Một kỳ họp có sự kết nối chặt chẽ giữa Quốc hội với cử tri

19/12/2014

Cho rằng Kỳ họp thứ Tám là một trong những kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến nay, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, QH đã hoàn thành lượng công việc lớn, thông qua 18 luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến về 12 dự án luật và quyết đáp nhiều nội dung quan trọng khác của đất nước.

- Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả của Kỳ họp thứ Tám?

- Về cơ bản, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp vừa qua, với một trong những nội dung trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật, QH đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Công việc chuyên môn tương đối nặng nề, song, qua theo dõi các phiên thảo luận có thể thấy, các ĐBQH đã chuẩn bị rất chu đáo khi tham gia góp ý vào các dự án luật, không có hiện tượng phát biểu trùng lặp. Số liệu dẫn chứng để trao đổi về các điều luật đầy đủ và thuyết phục. Và đã được các cơ quan trình dự thảo luật cũng như UBTVQH tiếp thu rất xác đáng.

Thứ nhất, có thể nói, nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được đưa ra thảo luận sôi nổi, thấu đáo tại Kỳ họp như: Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ KT-XH năm 2015; báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng... Đây đều là các vấn đề nóng. Việc sắp xếp chương trình Kỳ họp khoa học, đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của đại đa số cử tri. Thời lượng của nhiều phiên thảo luận đã được tăng cường. Ví dụ như phiên thảo luận về KT-XH đã được bố trí một ngày rưỡi, so với thời gian một ngày như các kỳ họp trước, tạo cơ hội cho nhiều ĐBQH tham gia đóng góp ý kiến về tình hình phát triển KT-XH của đất nước.

Thứ hai, Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hay dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành - những nội dung được đông đảo cử tri quan tâm - cũng được QH đưa ra thảo luận tại tổ và hội trường. Đặc biệt, phiên thảo luận về Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được phát thanh và truyền hình trực tiếp để đồng bào cử tri cả nước quan tâm theo dõi. Đây là một trong những điểm mới đáng ghi nhận trong công tác tổ chức, tiến hành Kỳ họp QH.

Thứ ba, một số nội dung trình QH xem xét, trên cơ sở ý kiến đóng góp, phân tích của các ĐBQH, các cơ quan chức năng liên quan đã nhận thấy nhiều điểm chưa hợp lý. Chẳng hạn, phương án tăng lương ban đầu Chính phủ trình Quốc hội chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều ĐBQH. Sau khi Quốc hội thảo luận và Chính phủ tiến hành điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Quốc hội đã quyết nghị giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) và việc điều chỉnh này bắt đầu thực hiện từ ngày 1.1.2015. Tôi cho rằng đây cũng là một trong những thành công của Kỳ họp QH vừa qua, bởi tăng lương là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều cử tri.

Thứ tư, tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, QH cũng đã xem xét một vấn đề nóng của xã hội là đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc xuất phát từ công văn kiến nghị của Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh. Sau khi thảo luận và xem xét, QH cũng đưa nội dung này vào phần nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015. Điều này thể hiện tính kịp thời, mềm dẻo, linh hoạt, hợp lòng dân và nguyện vọng của cử tri. Tôi mong muốn sự điều hành linh hoạt này cần tiếp tục được phát huy trong quá trình tổ chức, tiến hành các kỳ họp QH tiếp theo. Tuy cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề liên quan đến luật phải được sửa đổi bằng luật, song, thực tiễn mới là tiêu chuẩn của chân lý. Kịp thời bổ sung một số nội dung quan trọng đang được đông đảo cử tri quan tâm và ĐBQH phản ánh tại nghị trường vào Nghị quyết của QH thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa QH với cử tri.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tiếp tục cải tiến, đổi mới từ những kỳ họp QH trước, tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, nhiều lĩnh vực nóng, nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh đã được QH lựa chọn để tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Trong các phiên chất vấn, nhiều ĐBQH đã đưa ra câu hỏi sắc sảo liên quan đến việc đánh giá, tuyển dụng cán bộ, hay rà soát vị trí việc làm, tăng biên chế... Qua chất vấn có thể thấy, ngoài những chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, công tác chỉ đạo điều hành của một số bộ, ngành tồn tại nhiều hạn chế. Chẳng hạn, tôi đặc biệt quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đạt chỉ tiêu đề ra và là chỉ tiêu duy nhất không hoàn thành trong tổng số 14 chỉ tiêu QH giao năm 2014. Tại sao tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lại có xu hướng tiếp tục gia tăng? Trong khi đó vấn đề bất cập mà xã hội đang đối mặt là hàng trăm nghìn cử nhân tốt nghiệp đại học không có việc làm? Đây lại lực lượng nhân lực đã được đào tạo bài bản, nếu không có việc làm thì rõ ràng là lãng phí nguồn lực đầu tư vào giáo dục của xã hội cũng như các gia đình. Đây là điểm rất mâu thuẫn. Do vậy, tôi kiến nghị, thời gian tới, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn từ khâu tuyên truyền, định hướng đến sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan không còn phù hợp nhằm tạo hành lang pháp lý, tăng cường nhận thức, cải thiện tình trạng này.

- Tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, QH lần thứ hai tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp, nhiều cử tri bày tỏ hài lòng với kết quả lấy phiếu tín nhiệm này. Theo Đại biểu, kết quả lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm tại QH như thế nào?

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua đã cho thấy sự đánh giá công tâm, công bằng cũng như trách nhiệm của các ĐBQH. Và như kết luận của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, đây là kết quả phản ánh trách nhiệm, tâm huyết của ĐBQH và qua đó thể hiện trách nhiệm, ý kiến của cử tri, bởi ĐBQH là đại biểu của nhân dân. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đã phản ánh khách quan những mặt được cũng như hạn chế trong chỉ đạo, điều hành của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Nhìn chung, những người có số phiếu tín nhiệm chưa như mong muốn từ lần lấy phiếu trước thì đến lần này đã có sự thay đổi tích cực. Kết quả hoạt động của một số ngành thực sự đã được cải thiện, được ĐBQH và cử tri ghi nhận. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là một trong những căn cứ đánh giá kết quả tình hình phát triển KT-XH của đất nước. Sự thay đổi của một ngành, lĩnh vực ngoài dựa trên sự điều hành khoa học, quyết liệt của người phụ trách ngành đó thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như thời gian, sự nỗ lực của toàn ngành và một số điều kiện liên quan như cơ sở vật chất hạ tầng, nguồn nhân lực... Tôi cho rằng, một số người được lấy tín nhiệm lần này có nhiều phiếu tín nhiệm thấp không hẳn do bản thân các vị trưởng ngành đó mà có thể còn do hoạt động của ngành đó, lĩnh vực đó cần khoảng thời gian dài hơn để khắc phục hạn chế. Chính vì vậy, đối với những ngành nghề có kết quả tín nhiệm chưa như mong muốn thì cần nhìn vào đó và tự soi lại mình; có những định hướng, xây dựng kế hoạch phát triển cho ngành mình, lĩnh vực mình trong tương lai gần và tương lai xa để phục vụ người dân và toàn xã hội ngày càng tốt hơn. Đó mới là tác dụng hết sức tích cực của lấy phiếu tín nhiệm mà từng ĐBQH và cử tri mong muốn. Sau lấy phiếu tín nhiệm, tình hình KT-XH đất nước sẽ ngày càng chuyển biến theo hướng tích cực.

- Tiếp tục chủ trương triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tại Kỳ họp thứ Tám, QH đã xem xét, cho ý kiến một số dự án luật về tổ chức bộ máy, trong đó dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiều nội dung trong dự án Luật trình QH đưa ra hai phương án. Ý kiến của Đại biểu về dự án luật này như thế nào?

- Tôi thống nhất với ý kiến của nhiều ĐBQH phát biểu tại hội trường, tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 2 như Tờ trình của Chính phủ là phù hợp. Tức là: ở đâu có quyền lực nhà nước thì ở đó phải có giám sát. Giám sát có thể thực hiện thông qua nhiều hình thức, cơ chế, song điều quan trọng là người dân phải được tham gia vào quá trình giám sát thông qua các tổ chức của mình. Qua tiếp xúc cử tri và thảo luận tại nghị trường cho thấy, việc tổ chức HĐND ở tất cả các cấp chính quyền địa phương như hiện nay là hoàn toàn hợp lý để cử tri và người dân có thể tham gia vào quá trình giám sát. Tuy báo cáo của Chính phủ có nêu ra một số hạn chế của bộ máy HĐND huyện, quận, phường như hoạt động còn kém hiệu quả, gây phình bộ máy, tăng biên chế..., nhưng theo tôi cần xem xét chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND ở nhiều góc độ. Vừa qua chúng ta đã tạo điều kiện thật sự cần và đủ để HĐND hoạt động có hiệu quả hay chưa, kể cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn lực? Quan trọng là HĐND cần được đặt vào đúng vị trí và được bố trí đội ngũ nhân lực chất lượng, xứng tầm làm công tác HĐND. Như vậy chắc chắn chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, cụ thể là HĐND cấp huyện sẽ được nâng lên. Hiện tại, đội ngũ cán bộ Thường trực, chuyên trách trong cơ cấu tổ chức của HĐND rất ít, chủ yếu là kiêm nhiệm; thời gian đại biểu HĐND dành cho các hoạt động của HĐND, tham gia giám sát còn hạn chế. Theo tôi, phải tổ chức HĐND ở tất cả các cấp và cần bổ sung các quy định nhằm tăng cường quyền lực cho HĐND, tạo điều kiện cho HĐND hoạt động. Một bộ máy hoạt động chưa hiệu quả không hoàn toàn do sự tồn tại của nó không đúng mà do chất lượng của bộ máy cũng như vấn đề sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực hay điều kiện hoạt động cho bộ máy chưa tương xứng, dẫn đến hoạt động chưa hiệu quả.

Để hoạt động của HĐND thực sự có hiệu quả, cần quan tâm hơn đến công tác cán bộ, mà trọng tâm là bộ máy hoạt động chuyên trách của HĐND.

- Liên quan đến luật về tổ chức bộ máy, tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, QH còn cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Trong đó, có nên quy định cứng cơ cấu tổ chức Chính phủ trong sửa đổi Luật lần này hay không là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau…?

- Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành chủ yếu làm công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đưa ra các chủ trương, quyết sách, còn những công việc cụ thể sẽ do bộ máy hành chính dưới quyền thực hiện. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trình QH tại Kỳ họp thứ Tám dường như tiếp tục quy định quá chi tiết và có phần nặng về hành chính đối với chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các đối tượng này.

Nhiều ĐBQH cho rằng, nên quy định cứng về cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ, tránh gây phình bộ máy. Nhưng, theo tôi, một tổ chức bộ máy cần có tính mềm dẻolinh hoạt nhất định, nếu quy định cứng nhắc quá thì rất khó phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra cho mỗi thời kỳ. Trước đây, thực tiễn cho thấy việc sáp nhập Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp thành Bộ Công thương là phù hợp, nhưng với tính chất hoạt động trong tình hình mới hiện nay thì dường như phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương đang quá rộng, từ vấn đề chống buôn lậu, chống hàng nhái hàng giả, thương lái nước ngoài mua đỉa ở một số nơi... đến điện hạt nhân, quản lý công trình, nhà máy thủy điện... thì quả thực cũng khó trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Bởi vậy, tôi đề nghị, không nên quy định cứng cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể Chính phủ có thể linh hoạt tổ chức bộ máy hoạt động sao cho mềm dẻo, có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trong Luật cũng cần quy định mức độ mềm dẻo đến đâu; và trường hợp nào phải thông qua QH thảo luận, quyết định, nhất là đối với những vấn đề, chủ trương lớn về việc thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy.

- Xin cám ơn Đại biểu!

(Theo Đại biểu nhân dân)