ĐBQH Trần Hồng Thắm-Cần Thơ: Quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của MTTQVN

22/05/2015

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, nhằm phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Trần Hồng Thắm cho rằng, một số nội trong dự thảo Luật cần được quy định cụ thể hơn như về tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc với nhân dân; Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng pháp luật; các hình thức giám sát của MTTQ…

Ảnh: Đình Nam

Đánh giá chung về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) đại biểu Trần Hồng Thắm cho rằng dự thảo đã bổ sung làm rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm, hệ thống tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là việc bổ sung quy định rõ về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiếp pháp và thực tiễn.

Về tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu cho rằng các quy định trong dự thảo luật giao rất nhiều trách nhiệm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng quyền hạn và điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn nhiều điểm chưa rõ, dễ dẫn đến sự chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính.

Do đó, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhất là trong hoạt động giám sát và hoạt động phản biện xã hội để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là nơi tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Thực hiện dân chủ và tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Về quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhân dân, đại biểu cho rằng cần quy định làm rõ về cách thức, điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đảm bảo thực thi quyền dân chủ, là cơ sở thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Về tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách pháp luật tại Khoản 4, Điều 17, đại biểu đề nghị cần quy định làm rõ nội dung tham gia quản lý nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm tránh hành chính hóa hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về tham gia xây dựng pháp luật tại Khoản 2 Điều 21, đại biểu Trần Hồng Thắm cho rằng quy định: "Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến" thì chưa chặt chẽ và khó thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị nên thay cụm từ "tạo điều kiện" bằng cụm từ "lấy ý kiến", viết lại khoản này như sau: "trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp thu và phản hồi về kiến nghị của Mặt trận tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Về hình thức giám sát được quy định tại Điều 27, đại biểu đề nghị nên sắp xếp lại trình tự các quy định cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong thực hiện quyền giám sát cụ thể: Thứ nhất, tổ chức đoàn giám sát; Thứ hai, tập hợp và phản ánh ý kiến của nhân dân, các thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thứ ba, thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cơ sở; Thứ tư là tham gia hoạt động giám sát với cơ quan tổ chức có thẩm quyền.

Bảo Yến lược ghi

Các bài viết khác