Ý KIẾN ĐBQH TỈNH CÀ MAU: TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG, CỦA CHỦ ĐẦU TƯ TRONG VIỆC XÂY DỰNG, PHÊ DUYỆT ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN DO CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ BỊ THUA LỖ

10/05/2018

Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Chương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, về trách nhiệm của Bộ Công thương, của chủ đầu tư trong việc xây dựng, phê duyệt đầu tư các dự án do các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước đầu tư bị thua lỗ, gây bức xúc trong dư luận.

Đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Chương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau 

Ngày 06/12/2016, Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Chương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về trách nhiệm của Bộ Công thương, của chủ đầu tư trong việc xây dựng, phê duyệt đầu tư các dự án do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đầu tư bị thua lỗ, gây bức xúc trong dư luận.

Toàn bộ nội dung câu hỏi chất vấn của Đại biểu Bùi Ngọc Chương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau như sau:

Trên cơ sở báo cáo số 431/BC-CP ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về tình hình thực hiện 05 dự án lớn do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đầu tư, cho thấy các dự án được triển khai đầu tư không hiệu quả, gây nợ đọng, thua lỗ lớn, làm dư luận cử tri búc xúc. Tôi chất vấn Bộ trưởng Công Thương một số vấn đề sau:

  1. Cho biết trách nhiệm của Bộ chủ quản; của chủ đầu tư trong việc xây dựng, phê duyệt đầu tư dự án; đã xử lý trách nhiệm cá nhân nào chưa?
  2. Với khoản lỗ lớn (Nhà máy sơ sợi Đình Vũ lỗ khoảng 2.343 tỷ; Nhà máy đạm Ninh Bình lỗ khoảng 2.700 tỷ) và khoảng nợ lớn phải trả; ai sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản lo và khoản vay này?
  3. Trừ dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An), cả 4 dự án khác vẫn đang chỉ đạo xử lý để tiếp tục đầu tư, hoạt động. Xin hỏi về tính khả thi, khả năng khắc phục khó khăn, hiệu quả hoạt động của dự án nếu tiếp tục đầu tư, hoạt động? Nêu tiếp tục vay nợ lớn, thu lỗ thì trách nhiệm thuộc về ai?

Bộ Công Thương xin được trả lời Đại biểu về vấn đề này như sau:

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

  1. Về trách nhiệm của Bộ chủ quản, chủ đầu tư trong xây dựng, phê duyệt đầu tư dự án và xử lý sai phạm

Theo các qui định hiện hành, đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Hội đồng thành viên Tập đoàn, Tổng công ty là Đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp, chịu trách nhiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp, quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả.

Với tư cách là đại diện chủ sở hữu, Bộ Công Thương sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc tham mưu để Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, các dự án quan trọng quốc gia, các dự án chiếm 50% vốn chủ sờ hữu do các Công ty mẹ các Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước trực tiếp thực hiện. Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật, việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, việc thực hiện chiến lược, kế hoạch.

Như vậy, đối với các dự án do các Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, Bộ Công Thương có trách nhiệm ở 2 vai trò là: (i) Đại diện chủ sở hữu; (ii) Cơ quan quản lý ngành. Đôi với trách nhiệm đại diện chủ sở hữu, Bộ Công Thương có trách nhiệm gián tiếp đối với hiệu quả của các dự án thông qua vai trò là cơ quan thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc tham mưu để Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án. Đồng thời, với vai trò quản lý ngành, Bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với các doanh nghiệp và các dự án nên Bộ cũng có trách nhiệm nếu công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát không thực hiện tốt. Bộ Công Thương xin nhận trách nhiệm và sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc làm rõ trách nhiệm và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân tại Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Tổng công ty có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm ở các Dự án đầu tư.

