CẦN LÀM RÕ QUÁ TRÌNH CỔ PHẦN HÓA TẠI TỔNG CÔNG TY VẬN TẢI THỦY VIỆT NAM (VIVASO)

23/08/2018

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về nội dung liên quan đến việc cổ phần hóa Tổng Công ty vận tải thủy Việt Nam (Vivaso).

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre chất vấn 

Ngày 15/06/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức có văn bản số 6360 trả lời chất vấn. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cần xem xét làm rõ quá trình cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy (vivaso) tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn 

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Vậy, đại biểu cho biết cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào vấn đề gì?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Trong kỳ họp tôi có chất vấn đồng chí Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải về vấn đề cổ phần hóa Tổng Công ty vận tải thủy Việt Nam (Vivaso). Nội dung chất vấn tập trung vào quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty vận tải thủy Việt Nam (Vivaso). Cụ thể, đó là cần phải xem xét lại quá trình cổ phần hóa vì quá trình cổ phần hóa có nhiều dấu hiệu khuất tất, có đơn từ, ý kiến của cử tri phản ánh. Phải nói rằng, có vấn đề chưa công khai, minh bạch và thất thoát tài sản của Nhà nước ở đây.

Phóng viên: Sau khi nhận được văn bản chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng xung quanh vấn đề đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Bộ trưởng đã trả lời chất vấn nhưng nội dung trả lời vẫn còn rất chung chung. Thanh tra Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện việc thanh tra theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các văn bản và theo chuyển đơn của Thanh tra Chính phủ nhưng rất tiếc đã không thực hiện quá trình thanh tra chuyên ngành của Bộ. Cho nên, tôi đã phải yêu cầu Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo việc thanh tra này. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm đến kết quả giải quyết chứ không phải là đang ở trong tiến trình giải quyết. Vì vậy, cũng yêu cầu các cơ quan khi trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội thì đề nghị trả lời thẳng vào những nội dung cụ thể chúng tôi quan tâm.

Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso)

Phóng viên: Việc công bố giá trị doanh nghiệp Vivaso khi tiến hành cổ phần hóa là 327 tỷ đồng. Trong khi, riêng về phần tài sản đất đai Vivaso đang quản lý và sử dụng gần 50ha đất tại nhiều tỉnh thành miền Bắc trong đó có khá nhiều vị trí thực sự là đất vàng. Vậy, đại biểu nhìn nhận như thế nào về con số định giá này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Tôi hiện nay đang có trong tay khá nhiều thông tin về tài sản của Tổng Công ty vận tải thủy Việt Nam (Vivaso). Có thể nói rằng, đây là khối tài sản vô cùng to lớn được Nhà nước, nhân dân đầu tư tạo dựng từ mấy chục năm trước, từ thời kháng chiến đến tận bây giờ. Bởi vậy, có những mảnh đất được gìn giữ bằng cả mồ hôi, xương máu của nhân dân và có thể nói rằng có những khoảng đất được gọi là đất vàng và có những đoàn tàu vừa mới đóng thậm chí có những loại cầu tàu bây giờ chúng ta phải chi hàng trăm tỷ mới có thể xây dựng được. Do đó, không thể được tính toán, định giá một cách rẻ mạt như vậy. Tôi cũng rất muốn thanh tra phải làm rõ có văn bản chỉ đạo phải bán cổ phần cho đối tác này. Tôi cho rằng nếu thế thì đi trái với quy định của Đảng và Nhà nước thì đương nhiên như thế sẽ nảy sinh những vấn đề mà đại biểu chúng tôi thay mặt cho nhân dân rất muốn được làm rõ.

Cảng Hà Nội là một trong 3 cơ sở hạ tầng quan trọng do VIVASO quản lý và khai thác

Phóng viên: Sau khi Vivaso được cổ phần hóa những tưởng ngành này được hà hơi, tiếp sức nhưng thực trạng ngày càng xấu đi, hoạt động sôi động nhất của công ty này là cho thuê lại hầu hết các trụ sở làm việc và chi nhánh kho bãi, ko thấy bất kỳ thông tin nào liên quan đến phát triển vận tải thủy. Theo đại biểu, điều này phản ánh thực trạng gì?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Các doanh nghiệp cổ phần hóa người ta chỉ chăm chăm chú ý vào vấn đề đất đai. Có lẽ, đây là 1 trong những nguồn cội khiến người ta không quan tâm cũng giống như xưởng phim truyện Việt Nam, người ta bảo rằng chắc chắn người mà mua lại không đầu tư vào phim ảnh thế thì bản thân những người này cũng chính là người mua lại Tổng Công ty vận tải thủy Việt Nam thì họ cũng sẽ không làm vận tải thủy. Tôi biết đã có Quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch về vận tải thủy Việt Nam. Trong đó, có quy hoạch về cảng Hà Nội là cảng hàng hóa kết hợp du lịch. Đây là phương hướng phát triển đã đặt ra thì chúng ta phải làm đúng theo quy định của pháp luật chứ còn bây giờ chúng ta lại đi vào những vấn đề khác chỉ để thực hiện những mục tiêu cá nhân thì mục tiêu của cổ phần hóa sẽ không đạt được.

Phóng viên: Theo đại biểu các bộ, ngành liên quan đặc biệt là trách nfhieemj cảu người đứng đầu sẽ phải xem xét như thế nào khi không xử lý dứt điểm những tồn tại khiến dư luận bức xúc?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã trao đổi với tôi và thống nhất 1 quan điểm. Nếu các tư lệnh ngành, những người đứng đầu không tạo điều kiện cho hoạt động của Đại biểu Quốc hội hoặc cố tình dấu diếm hoặc tìm cách để né tránh, thậm chí là không tuân thủ thì trước hết chúng tôi sẽ dùng quyền của đại biểu là đánh giá tín nhiệm của tư lệnh ngành. Đối với, những người nào thực sự vi phạm pháp luật, có cơ sở hoặc có dấu hiệu thì chúng tôi đề nghị cơ quan, lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước xem xét về mặt trách nhiệm. Ở đây, có thể xem xét trách nhiệm của Đảng viên cũng có thể xem xét trách nhiệm với tư cách 1 cán bộ công chức và nếu giả sử vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội chúng tôi cũng đề nghị xem xét cả về mặt pháp lý.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh