Ý KIẾN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH: ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO Y TẾ CỦA BỘ Y TẾ TRONG LĨNH VỰC PHÁP CHẾ VÀ THANH TRA

27/04/2018

Bộ Trưởng Bộ Y tế đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, về một số nội dung liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ ở lĩnh vực pháp chế, thanh tra, trong đó có nhận định về thực trạng đội ngũ làm các nhiệm vụ trên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh chất vấn Bộ Y tế

Ngày 13/11/2017, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, về một số nội dung liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ ở lĩnh vực pháp chế, thanh tra, trong đó có nhận định về thực trạng đội ngũ làm các nhiệm vụ trên.

Nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh như sau:

Đề nghị Bộ trưởng có đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ ở các lĩnh vực sau:

1. Công tác pháp chế của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Bộ?

2. Công tác thanh tra của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra tại Bộ?

3. Hiện nay, Bộ đã bố trí đủ lực lượng làm công tác pháp chế và thanh tra của Bộ hay chưa?

Bộ Y tế đã có văn bản trả lời chất vấn với nội dung sau:

Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn

1. Về công tác Pháp chế và lực lượng làm công tác pháp chế của Bộ:

Công tác pháp chế tại Bộ Y tế được giao cho Vụ pháp chế làm đầu mối tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế và giao cho các Vụ, Cục thực hiện công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ trong phạm vi cả nước. Mặc dù còn một số khó khăn do khối lượng công việc nhiều, nhân lực chưa đủ do tinh giản biên chế chung, nhưng trong những năm qua công tác pháp chế của ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương của hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật của Bộ Y tế.

Thực trạng năng lực đội ngũ làm công tác pháp chế tại Bộ Y tế: Đây là đơn vị đầu mối tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện công tác pháp chế - hiện nay có 15/17 biên chế, 01 hợp đồng. Đội ngũ công chức làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ Y tế hienẹ nay có khoảng 40 công chức, được thành lập theo phòng hoặc kiêm nhiệm công tác pháp chế. Số lượng công chức làm việc tại Vụ Pháp chế còn ít do không được bổ sung biên chế mà phải tinh giản chung theo tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức pháp chế của Vụ pháp chế mới được tuyển dụng còn ít kinh nghiệm trong lĩnh vực được phân công.

Đánh giá về lực lượng làm công tác pháp chế của Bộ, về cơ bản, Bộ Y tế đã bố trí lực lượng làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ và có đầu mối tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước bằng pháp luật theo lĩnh vực được phân công. Tuy nhiên lực lượng làm công tác pháp chế còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu do việc tinh giản biên chế, không được bổ sung biên chế làm việc.

2. Về công tác Thanh tra và lực lượng làm công tác thanh tra của Bộ:

Về số lượng biên chế hiện nay, Bộ Y tế có tổng số 72 công chức được giao chức năng nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của Bộ Y tế; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Về cơ chế hoạt động theo chế độ Thủ trưởng, do vậy mọi hoạt động của Thanh tra Bộ đều đảm bảo được thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, dân chủ, kịp thời bảo đảm về thời gian, tiến độ, trách nhiệm và linh hoạt trong việc xử lý các tình huống khó khăn phức tạp…

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Thanh tra Bộ Y tế đã hoạt động rất tích cực khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sực khỏe nhân dân. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các đối tượng thuộc lĩnh việc quản lý nhà nước của Bộ Y tế ngày càng gia tăng về số lượng cơ sở hành nghề khám chữa bệnh; dược mỹ phẩm, vật tư ý tế công lập và ngoài công lập. Số lượng công chức làm công công tác thanh tra còn thiếu so với nhiệm vụ được giao, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác thanh tra còn thiếu và bất cập, cơ sở vật chất và trang thiết bị chuyên dụng còn thiếu và lạc hậu… Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế đến năm 2020 theo Quyết định số 2176/QĐ-TT ngày 4/12/2014 nhằm đảm bảo cho các hoạt động thanh tra y tế được thực thi theo đúng quy định của pháp luật, có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với sư phát triển của ngành xã hội.

Theo Đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế đến năm 2020 thì số lượng công chức làm công tác thanh tra y tế tại Bộ Y tế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chính vì vậy nên hầu hết các đồng chí Lãnh đạo Thanh tra và lãnh đạo các Phòng thuộc Thanh tra Bộ ngoài việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định còn phải trực tiếp thực hiện một số công việc về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí thanh tra viên hoặc tương đương nên ít có thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu những lĩnh vực chuyên sâu khác.

Toàn bộ văn bản chất vấn xin xem tại file đính kèm./.

Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội

File đính kèm