ĐBQH luôn nghĩ về tình cảm, trách nhiệm với dân. Cũng có lúc, có cảm giác, điều này chưa được thể hiện rõ. Nhưng ở Kỳ họp này, quyền lợi, tâm tư, tình cảm của người dân thể hiện rất đậm nét trong ý kiến thảo luận, phát biểu của các ĐBQH. 

- Phó trưởng Đoàn vừa nhắc đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi của dân trong mỗi ý kiến của ĐBQH – có thể thấy rõ điều này khi nhìn lại Phiên họp toàn thể của QH, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương – luật về các cấp chính quyền gần dân nhất?

- Một vị lãnh đạo rất cao hỏi tôi có quan điểm như thế nào về tổ chức chính quyền địa phương. Tôi nói: quan điểm của mình trước sau như một là ở đâu có UBND ở đó phải có HĐND, ở đâu có quyền lực ở đó phải có cơ quan giám sát quyền lực. Vị lãnh đạo đó đã nói: đúng, người dân còn mỗi quyền đó nên không thể tước bỏ. Người dân chỉ còn QH, HĐND là nơi để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của mình, chỉ có QH, HĐND các cấp là đại diện cho dân, thay dân thực hiện quyền lực nhà nước và giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước nên phải giữ đến cùng thiết chế này cho dân.

Có người nói, HĐND ở một số nơi còn hoạt động hình thức nên phải bỏ đi. Nhưng với kinh nghiệm của một người từng là một trong những chuyên viên đầu tiên phục vụ HĐND, tôi thấy, chúng ta phải lý giải được vì sao HĐND còn hoạt động hình thức? Tại sao cơ quan dân cử ở các địa phương khác trên thế giới lại mạnh đến như thế? HĐND vừa là thành quả của dân chủ, vừa là cơ sở để bảo đảm nền dân chủ, nên không thể đặt vấn đề bỏ. Ngược lại, phải làm sao để thiết chế này hoạt động hiệu quả nhất, thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là cơ quan đại diện của nhân dân địa phương.   

Hiến pháp quy định mở để tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đơn vị hành chính, không phải mở để tước đoạt quyền làm chủ của Dân

- Hiến pháp năm 2013 đã quy định mỗi cấp chính quyền gồm HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm của khu vực nông thôn, thành thị, hải đảo và khu vực hành chính – kinh tế đặc biệt theo quy định của pháp luật. Diễn giải quy định này của Hiến pháp, cơ quan soạn thảo dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho rằng, như vậy sẽ có những nơi không tổ chức HĐND. Có phải như vậy hay không, thưa Phó trưởng Đoàn?

- Dự án Luật Chính quyền địa phương về cơ bản vẫn là Luật Tổ chức HĐND và UBND, có bổ sung một số nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Cơ quan soạn thảo dự án Luật trình QH hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, có một phương án sẽ tổ chức HĐND đầy đủ ở tất cả các cấp chính quyền; một phương án sẽ bỏ HĐND quận, phường. Việc đưa ra cả hai phương án như vậy chứng tỏ, bản thân cơ quan soạn thảo cũng lúng túng trong vấn đề này. Tôi cho rằng, phải có quan điểm chắc chắn, trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững vàng chứ không thể tư duy về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo kiểu thích thì giữ, không thích thì bỏ. Luật Tổ chức chính quyền địa phương – luật về cấp chính quyền gần dân nhất tuyệt đối không được cảm tính.

Khi thảo luận Hiến pháp năm 2013, cũng có một số ý kiến nói rằng, cần có quy định mở để sau này tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế của các đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Nhưng đừng nghĩ rằng mở để đóng lại, mở để tước đoạt quyền làm chủ của dân. Hiến pháp năm 2013 quy định mở là để tìm ra mô hình thích hợp như: ở hải đảo có thể không có cấp xã, từ huyện xuống thẳng các khu dân cư, và tại những khu dân cư này có đại diện hành chính để giải quyết một số nhu cầu của người dân. Nhưng không thể có chuyện, một cấp chính quyền chỉ có UBND mà không có HĐND, bởi Hiến pháp đã quy định rõ: UBND là cơ quan do HĐND bầu ra và là cơ quan chấp hành của HĐND. Anh không phải do HĐND bầu ra thì tại sao anh lại được gọi là UBND? Nếu không do HĐND bầu ra thì quá trình bầu ra thành viên UBND có phải là từ ý nguyện của nhân dân không? Cơ quan đó có đại diện cho những người lao động, cử tri ở khu vực đó hay là đại diện cho chính quyền cấp trên? Chúng ta cũng không thể gọi cơ quan đó là Ủy ban hành chính, vì không có chế định này trong Hiến pháp năm 2013, mà chỉ có UBND. 

