ĐBQH MAI THỊ PHƯƠNG HOA – NAM ĐỊNH: CẦN THẬN TRỌNG NHƯNG KHÔNG THỂ VÌ QUÁ THẬN TRỌNG MÀ BỎ LỠ CƠ HỘI THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC

24/05/2018

Sáng 23/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho rằng các quy định trong dự án Luật cần thận trọng nhưng không thể vì quá thận trọng mà bỏ lỡ cơ hội thu hút nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư chiến lược.

Toàn cảnh phiên họp sáng 23/5

Cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đánh giá cao báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật. Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên để góp phần hoàn thiện thêm dự thảo luật, đại biểu góp ý kiến về ba vấn đề sau đây:

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho ý kiến tại phiên họp

Thứ nhất, mặc dù dự thảo luật quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư, kinh doanh, về đất đai, về ngân sách, về ưu đãi đầu tư và xây dựng một mô hình chính quyền địa phương có tính chất khác biệt tại đặc khu. Tuy nhiên, qua theo dõi một số hội thảo và qua tham khảo ý kiến một số chuyên gia đại biểu cho rằng một số cơ chế, chính sách thể hiện trong dự thảo luật chưa thực sự có những bước đột phá, thể hiện tính chất vượt trội. Một số ưu đãi còn chưa mang tầm quốc tế và tính cạnh tranh chưa cao. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, các quy định này làm giảm đi tính hấp dẫn của các đặc khu, tất nhiên cần thận trọng nhưng không thể vì quá thận trọng mà bỏ lỡ cơ hội thu hút nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy cần có ưu đãi nhiều hơn trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã hình thành nhiều khu kinh tế với ưu đãi hấp dẫn. Do đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu rà soát kỹ hơn để quy định cho đúng định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị đó là nội dung cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Thứ hai, về ngành nghề ưu tiên phát triển, bên cạnh ngành nghề ưu tiên tại 3 đặc khu như du lịch, khách sạn, thương mại có những ngành nghề cần phát triển riêng cho từng đặc khu. Để làm điều này cần căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng và ưu thế sẵn có, cơ cấu dân cư của từng đặc khu và xu hướng phát triển của thế giới để quy định những ngành nghề ưu tiên cho phù hợp. Quy định này bảo đảm mỗi đặc khu phát huy thế mạnh, tránh sự dàn trải cạnh tranh không cần thiết giữa 3 đặc khu nếu có chung ngành nghề ưu tiên. Ví dụ, Bắc Vân Phong và Phú Quốc nằm tại các tỉnh miền Trung và miền Nam là những nơi nóng quanh năm, dịch vụ du lịch hoạt động quanh năm nhưng với Vân Đồn ưu thế về thời gian hoạt động du lịch không bằng, nên cần phát triển thêm ngành nghề ưu tiên khác như dịch vụ tài chính quốc tế, logistics, công nghệ sáng tạo phù hợp với lợi thế nằm trên đường chung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, từ đó phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh tế vùng và giao thương nước láng giềng có chung đường biên giới phía Bắc hoặc với trung tâm kinh tế tài chính khá thuộc khu vực Đông Bắc Á.

Riêng đối với ngành nghề ưu tiên liên quan đến chống biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đây là những ngành nghề mới, phải có tầm nhìn dài hạn liên quan đến cả ba vùng miền khí hậu của nước ta. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu để có thể quy định và triển khai ở cả ba đặc khu. Bên cạnh đó, qua thảo luật có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng đối với các ngành nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu thì luật cần bổ sung quy định mở đối với các ngành nghề ưu tiên khác. Do chúng ta có thể chưa hình dung được hết các ngành nghề có thể hình thành trong tương lai, đồng thời trong trường hợp phát sinh ngành nghề mới sẽ không phải sửa luật. Trường hợp cần bổ sung thêm ngành nghề ưu tiên mới thì nên quy định theo hướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo từng thời kỳ.

Toàn cảnh làm việc của các Đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng 23/5

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và ba địa phương nơi có các đặc khu cần rà soát kỹ thêm để có thể xác định ngành nghề ưu tiên phát triển tại ba đặc khu cho phù hợp hơn và danh mục ngành nghề ưu tiên cần được quy định đầy đủ luôn trong Điều 16 của dự thảo luật, đồng thời bổ sung quy định mở tại điều này.

Thứ ba, liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án, tại khoản 7 Điều 32 của dự thảo luật quy định đối với những dự án đầu tư khu dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 45.000 tỷ đồng của nhà đầu tư chiến lược thì tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư do nhà đầu tư chi trả được tính vào tổng mức đầu tư dự án. Đại biểu đề nghị trong trường hợp này nhà nước nên đứng ra thu hồi đất cho nhà đầu tư, không nên để cho nhà đầu tư đứng ra chi trả, bởi vì, nếu nhà đầu tư thực hiện sẽ không bảo đảm sự nhất quán giữa các dự án có khả năng dẫn đến sự không công bằng trong việc bồi thường hỗ trợ, việc thu hồi đất có thể kéo dài dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

Từ thực tiễn giải quyết các khiếu nại, tố cáo về đền bù, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương trong thời gian qua cho thấy nhà nước nên đứng ra thu hồi rồi mới giao đất cho nhà đầu tư, làm như vậy nhà nước vừa lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của người dân, vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư, vừa kiểm soát được chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tránh việc nhà đầu tư có thể chi rất nhiều tiền cho công tác này, rồi lại tính vào tổng mức dự án đầu tư, có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, lợi ích của nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư. Do đó, nhà nước cần có sự cam kết cụ thể về vấn đề nêu trên trong dự án luật này. Chúng tôi đề nghị sửa khoản 7 Điều 32 của dự thảo luật theo hướng nêu trên./.

Mai Trang

Các bài viết khác