Đối với các dự án do các đơn vị thành viên của Tập đoàn, Tổng công ty hoặc có cổ phần vốn góp của các Tập đoàn, Tổng công ty thì Bộ có trách nhiệm chính trong vai trò quản lý ngành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch ngành cũng như thực hiện vai trò thẩm định thiết kế cơ sở (đối với các dự án nhóm A thuộc chuyên ngành quản lý nhà nước của Bộ).

Việc một số dự án đầu tư lớn của ngành và của cả nước không đảm bảo hiệu quả, thua lỗ trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân và đang trong quá trình làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Nhưng Bộ Công Thương cũng tự nhận thấy rằng có phần trách nhiệm của công tác tổ chức cán bộ đối với tình trạng thiếu các chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm trong việc quản lý, chỉ đạo hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty cũng như thẩm định, tham mưu phê duyệt và phê duyệt các dự án đâu tư của các doanh nghiệp thuộc Bộ. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nhân sự để Bộ bổ nhiệm tại các Tập đoàn, Tổng công ty (Hội đồng thành viên các Tập đoàn, Tổng công ty) còn chưa được làm một cách chu đáo, cẩn trọng nên một sô nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn tới việc lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp chưa có hiệu quả.

  1. Về việc xử lý các cá nhân có sai phạm
  • Đối với các doanh nghiệp có dự án thua lỗ, hiện nay các cơ quan thanh tra, bảo vệ pháp luật đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo phân cấp quản lý, đối với các cá nhân, tổ chức trực tiếp liên quan đến một số dự án thua lỗ thuộc thẩm quyền quản lý của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp đã có xem xét, xử lý theo thẩm quyền, một số trường hợp đã bị cơ quan pháp luật khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.

  • Đối với một số doanh nghiệp để xảy ra tình trạng thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giai đoạn từ năm 2011 - 2015, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét xử lý một số lãnh đạo doanh nghiệp, cụ thể:

+ Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam: Do để Công ty EVN Telecom thua lỗ, ông Đào Văn Hưng bị buộc cho thôi giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn và chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo; ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn bị kỷ luật với hình thức khiển trách.

+ Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: Do để thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Lê Phú Hưng bị cho thôi giữ chức Tổng giám đốc Tông công ty và điều về công tác tại cơ quan Bộ Công Thương.

  • Đối với một số Dự án đầu tư cụ thể như sau:

Theo báo cáo của các Tập đoàn và Tổng công ty thì đối với các cán bộ thuộc thẩm quyền của Tập đoàn, Tổng Công ty thì các đơn vị đã xử lý như sau:

+ Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên: Năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận đề nghị Tổng công ty Thép kiểm điểm đối với người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Cty Gang thép Thái Nguyên, Tổng công ty đã tổ chức kiểm điểm, tuy nhiên chưa xử lý kỷ luật cá nhân và tập thể.

+ Dự án Đạm Ninh Bình: Tập đoàn Hóa chất chưa có xử lý đối với tập thể và cá nhân. Hiện Thanh tra Bộ Công Thương đang trong quá trình thanh tra Dự án, sau khi có kết luận Thanh tra, Bộ Công Thương sẽ xử lý nghiêm đối với các cá nhân và tập thể nếu để xảy ra sai phạm.

+ Dự án Giấy Phương Nam: Chưa có xử lý kiểm điểm và kỷ luật.

+ Dự án của PVC: Tập thể lãnh đạo Tập đoàn đã có đánh giá xếp loại “Chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ” năm 2012 đối với ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận; quyết nghị thôi làm người đại diện vốn của Tập đoàn, thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị - Bí thư Đảng ủỵ PVC đối với ông Trịnh Xuân Thanh và quyết nghị thôi làm người đại diện vốn của Tập đoàn, thôi giữ chức Uỷ viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy PVC đối với ông Vũ Đức Thuận và kịp thời kiện toàn nhân sự thay thế các chức danh người đứng đầu Chủ tịch Hội đồng quản trị - Bí thư Đảng ủy PVC và Uỷ viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PVC để nhanh chóng ổn định SXKD, khắc phục tồn tại, khó khăn của đon vị (Đến nay cơ quan Công an đã có lệnh bắt đối với các đối tượng trên).

