ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường-Quảng Bình: Cần xem xét lại việc cho phép Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án

15/06/2015

Cho ý kiến về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIII, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình cho rằng, quy định mới về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm như trong dự thảo trình Quốc hội có thể làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch trong tranh tụng, xét xử.

Đại biểu cho biết, dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) lần này có bổ sung quy định mới cho phép Hội đồng giám đốc thẩm được quyền sửa đổi một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm nếu có đủ 3 điều kiện theo Điều 344, tức là tài liệu, chứng cứ đầy đủ; không vi phạm thủ tục tố tụng và có sai lầm trong áp dụng pháp luật đánh giá chứng cứ mà cấp giám đốc thẩm có thể khắc phục được. Tuy nhiên các trình tự, theo đại biểu nhận định thì thủ tục xét xử của giám đốc thẩm về cơ bản vẫn giữ nguyên như luật cũ và vẫn còn nhiều điểm bất cập không phù hợp với Hiến pháp, thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, theo trình tự, thủ tục như dự thảo quy định thì phiên tòa giám đốc thẩm sẽ không có sự tham gia của các bên đương sự, luật sư, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan, mà chỉ trong trường hợp cần thiết có thể mời những người này. Nhưng trên thực tế, không có hoặc có rất ít phiên tòa giám đốc thẩm mời những người này. Bởi vậy, đương sự không được biết nội dung của khiếu nại do đương sự khác đề nghị và cũng không có cơ hội bày tỏ quan điểm đối với khiếu nại của bên kia.

Bên cạnh đó, tại phiên họp, Hội đồng cũng chỉ nghe tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử như quy định tại Điều 338. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, việc quy định Hội đồng giám đốc thẩm có quyền đánh giá lại chứng cứ, sửa đổi toàn bộ bản án, thậm chí sửa ngược lại hoàn toàn bản án trong khi các bên đương sự không được biết, không được tham gia vào quá trình xét xử, không được phát biểu quan điểm tranh tụng bảo vệ quyền lợi của họ là trái với nguyên tắc Hiến định, không bảo đảm được tính công khai, minh bạch trong tranh tụng, xét xử.

Thứ hai, dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự trình Quốc hội lần này cũng có điểm đổi mới là cho phép Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án nhưng có giới hạn là chỉ trong trường hợp không làm thay đổi bản chất vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không gây bất lợi cho người bị hại. Như vậy, so với dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự thì dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự không có điều kiện tương tự như vậy. Đại biểu phân tích, nếu cho rằng vì hình sự liên quan đến phạt tù, đến tự do thân thể thì mới cần quy định Hội đồng giám đốc thẩm không được sửa bản án nếu làm xấu đi tình trạng của người bị kết án còn đối với dân sự thì không cần hạn chế này là hoàn toàn sai lầm.

Đại biểu cho rằng, những quyền về tài sản cũng là quyền con người vô cùng quan trọng được Hiến pháp quy định, việc tòa án thay đổi lại bản án, quyết định chuyển sở hữu một ngôi nhà, một doanh nghiệp từ nguyên đơn sang bị đơn hoặc ngược lại một cách không hợp lý có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực, nghiêm trọng như tự tử, án mạng…

Thứ ba, đại biểu cho biết, khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có ít quốc gia cho phép cấp giám đốc thẩm sửa bản án; nhiều nước chỉ giao cấp giám đốc thẩm về thủ tục phá án, hủy bản án để giao xét xử lại.

Khác với quy định của chúng ta, một số nước khi cho phép cấp giám đốc thẩm sửa bản án, ví dụ như Cộng hòa liên bang Nga, Bộ luật tố tụng dân sự của Liên bang Nga năm 2002 quy định thủ tục giám đốc thẩm đều có sự tham gia của đương sự, luật sư, các bên đều được phát biểu tranh luận trước khi tòa quyết định và chỉ trường hợp được thông báo mà vẫn vắng mặt thì tòa mới xử vắng mặt đương sự.

Với những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Quốc hội xem xét lại quy định mới về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm. Cụ thể, nếu cho phép Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án thì cần phải thiết kế theo một trong hai phương án sau:

Một, chỉ cho phép sửa bản án nếu việc sửa đổi này không làm ảnh hưởng đến lợi ích các bên, tương tự như trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, thông thường trong tranh chấp dân sự thì bên này được lợi, bên kia sẽ bị thiệt hại. Vì vậy, việc sửa bản án sẽ chủ yếu thực hiện trong một số trường hợp như sửa về cách tính án phí, các sai sót kỹ thuật của bán án.

Hai, sửa đổi thủ tục giám đốc thẩm theo hướng bảo đảm việc tranh tụng của phiên tòa như thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc sửa đổi này có thể làm quá tải hoạt động của cấp giám đốc thẩm.

Nguyễn Phương lược ghi