- Kiên trì quan điểm bỏ HĐND quận, phường, một số ý kiến cho rằng, không có HĐND quận, phường dân vẫn có thể thực hiện quyền dân chủ gián tiếp thông qua đại biểu HĐND thành phố hoặc ĐBQH. Phó trưởng Đoàn suy nghĩ như thế nào về quan điểm này?

- Đúng là người dân có thể thực hiện quyền dân chủ gián tiếp thông qua đại biểu HĐND tỉnh, thành phố hoặc ĐBQH vì đại biểu HĐND tỉnh, thành phố hay ĐBQH cũng là những người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương đó. Nhưng ĐBQH, đại biểu HĐND một năm hai lần đi tiếp xúc cử tri thì những câu chuyện ở phường như một cái cống bị tắc, một con đường bị ô nhiễm vì đổ rác bừa bãi... – đơn giản nhất như vậy thôi, dân có thể phản ánh với đại biểu HĐND tỉnh, thành phố, ĐBQH và mong chờ các vị này giải quyết cho dân được hay không? Trong khi đó, nếu duy trì HĐND ở các cấp như hiện nay, dân có thể phản ánh cho HĐND quận, phường để lo ngay việc đó. Người xưa đã có câu quan thì xa, bản nha thì gần, nên phải lấy những người trực tiếp ở đó, gần với cuộc sống của dân làm đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, không thể thay đổi bằng một thiết chế khác. Đại biểu HĐND phường ở ngay trong khu phố, khu dân cư, nên người dân có thể chạy qua nhà để phản ánh một sự vụ, sự kiện. Nếu đưa lên ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh, thành phố thì phải qua nhiều cấp, không biết bao giờ bãi rác đó mới được dọn, cái cống đó được khắc phục? Đó là những câu chuyện cụ thể, còn nhiều vấn đề lớn khác trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước không thể thiếu vai trò của HĐND quận, phường. Thực tiễn đã chứng minh, phải có HĐND ở các cấp chính quyền địa phương để đại diện cho dân quyết định, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước và bảo đảm quyền làm chủ cho người dân ở địa phương.

Nam Định là một trong 10 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Qua quá trình thí điểm thì thấy đúng là có bớt đi được biên chế, bớt đi được bộ máy. Nhưng thực tế là, những người giữ chức vụ thường trực HĐND, chuyên viên Văn phòng HDND vẫn còn nguyên trong biên chế, chỉ chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác. Tức là, không hề giảm số lượng người trong bộ máy quản lý nhà nước. Quá trình thí điểm này chỉ cho thấy, bớt đi được đầu tên cơ quan là Thường trực HĐND, chứ ngay cả khi sáp nhập các cơ quan quản lý nhà nước hay địa phương thì số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy cũng không giảm đi. Ví dụ, Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh đã được sáp nhập thành một cơ quan cũng với lý do để gọn đầu mối, giảm biên chế. Song, sau 6 năm thực hiện chủ trương này, nếu so sánh số lượng người làm việc ở hai văn phòng này và văn phòng hợp nhất hiện nay, thì tổng biên chế vẫn giữ nguyên, thậm chí là nhiều hơn.

- Từ thực tiễn hoạt động của HĐND, theo Phó trưởng Đoàn, Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải quy định như thế nào để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho nhân dân địa phương?

- Thứ nhất, đối với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, nên có sự cân nhắc, phân biệt giữa HĐND quận và HĐND huyện. Chúng ta hiện nay đang có cùng một quy định cho hai mô hình khác nhau nên bất cập, và có một số quy định không thể thực hiện được ở cấp quận. Tương tự, quy định về HĐND xã và HĐND phường cũng phải có những điểm khác nhau. Ở xã gần như là đơn vị hành chính tương đối hoàn chỉnh, độc lập nên có những chức năng khác so với ở phường. Ở quận, phường tại các thành phố nên có chức năng thuộc về quản lý đô thị, trật tự đô thị, môi trường đô thị, cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân sao cho nhanh, kịp thời, thông thoáng. Ở huyện, xã thì có thể đặt vấn đề quy hoạch, thu ngân sách... Do đó, nên có những quy định cụ thể cho HĐND, UBND ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị.