+ Dự án Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ: ngày 27/01/2014, trước tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của PVTex gặp nhiều khó khăn, tiến độ dự án bị chậm, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, TGĐ Tập đoàn đã làm thủ tục cho thôi giữ chức vụ đối với ông Vũ Đình Duy (thôi tham gia Hội đồng quản trị, thôi giữ chức Tổng giám đốc để giữ chức Phó Tổng giám đốc PVTex phụ trách Dự án Xây dựng nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ), về trách nhiệm của ông Vũ Đình Duy liên quan đến thua lỗ của PVTex, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận sau khi xem xét về việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, trong đó có trách nhiệm của Bộ Công Thương, PVN và một số cá nhân liên quan. Bộ Công Thương sẽ thực hiện nghiêm túc kết luận của Thanh tra Chính phủ

Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ tăng cường công tác quản lý cán bộ, đặc biệt đối với các trường hợp có liên quan đến các Dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh.

  1. Về trách nhiệm đổi với khoản lỗ và khoản nợ phải trả của các dự án
  • Đổi với Dự án nhà máy đạm Ninh Bình:

Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) quyết định đầu tư với Tổng mức đầu tư Dự án là 667 triệu USD, bao gồm các nguồn vốn:

  • 4.770 tỷ đồng (tương đương với 291 triệu USD) từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Dự án đã được Ngân hàng phát triển Việt Nam giải ngân được 4.700 tỷ đồng, hiện đã thanh toán 1.299 tỷ nợ gốc;
  • 250 triệu USD (vay thông qua Bộ Tài chính trong gói hỗ trợ tín dụng năm tài khoá 2007) vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, đã giải ngân 249.999.999 USD, đã thanh toán nợ gốc 62.500.000 USD;
  • Vốn tự có của Tập đoàn: 100 triệu USD: Đã giải ngân 90 triệu USD;

Chủ đầu tư có trách nhiệm trả nợ (gốc, lãi) đối với các khoản vay của Dự án, hiện tại đang tiếp tục thực hiện việc trả nợ như đã nêu cụ thể bên trên.

Tính đến thời điểm hiện nay, Dự án lỗ khoảng 2.700 tỷ đồng do rất nhiều nguyên nhân về chủ quan, khách quan:

  • Lỗ kế hoạch trong ba năm đầu là 1.058 tỷ đồng, theo FS đã được phê duyệt.
  • Tiến độ thực hiện dự án kéo dài: Chậm giải phóng, bố trí mặt bằng, Nhà thầu EPC rút về nước, ngừng thi công trong một thời gian; Mất điện lưới, mất cắp công trường ảnh hưởng đến việc thi công, phải đợi thiết bị thay thế; chậm ứng vốn…làm giảm hiệu quả đầu tư.

Chủ đầu tư và Nhà thầu đã đàm phán 15 lần nhưng chưa phân rõ trách nhiệm của các bên trong việc chậm tiến độ. Việc xử lý sẽ thực hiện theo quy định tại Hợp đồng EPC đã ký kết hoặc phân xử của Tòa án trong trường họp hai Bên không thể thống nhất.

  • Thị trường nguyên liệu, sản phẩm nhiều biến động so với dự báo:

Dự án sản xuất ra những tấn sản phẩm đầu tiên vào thời điểm giá bán phân đạm urê trên thị trường thế giới giảm sâu (do lượng tồn kho cao, nguồn cung tăng và do giá dầu thô giảm), trong khi đó, giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng giao động gấp khoảng 2,7 lần so với thời điểm lập F/S.

