ĐBQH Phạm Văn Tam-Hà Nam: Việc kiểm tra sức khỏe cho quân nhân dự bị nên giao cho quân y các đơn vị quân đội

22/05/2015

Cho ý kiến về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) tại buổi làm việc chiều 21/5, Đại biểu Phạm Văn Tam đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra sức khỏe cho quân nhân dự bị.

Ảnh: Đình Nam

Theo Điều 29 quy định về Kiểm tra sức khoẻ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị: Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đã biên chế vào đơn vị dự bị động viên trước khi tập trung huấn luyện được kiểm tra sức khỏe; Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo phòng y tế phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra sức khoẻ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị;  Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn sức khỏe hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị.

Đại biểu Phạm Văn Tam cho rằng, việc kiểm tra sức khỏe đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị trước khi tập trung huấn luyện là cần thiết. Đại biểu phân tích, trong tình hình hiện nay, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương tham gia lao động sản xuất, tình hình sức khỏe của quân nhân dự bị cũng bị hao hụt hoặc có những bệnh phát sinh trong quá trình học tập, công tác cũng như lao động. Cho nên, khi tập trung huấn luyện, một số quân nhân không đảm bảo được sức khỏe, do đó không hoàn thành được nội dung, chương trình huấn luyện. Có những trường hợp tử vong do những bệnh mãn tính tái phát khi gọi tập trung huấn luyện với cường độ huấn luyện cao trong điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, ảnh hưởng đến việc huy động lực lượng cũng như dự bị tham gia huấn luyện hàng năm và  việc đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu lâu dài…

Tuy nhiên, nếu việc kiểm tra sức khỏe được quy định như khoản 2, Điều 29: Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo phòng y tế phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra sức khoẻ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị, thì chưa hợp lý, khó triển khai trong thực tế ,vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, hạ sỹ quan, binh sỹ biên chế trong các đơn vị dự bị động viên về danh nghĩa vẫn là quân nhân thuộc quyền quản lý chỉ huy về nghiệp vụ quân sự của các đơn vị quân đội, hoàn toàn khác với việc khám sức khỏe như công dân nhập ngũ lần đầu. Do đó, cần cân nhắc xem có nên quy định việc kiểm tra sức khỏe này cho phòng y tế huyện hay không.

Thứ hai, quy trình huy động quân nhân dự bị tập trung huấn luyện không cho phép kéo dài thời gian chuẩn bị ở địa phương, gây tốn kém và khó khăn trong quá trình huy động quân dự bị. Bởi vì, quy trình huy động dự bị động viên, quân nhân dự bị một ngày đều phải trả lương. Do đó, việc bảo đảm kinh phí chi trả giữa 2 đầu mối đơn vị là khung A và địa phương là đơn vị giao nguồn là vấn đề cần phải tính toán.

Đồng thời, quy trình huy động quân nhân dự bị này đòi hỏi tính bí mật về lực lượng tham gia huấn luyện và ý tưởng của quốc phòng hàng năm. Nếu kiểm tra sức khỏe ở phòng y tế huyện thì chúng ta sẽ công bố toàn bộ số liệu phải tập trung huấn luyện, điều này không có lợi trong ý tưởng trong huy động lực lượng khi huấn luyện.

Thứ ba, huy động huấn luyện ở địa phương một năm có rất nhiều đầu mối đơn vị và có thời gian huy động khác nhau. Nếu việc kiểm tra sức khỏe giao cho địa phương làm thì rất khó khăn cho địa phương. Bởi vì, theo tình hình của phòng y tế các cấp huyện hiện nay, nếu thành lập đội hình kiểm tra sức khỏe liên tục cho hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở tuyến huyện.

Bên cạnh đó còn có những tiêu cực, biến tướng trong quá trình không muốn đi tập trung huấn luyện hoặc thực hiện các chế độ, chính sách. Cho nên những kết quả kiểm tra sức khỏe tại phòng y tế có thể không đảm bảo được tính khách quan.

Từ những lý do nêu trên, Đại biểu Phạm Văn Tam đề nghị việc kiểm tra sức khỏe cho quân nhân dự bị nên giao cho quân y các đơn vị quân đội kiểm tra, sau khi tập trung về đơn vị huấn luyện theo quy định của Bộ Quốc phòng. Như vậy, vừa đơn giản, dễ làm, đồng thời đơn vị cũng nắm chắc hơn sức khỏe quân nhân dự bị thuộc quyền quản lý của mình.

Hồ Hương lược ghi

Các bài viết khác