BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ, TB&XH ĐÀO NGỌC DUNG: VIỆC CHUYỂN DỊCH LAO ĐỘNG CỦA CHÚNG TA VỪA CHẬM, VỪA CHƯA CÓ HIỆU QUẢ

26/07/2018

Tại Phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra giải pháp cụ thể để hỗ trợ quá trình dịch chuyển lao động; bảo đảm cuộc sống cho 230 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Cần có cơ chế chính sách đủ mạnh để hỗ trợ quá trình dịch chuyển lao động

Đặt ra vấn đề chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn chỉ rõ, dịch chuyển lao động góp phần cơ cấu lại nguồn nhân lực và thị trường lao động, có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra rằng, Báo cáo của Bộ Lao động có nêu vẫn còn sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế, một số địa phương không tuyển dụng được lao động. Đại biểu đánh giá, điểm nghẽn của tình trạng trên một phần là do đang thiếu đi cơ chế chính sách đủ mạnh để hỗ trợ quá trình dịch chuyển lao động, ví dụ bảo đảm các điều kiện về nhà ở, dịch vụ, y tế, giáo dục ở các khu vực lao động tập trung, đặc biệt là phát triển thị trường nhà ở cho thuê trong khi chính sách nhà ở xã hội hiện nay không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm, giải pháp cũng như việc Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ như thế nào nhằm giải quyết vấn đề trên một cách hiệu quả?

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc chuyển dịch lao động của chúng ta vừa chậm, vừa chưa có hiệu quả. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiều vấn đề như dịch vụ, nhà ở, công trình, trong tổng thể các phương án liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, từng cấp, từng ngành, sự phân công của Chính phủ sẽ cụ thể hóa vấn đề này.

Riêng về dịch chuyển lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng muốn dịch chuyển lao động tốt thì việc đầu tiên phải là tái cơ cấu kinh tế; đặc biệt là chuyển dịch từ lao động phi chính thức sang chính thức, khắc phục tình trạng tỷ lệ lao động phi chính thức của ta còn quá lớn, nhưng đóng góp vào GDP rất nhỏ. Đồng thời với việc tái cơ cấu kinh tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh phải dự báo được cung cầu thị trường, nếu không có dự báo cung cầu thị trường chúng ta không thể dịch chuyển lao động được mà sẽ tạo ra thị trường lao động ảo, không đồng bộ, không đúng nghĩa. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích, cần phải tập trung làm thật tốt 2 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững. Đây là hai chương trình quan trọng ở góc độ đào tạo nghề cho nông thôn.

Xây dựng và chăm lo cho 230 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn

Gửi đến Bộ trưởng Đào Ngọc Dung câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy - Tuyên Quang nêu rõ, theo số liệu mà đại biểu nắm được, hiện nay có trên 230 nghìn hộ dân sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất, cần đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Quốc hội đưa ra quan điểm chất vấn

Trả lời vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ hoàn toàn đồng tình việc xây dựng và tổ chức chăm lo cho 230.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định một đề án về hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi vùng sâu, vùng xa để phát triển sản xuất, ổn định đời sống vào ngày 31 tháng 10 năm  2016 và có đề án kèm theo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận rằng quá trình tổ chức thực hiện đề án này chưa được triển khai đến nơi, đến chốn.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Ủy ban Dân tộc miền núi sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội báo cáo với Thủ tướng để triển khai đề án này một cách căn cơ.

Về các giải pháp tiếp theo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp. Riêng với khu vực miền núi và đồng bào dân tộc, do đặc thù của mỗi đồng bào dân tộc có phong tục tập quán khác nhau, do đó bên cạnh triển khai chung các giải pháp thì phải quan tâm đến phong tục tập quán từng dân tộc. Ví dụ, người Thái sống ở vùng thấp, gần sông suối; đồng bào Mông thường ở trên cao, cần phải quy hoạch... Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc tập trung thực hiện tốt hai chương trình mục tiêu quốc gia và kết hợp đồng bộ các giải pháp sẽ căn bản giải quyết được vấn đề mà đại biểu quan tâm./.

Hồ Hương

Các bài viết khác