  • Những năm đầu sản xuất chưa ổn định: Hệ thống dây chuyền thiết bị của Nhà máy những năm đầu hoạt động chưa ổn định, cán bộ quản lý và người lao động chưa làm chủ được công nghệ sản xuất, thất thoát, tiêu hao nguyên nhiên liệu cao (trong đó có trách nhiệm của Nhà thầu EPC), một số sự cố dừng máy có liên quan đến chất lượng công trình và công nghệ. Trong quá trình hoạt động, thường xuyên xảy ra tình trạng mất điện lưới phải dừng máy, thài bỏ toàn hệ thống.
  • Nghĩa vụ tài chính cao: Dự án mới đi vào hoạt động nên chi phí từ nghĩa vụ tài chính cao; thời gian thi công kéo dài dẫn đến tăng chi phí đầu tư, lỡ thời cơ; do thiếu vốn nên các dự án phải vay vốn ngắn hạn (lãi suất cao hơn) bù đắp khoản thiếu vốn để trả nợ gốc và lãi; giá trị trả nợ gốc, lãi vay đầu tư lớn làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
  • Chính sách thuế: Theo Luật thuế số 71/2014/QH13 (sửa đổi) phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT, do đó thuế GTGT đầu vào (nguyên nhiên liệu, vật tư và hệ thống thiết bị) không được khấu trừ, làm tăng chi phí sản xuất.; Theo số liệu báo cáo của Vinachem, nếu chạy đủ công suất và áp dụng thuế GTGT cho phân bón mức thuế 0% thì Cty Đạm Ninh Bình sẽ được hoàn thuế GTGT khoảng 220 tỷ VNĐ;
  • Phân đạm Ninh Bình đang trong giai đoạn mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu nên chưa được biết đến rộng rãi, giá bán thường thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Có thể nói, một phần nguyên nhân là do năng lực, kinh nghiệm của Nhà thầu, của chủ đầu tư và Nhà thầu Tư vấn quản lý dự án hạn chế. Đặc điểm của dây chuyền sản xuất là hệ thống khép kín, chạy liên tục, bất cứ một thiết bị, công đoạn nào sự cố là ảnh hưởng đến toàn hệ thống, trong khi đó, hệ thống khí hoá than là công đoạn rất quan trọng nhưng quá trình chạy thử kéo dài mới đạt được công suất thiết kế; một số thiết bị nguồn gốc Trung Quốc chưa đảm bảo độ tin cậy nên việc khâu nối giữa các nhóm thiết bị, công đoạn chưa tốt, làm giảm tính đồng bộ của toàn hệ thống dẫn đến khó khăn cho việc điều chỉnh, lựa chọn điều kiện công nghệ tối ưu, giảm tính ổn định, hiệu quả toàn hệ thống sản xuất.

Tại văn bản số 604/TTg-CN ngày 16 tháng 5 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến cho phép đầu tư xây dựng Dự án trên cơ sở đề nghị của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) và giao Hội đồng quản trị Tổng công ty Hóa chất Việt Nam tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư Dự án; Bộ Công nghiệp chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả, tuân thủ quy định về đảm bảo đầu tư xây dựng.

Tại thời điểm Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng được ban hành tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 1999 của Chính phủ, và được sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 05 năm 2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ: Đối với các dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, các dự án nhóm A, B, C do doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp tự thẩm định dự án, tự quyết định đầu tư theo quy định và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Để xảy ra tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả của dự án do các yếu tố chủ quan là trách nhiệm trực tiếp của Chủ đầu tư và Nhà thầu EPC, trong đó, Chủ đầu tư có trách nhiệm xử phạt những lỗi do Nhà thầu theo Hợp đồng EPC đã ký. Chủ đầu tư có trách nhiệm trong việc dự báo thị trường phân bón không sát; không cập nhật dự báo theo diễn biến thị trường từ giai đoạn phê duyệt chủ trương đến quyết định đầu tư; trách nhiệm trong công tác quản lý dự án về chất lượng, tiến độ; kiểm soát nhà thầu... Chủ đầu tư chịu trách nhiệm rà soát, xem xét các lỗi do chủ quan của mình để có hướng xử lý tiếp theo.

