ĐẠI BIỂU ĐINH DUY VƯỢT: GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU CÀ PHÊ, HỒ TIÊU?

01/09/2018

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lo ngại ngành cà phê, hồ tiêu có giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai

Ngày 06/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt về vấn đề này, xác định các giải pháp cụ thể nâng cao giá trị xuất khẩu hai mặt hàng này. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, đến nay hồ tiêu và cà phê của Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn, sản lượng xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm. Để làm rõ vấn đề, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đinh Duy Vượt - Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh 

Phóng viên:  Thưa Đại biểu, được biết tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu đã có văn bản chính thức chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về việc Hồ tiêu và Cà phê đang gặp khó khăn. Ông có thể cho biết nội dung chất vấn của ông tập trung ở khía cạnh nào?

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai:

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV năm 2016, tôi đã chuyển đến Bộ trưởng Bộ Công thương một số nội dung mà cử tri, băn khoăn lo lắng đó là ngành cà phê, hồ tiêu hiện là cây công nghiệp có hiệu quả cao, là 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên tỷ đô, có lợi thế cạnh tranh nằm trong top đầu thị trường thế giới, chính vì vậy diện tích phát triển quá nóng phá vỡ quy hoạch, không kiểm soát được. Tuy vậy giá trị xuất khẩu vẫn sụt giảm và có khả năng giảm mạnh trong các năm sau, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực khác. 

Phóng viên: Giải pháp Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đưa ra nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cho hồ tiêu và cà phê Việt Nam tập trung theo hướng nào thưa đại biểu?

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai:

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, với hạt tiêu, quan tâm hơn đến khâu sản xuất và khâu sau thu hoạch để bảo đảm chất lượng và từng bước nâng cao giá trị. Các vấn đề cần lưu ý đặc biệt bao gồm: tăng dần sản lượng hạt tiêu hữu cơ (không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu); xây dựng hoặc xây dựng lại hệ thống tiêu chuẩn cho hạt tiêu Việt Nam, đồng thời nghiêm túc thực hiện hệ tiêu chuẩn đó, kết hợp với chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để từng bước khẳng định và nâng dần giá trị thương hiệu cho hạt tiêu Việt Nam.

Với cà phê, do một số doanh nghiệp đã đủ sức đưa cà phê chế biến của Việt Nam ra thị trường ngoài, Bộ Công Thương chú trọng khâu đàm phán mở cửa thị trường và khâu xúc tiến thương mại tại một số thị trường trọng điểm như thị trường Nam Trung Quốc, thị trường Nga, thị trường các nước ASEAN để nâng dần sản lượng cà phê chế biến xuất khẩu và tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho các thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam.

Phóng viên: Với vai trò đại diện cho cử tri, quan điểm của ông về nội dung trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh như thế nào, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai:

Qua việc trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, tôi và cử tri rất hài lòng và phấn khởi, bởi lẽ Bộ trưởng xác định tập trung vào những vấn đề bà con và doanh nghiệp ngành hồ tiêu và cà phê quan tâm. Nông dân phấn khởi, kỳ vọng các giải pháp khoa học, căn cơ mà Bộ trưởng đã nêu ra trong từng khâu của chuỗi giá trị sản phẩm. Đặc biệt kỳ vọng vào các giải pháp trong khâu chế biến, xây dựng thương hiệu tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế v.vv... 

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai

Phóng viên: Hạt tiêu thông thường xuất khẩu dưới dạng thô thì không có gì bàn cãi nhưng còn đối với cà phê, hiện vẫn có tới 90% xuất khẩu dưới dạng thô, chỉ có 10% được chế biến sâu. Đây là điều hết sức không bình thường. Quan điểm của đại biểu như thế nào trước thực trạng này?

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai:

Thực trạng từ trước tới nay hầu hết lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân được sơ chế qua, xuất khẩu sang các nước tiên tiến do đó mang lại giá trị không cao. Ngành chế biến và rang xay cà phê là mắt xích quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị hạt cà phê, song tỉ lệ cà phê chế biến sâu quá thấp chưa đạt 10%. Đáng chú ý là hàng năm vẫn nhập khẩu hàng chục nghìn tấn cà phê các loại đã qua chế biến từ các nươc Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia… trong khi có tới 90% cà phê Việt Nam là xuất khẩu thô. Nguyên nhân chính là chúng ta đã không tạo dựng, làm chủ được công đoạn chế biến và xây dựng thương hiệu quốc gia... trong khi giá trị gia tăng phần lớn nằm ở công đoạn này. Các doanh nghiệp chỉ mới tập trung vào khâu thu mua, buôn bán kiếm lời. Thực tiễn đã chứng minh nhiều nông sản tăng diện tích, sản lượng hàng năm, song gần như không tăng giá trị xuất khẩu và lợi nhuận cho người nông dân trong đó tiêu, cà phê là điển hình. Chính vì vậy chính phủ các bộ ngành phải có giải pháp đột phá trong công đoạn này, theo tôi đây là yếu tố cốt lõi quan trọng thúc đẩy tác động, nâng cao giá trị toàn bộ chuỗi, đồng thời nó kéo theo nhiều lĩnh vực khác có liên quan như giải quyết lao động việc làm, lĩnh vực ngành hàng phụ trợ khác .

