Thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác Dân chủ và pháp quyền XHCN phải song hành

08/12/2014

Theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, thông điệp chuyển đi là khi một vị trưởng ngành có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp quá cao, thì về mặt tự trọng vị trưởng ngành này nên thực hiện văn hóa từ chức, để đảm đương nhiệm vụ vừa sức với mình hơn.

Khi có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp quá cao, nên thực hiện văn hóa từ chức, để đảm đương nhiệm vụ vừa sức với mình hơn

- Hiện nay, các ĐBQH đang tiến hành tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Tám. Cử tri nhìn nhận như thế nào về kết quả kỳ họp cuối năm vừa qua của QH, thưa Đại biểu?

- Kỳ họp thứ Tám là một trong những kỳ họp được cử tri đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước vừa thoát ra khỏi khủng hoảng, các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định hơn. Cử tri mong chờ việc thực hiện những giải pháp được Quốc hội, Chính phủ đưa ra nhằm khắc phục tình trạng nợ công tăng nhanh, nợ xấu còn cao. Nhiều cử tri bày tỏ tin tưởng vào mục tiêu tổng quát năm 2015 vừa được QH thông qua: tăng cường kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Đồng thời khẳng định sẽ luôn theo dõi công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khi thực hiện các giải pháp nhằm tạo cú hích đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri. Cử tri cho rằng, nhiều vấn đề như phát triển công nghiệp hỗ trợ, giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ tiền lương, tình trạng hạ tầng giao thông, bảo đảm chất lượng công trình, các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động... được các bộ trưởng, trưởng ngành thẳng thắn trả lời. Đối với những vấn đề lớn, tác động trực tiếp đến đời sống người dân, cử tri đòi hỏi các vị tư lệnh ngành, lĩnh vực phải vào cuộc nhiều hơn nữa, sâu sát cơ sở hơn và có những quyết sách táo bạo hơn, nhằm cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

- Tính từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến nay, Kỳ họp thứ Tám cũng là lần thứ hai QH thực hiện giám sát tối cao về công tác nhân sự. Các ĐBQH thay mặt cử tri và đồng bào cả nước đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước do QH bầu hoặc phê chuẩn. Cử tri nhìn nhận thế nào về hoạt động này, thưa Đại biểu?

- Cử tri và nhân dân luôn theo dõi sát sao các hoạt động của QH, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là thước đo năng lực, đạo đức của từng vị trí lãnh đạo do QH bầu hoặc phê chuẩn. Nếu việc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ Sáu là để thăm dò tinh thần, thái độ trách nhiệm, khả năng lãnh đạo của các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn, thì lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai này đã xác định rõ hơn ai là người hoàn thành nhiệm vụ QH giao, ai là người chưa hoàn thành nhiệm vụ, từ đó, các vị trưởng ngành, những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn, có sự điều chỉnh kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành. Theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vừa được QH thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, thì hệ quả đối với người không được QH, HĐND tín nhiệm là QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó. Động thái này thể hiện sự quyết liệt của QH trong giám sát tối cao, nhắc nhở các tư lệnh ngành phải hết sức cẩn trọng khi đưa ra các quyết sách, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. 

- So với lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Sáu, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua được tiến hành bài bản, khoa học hơn…?

- Việc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai đối với các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Tám đã có tiến bộ rõ rệt. Những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn đã chủ động hơn, gửi sớm các bản tự kiểm điểm, kê khai tài sản đến QH, các ĐBQH. Nhờ đó, ĐBQH có nhiều thời gian hơn để nhìn nhận, đánh giá hoạt động và thực tế công tác chỉ đạo, điều hành của từng người được lấy phiếu, xem xét, cân nhắc kỹ để đưa ra những quyết định thật sự công tâm. Tính từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên đến lần này, có thể nhìn thấy rõ sự chuyển biến tích cực của nhiều vị tư lệnh ngành, lĩnh vực như Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải... Những tư lệnh ngành, lĩnh vực này đã kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, yếu kém trong triển khai công việc được giao mà ĐBQH đã chỉ ra, thể hiện qua tỷ lệ phiếu tín nhiệm từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, chấn chỉnh, sửa sai kịp thời, để giành lại sự tín nhiệm từ các ĐBQH.

- Và đúng như nhận định của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng là với ý thức trách nhiệm cao, sự chuẩn bị chu đáo, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác…?

- Đúng vậy. Thực tế, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua cho thấy, có nhiều vị trưởng ngành còn chưa có ranh giới rõ ràng giữa tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Ví dụ, có Bộ trưởng tín nhiệm cao chỉ ở mức 10% và tổng số phiếu tín nhiệm tín nhiệm thấp chiếm tới 90%. Kết quả này thể hiện vị Bộ trưởng này chưa hoàn thành công việc cử tri và nhân dân giao phó và buộc trưởng ngành phải tự nhìn nhận lại quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Đáng lưu ý, trong Nghị quyết 35 sửa đổi lần này có xuất hiện bốn chữ:văn hóa từ chức. Thông điệp QH chuyển đi là khi một vị trưởng ngành có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp quá cao, thì về mặt tự trọng vị trưởng ngành này nên thực hiện văn hóa từ chức, để đảm đương nhiệm vụ vừa sức với mình hơn.      

Nếu bỏ một cấp HĐND là bỏ một cấp dân chủ của nhân dân; phải giữ lại thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND huyện, xã

- Một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm của không chỉ ĐBQH được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám là dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là dự án luật nhằm cụ thể hóa các quy định mới, tiến bộ của Hiến pháp năm 2013. Ý kiến của Đại biểu về dự án luật này như thế nào?

- Trước hết, tôi cho rằng phải duy trì cho được chế định HĐND ở tất cả các cấp chính quyền địa phương – đây là ý kiến của đông đảo cử tri và các ĐBQH. Quyền lực của nhân dân, quyền giám sát của nhân dân địa phương tập trung ở HĐND, thông qua đại biểu HĐND. Chỉ thông qua HĐND, người dân địa phương mới có cơ chế đại diện, giám sát các hoạt động của cơ quan hành pháp cùng cấp. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương. Nếu bỏ đi một cấp HĐND là bỏ đi một cấp dân chủ của nhân dân. Dân chủ và pháp quyền XHCN luôn song hành. Thực hiện pháp quyền XHCN là mở rộng dân chủ nhân dân. Ngược lại, thực hiện dân chủ nhân dân là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

- Lâu nay, cũng có ý kiến cho rằng nên bỏ HĐND cấp huyện, bởi hoạt động còn hình thức. Để khắc phục hạn chế này và bảo đảm HĐND thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương thì vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp cần được thể hiện như thế nào trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình QH xem xét vào Kỳ họp tới?

- Trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải giao thêm quyền cho HĐND các cấp, tránh tình trạng có những việc HĐND làm được nhưng lại chưa được giao quyền. Phải tạo ra sự tự chủ hơn nữa cho chính quyền địa phương. Ví dụ: ngân sách do Trung ương giao cho địa phương, mà khẳng định HĐND tự quyết định ngân sách là không đúng. HĐND phải được tự quyết định việc thu, chi ngân sách, khi đó, HĐND, đại biểu HĐND - cơ chế đại diện cho người dân mới giám sát được ngân sách địa phương. Chính quyền địa phương cũng có cơ sở để quyết định nguồn ngân sách của mình phù hợp với địa phương hơn trung ương. Bởi lẽ, chính quyền cấp trên phải nắm vững thế mạnh địa phương mình, lãnh đạo cấp tỉnh phải biết ở địa phương nào, huyện nào mạnh việc gì, cần đầu tư gì? Lãnh đạo huyện phải biết huyện nào, xã nào mạnh gì để quyết định.

Liên quan đến dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tôi đề nghị giữ lại hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND huyện, xã. Các quyết định dưới dạng văn bản của HĐND mang tính áp dụng bắt buộc, nếu bỏ hình thức văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế điều hành của HĐND huyện, xã sẽ thiếu và yếu.

- Xin cám ơn Đại biểu!

(Theo Đại biểu Nhân dân)