Việc hướng dẫn hoạt động của HĐND cũng phải giao cho UBTVQH chứ không nên quy định như hiện hành và dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trình QH vừa qua cũng vẫn theo hướng: Chính phủ hướng dẫn hoạt động của HĐND. HĐND không phải là cơ quan hành pháp, hành chính mà là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. QH và HĐND không mang tính chất là hệ thống theo kiểu cấp trên - cấp dưới nhưng rõ ràng đều là cơ quan dân cử, đều là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho dân. QH, UBTVQH nên hướng dẫn hoạt động của HĐND để bảo đảm tính thống nhất.

Thứ hai, khi thảo luận Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND, tôi đã phát biểu, muốn HĐND các cấp và kể cả QH hoạt động hiệu quả, thì trước hết phải bảo đảm chất lượng của đại biểu. Bởi QH và HĐND ngoài tính chất là đại diện cho dân còn là cơ quan quyền lực nhà nước nên phải cân đối giữa tính đại diện và tính quyền lực, để làm sao các ĐBQH, đại biểu HĐND có đủ năng lực, trình độ, tâm huyết, điều kiện về sức khỏe, thời gian để tham gia hoạt động của cơ quan dân cử. Vừa rồi, báo chí nói nhiều về câu chuyện tại sao các ĐBQH vắng nhiều thế? Vậy thời gian tham gia hoạt động dân cử của một ĐBQH là bao nhiêu? Phải đưa ra một quy định để bảo đảm ĐBQH, đại biểu HĐND đủ thời gian tham gia hoạt động của QH, HĐND. Cũng có ĐBQH bảo tôi, cần gì phải tính kỹ thế. Nhưng rõ ràng, đến một số phiên họp gần cuối Kỳ họp thứ Tám này thì các bạn đã thấy sự kỹ càng đó là có lý do. Các ĐBQH kiêm nhiệm nhiều chức năng khó tránh việc phải xin vắng mặt trong phiên họp tổ hay phiên họp toàn thể của QH. ĐBQH là những người lãnh đạo cấp cao của địa phương, của ngành thì cũng phải lo lắng chuyện cơ quan của mình chứ? Bởi vậy, khi chọn lựa ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND qua các bước hiệp thương, phải tính đến những người có đủ thời gian để tham gia hoạt động của QH, HĐND. Và phải tính đến chuyện làm sao cho đại biểu dân cử giảm phụ thuộc vào vị trí làm việc. Bởi lẽ, sự phụ thuộc này có thể khiến đại biểu không đủ sự khách quan và không đủ dũng khí để nói ra những điều người dân mong muốn. Chúng ta phải tìm mọi cách để tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.

- Có một thực tế là, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của HĐND vừa qua dù đã được quy định trong luật nhưng điều kiện bảo đảm thực hiện các thẩm quyền này lại chưa tương xứng khiến HĐND, thậm chí là HĐND cấp cao nhất là tỉnh, thành phố đôi khi cũng còn lực bất tòng tâm chứ chưa nói đến cấp huyện, cấp xã, thưa Phó trưởng Đoàn?

- Chính vì thế mà ngay trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần quy định rõ ràng, cụ thể các điều kiện bảo đảm HĐND thực hiện được quyền lực, chức năng của mình. Mối quan hệ giữa HĐND và các cơ quan khác ở địa phương cũng cần phải rõ ràng hơn.

Một yếu tố quan trọng nữa là vai trò lãnh đạo của Đảng đối với HĐND như thế nào? Từ thực tế hoạt động của HĐND, theo tôi, có thể không quy định cứng trong luật nhưng sau này, nên thống nhất Chủ tịch HĐND là người giữ chức vụ về Đảng cao nhất ở cấp đó. Ví dụ, Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố thì do Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy đảm nhiệm. Tương tự với cấp huyện, xã cũng như vậy. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan dân cử là một hướng đi đúng đắn để làm cho HĐND ngày càng thực quyền hơn, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương hơn.

- Xin cám ơn Phó trưởng Đoàn!

(Theo Đại biểu Nhân dân)