Thực hiện trách nhiệm của Bộ quản lý ngành, từ trước khi Nghị định 99/2012/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo, đôn đốc Chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng dự án với những khó khăn xuất hiện trong quá trình đầu tư (giải phóng mặt bằng, vấn đề vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng, thuế trang thiết bị nhập khẩu..

Từ đầu năm 2013 (ngay sau khi Nghị định 99/2012/NĐ-CP có hiệu lực), Bộ Công Thương với nhiệm vụ thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chủ sở hữu nhà nước đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ, đã thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Tập đoàn; thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án thông qua làm việc trực tiếp và yêu cầu Tập đoàn, Kiểm soát viên báo cáo đột xuất, báo cáo định kỳ; chủ động thực hiện nhiêu giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Dự án hoặc đề xuất những cơ chế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (khoanh nợ, giãn khấu hao, giá than, lãi xuất vay ngân hàng, thuế GTGT...), tuy nhiên, các đề xuất này hầu hết nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của Bộ. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cơ cấu lại tổ chức, tiết giảm mọi chi phí để giảm giá thành sản xuất, đồng thời đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ thúc đây thị trường phân bón (thuê GTGT, chính sách nhập khâu..) tạo điêu kiện cho sản xuất từng bước thoát lỗ.

Do chi phí biến đổi hiện lớn hơn giá phân bón thị trường, tiêu thụ ure chậm do chưa vào vụ nên hiện tại, Công ty Đạm Ninh Bình đang ngừng sản xuất theo kế hoạch, dự kiến sang đầu năm 2017 sẽ tiếp tục sản xuất.

Xác định trách nhiệm của mình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp quản lý trong đó có giải pháp kiểm soát tài chính đặc biệt với Công ty Đạm Ninh Bình, nếu tiếp tục thua lỗ, Tập đoàn sẽ phải xây dựng phương án thực hiện bán nợ xấu hoặc phá sản theo quy định pháp luật.

  • Đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO):

Dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng, tuy nhiên do thời gian kéo dài, khả năng dự án đến thời điểm hiện nay không còn hiệu quả là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với chức năng quản lý ngành, Bộ Công Thương đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rà soát tổng thể của dự án trong đó bao gồm một số nội dung mà Đại biểu đã nêu như tính hiệu quả kinh tế của dự án đến thời điểm hiện tại, từ đó đưa ra các phương án giải quyết cho dự án, đồng thời xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan nếu dự án xảy ra thua lỗ hoặc có dấu hiệu vi phạm trong đầu tư.

  • Đổi với Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nghiên cứu các phương án: (i) Tiếp tục sản xuất kinh doanh dài hạn; (ii) Hợp tác với các đối tác khác để cùng sản xuất; (iii) Tìm kiếm đối tác để thoái vốn, chuyển nhượng Dự án; (iv) Phá sản PVTex theo quy định. Sau khi phân tích, đánh giá các phương án, Bộ Công Thương thống nhất với đề xuất của PVN trước mắt thực hiện theo phương án hợp tác với các đối tác khác để cùng sản xuất. Theo đó, PVN đang triển khai đàm phán với đối tác tiềm năng và sẽ báo cáo Bộ Công Thương. Trường hợp phương án này không thể thực hiện được, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bán Nhà máy; phương án cuối cùng là thực hiện phá sản theo quy định

  • Đối với Dự án nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi:

PVN đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tiết giảm chi phí, tối ưu hóa điều kiện vận hành, lựa chọn thời điểm thích hợp để vận hành lại Nhà máy; đồng thời tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, bảo dưỡng, bảo quản máy móc để giảm thiểu việc xuống cấp do dừng lâu ngày. Trường hợp phương án này vẫn không hiệu quả, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án phá sản theo quy định.

Toàn bộ văn bản trả lời chất vấn xin xem tại file đính kèm./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác