Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ: Không thể bỏ thầm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã

17/04/2015

Ngày ngày 15/4, tại Hội nghị các đại biểu quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật, Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đề nghị, không thể bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.

Đai biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, dự thảo luật lần này bỏ quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã, cụ thể là thẩm quyền ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, điều này cần phải cân nhắc một cách thận trọng. Theo đại biểu có 3 lý do khiến dự thảo luật lần này không thể bỏ thầm quyền ban hành văn bản pháp luật của cấp xã:

 Thứ nhất, theo Điều 110 của Hiến pháp, chính quyền cấp xã là một trong những cấp chính quyền đã được Hiến định, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn cơ sở. Mà để quản lý một đơn vị hành chính với mọi hoạt động về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh thì phải có một công cụ nhất định, đó là pháp luật. Mà pháp luật sẽ được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, quyết định. Nếu đã được khẳng định và thừa nhận là một đơn vị hành chính nhưng lại không trao cho thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm kháp luật thì khác nào không có công cụ để quản lý sự phát triển của địa phương. Đại biểu nhấn mạnh, cũng theo Hiến pháp chúng ta đang trong định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: đề cao vai trò thượng tôn của pháp luật và đảm bảo phát huy vai trò tự quản của cơ sở. Vậy chính quyền cơ sở nếu không được trao những thẩm quyền cơ bản này thì làm sao có thể tự chủ được.

Thứ hai, căn cứ vào thực tiễn nếu bỏ chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã thì sẽ dẫn đến một loạt những vấn đề bất cập. Theo Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật ngân sách nhà nước và các luật hiện hành thì đều có phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và các lĩnh vực khác cho chính quyền cấp xã. Đối với Hội đồng nhân dân thì có chức năng quyết định các vấn đề đó và thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động trên địa bàn được phân cấp. Như vậy, việc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp xã là một cấp ngân sách, quyết định dự toán, nhưng ở đây lại quy định không được quyền ra nghị quyết thì địa phương sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Nếu là một câp ngân sách thì Hội đồng nhân dân đương nhiên phải được quyết định vấn đề này.

Hơn nữa, một trong những chức năng của Hội đồng nhân dân là chức năng giám sát. Tăng cường giám sát cộng đồng và chính quyền cơ sở giám sát cơ sở là việc làm rất cần thiết. Nhưng khi giám sát phát hiện thấy vấn đề, Hội đồng nhân dân không có thẩm quyền ra nghị quyết thì vấn đề đó xử lý thế nào. Ngoài ra còn một loạt các vấn đề khác như vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo... nếu không được ra nghị quyết thì sẽ ban hành văn bản gì, hay loại giấy tờ nào. Còn về phía Ủy ban nhân dân, trên cơ sở nghị quyết Hội đồng nhân dân, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội được cấp trên giao, được Hội đồng nhân dân phê chuẩn, nhưng không có thẩm quyền ra quyết định trong việc điều hành kinh tế - xã hội thì Ủy ban nhân dân rất khó cho việc tổ chức thực hiện.

Thứ ba, liên quan chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã, đại biểu Nguyễn Đức Thụ đề nghị, để khắc phục tình trạng này thì chúng ta cần đào tạo, rèn luyện, tăng cường năng lực ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, từ đó giúp chính quyền địa phương nhận thức được tầm quan trọng cũng như giá trị pháp lý của văn bản. Việc làm này vừa nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cấp địa phương và vừa tạo điều kiện để các địa phương làm tốt các nhiệm vụ chiến lược của mình trong mục tiêu phát triển chung của toàn xã hội.

Từ các lý do trên đại biểu Bùi Đức Thụ khẳng định, không thể bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.

Hồ Hương lược ghi