 Phóng viên: Những ý kiến chất vấn của Đại biểu đối với Bộ Công thương lo lắng giá trị xuất khẩu sụt giảm. Và điều này đã và đang xảy ra khi 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hồ tiêu tăng 3,7% về lượng nhưng giảm 36,1% về giá trị so với cùng kỳ. Giá cà phê cũng giảm mạnh. Thương hiệu trên thị trường cũng dường như còn eo hẹp. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai:

Cà phê, hồ tiêu Việt Nam về lý thuyết phải là nước điều tiết hoặc tham gia điều tiết giá thị trường thế giới. Tuy nhiên, hai ngành hàng này lại không có thương hiệu, những sản phẩm có thương hiệu thì qui mô quá nhỏ. Do vậy, giá trị gia tăng nhờ thương hiệu chúng ta không có. Hoạt động marketing và phân phối của doanh nghiệp cà phê, tiêu Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển và đang phụ thuộc vào các nhà buôn nước ngoài. Chính vì vậy giá cả có sự giao động trồi sụt biên độ khá cao. Sự lao dốc của ngành tiêu không biết đã chạm đáy chưa? Hạt tiêu từ 200.000đ/1kg năm nay xuống chỉ còn 47.000-55.000đ/kg bằng một nửa so với năm 2017 và gần bằng 1/4 so với giữa năm 2016. Cà phê cũng giảm mạnh từ 48.000đ còn 32.000-38.000đ/kg. Có nhiều nguyên nhân và trách nhiệm nhưng chịu thiệt thòi nhất vẫn là nông dân trực tiếp sản xuất “vòng luân hồi luẩn quẩn được mùa mất giá, mất mùa được giá, trồng - chặt... ” vẫn tiếp tục là thách thức lớn mà chưa có phương thuốc hữu hiệu ....Không chỉ tan mộng làm giàu chính đáng mà lại tiếp tục đẩy người nông dân vào cảnh nợ nần, tín dụng đen và nhiều hệ lụy khốn quẫn khác ... Hiện tại có những thôn, làng của Tây nguyên dư nợ cận kề thành nợ xấu, đặc biệt xấu gần 50 tỷ đồng. Đúng như cảnh báo mặc dù diện tích liên tục tăng nóng, sản lượng xuất khẩu tăng nhưng giá trị lại giảm so với năm trước và đương nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí có nguy cơ thu hẹp thị trường, mất lợi thế top đầu thế giới của hai ngành hàng này.

 Phóng viên: Trách nhiệm của tư lệnh ngành công thương như thế nào khi giá trị 2 mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn của Việt Nam là hồ tiêu và cà phê đang trong tình trạng tới đáy?

 Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai:

Thực ra chỉ riêng về ngành công thương thì không thể giải quyết hiệu quả căn cơ được bất cập như tôi đã nêu trên bởi lẽ chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp liên quan biện chứng đến từng giai đoạn của sản phẩm gắn với nhiều Bộ ngành và doanh nghiệp. Ví như Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn phải có trách nhiệm từ khâu quy hoạch từng ngành hàng, từ đầu vào, cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch bệnh, quy trình chăm sóc...bộ khoa học công nghệ liên quan đến quy trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch... địa phương quản lý chặt chẽ từng ngành hàng theo quy hoạch, quy trình sản xuất theo quy chuẩn chất lượng ... Nhưng để  sản phẩm có giá trị cao, có lợi thế cạnh tranh mới là khâu quyết định cho sản xuất tức là tạo đầu ra hiệu quả cho sản phẩm. Tuy nhiên đến nay chưa thực sự chuyển biến nhất là người nông dân vẫn sản xuất theo truyền thống quen thuộc, cơ bản vẫn tự mình “bươn chải” may nhờ rủi chịu không chỉ với cây tiêu, cà phê. Vấn đề cốt lõi nhưng vẫn ì ạch đó là giải pháp chế biến sâu mặt hàng cà phê, giải pháp về thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, giải pháp về hỗ trợ xây dựng Hiệp hội ngành hàng... chính vì vậy hai mặt hàng này dù sản lượng tăng nhưng lại sụt giảm giá trị và có nguy cơ không những mất vị trí top đầu mà mất cả lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Riêng ngành tiêu sẽ tiếp tục sụt giảm toàn diện trong những năm tới vì giá cả giảm sâu, người trồng tiêu không có lãi bên cạnh đó dịch bệnh cây tiêu vẫn vô phương cứu chữa. 

Phóng viên: Trong một thời gian dài những vấn đề đã được Đại biểu chất vấn vẫn chưa được xử lý triệt để. Phải chăng ngành Công thương chưa thực sự phối hợp với các bộ ban ngành khác chú trọng đến những kiến nghị của Đại biểu? Theo ông cần có những giải pháp thế nào để hồ tiêu và cà phê giữ vững thế mạnh của mình và được thị trường quốc tế hướng đến?

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai:

Nhìn lại những vấn đề cử tri băn khoăn lo lắng cách đây vài năm đến nay vẫn hiện hữu nhất là ngành tiêu nếu không cơ cấu lại và có giải pháp đồng bộ sẽ tiếp tục thiệt hại rất lớn cho nông dân và ngành ngân hàng đồng thời gây ra nhiều hệ lụy về an ninh trật tự nông thôn. Về giải pháp để hồ tiêu và cà phê giữ vững thế mạnh của mình và được thị trường quốc tế hướng đến, đã được các Bộ trưởng trả lời minh bạch và thấu đáo như trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Nhưng cử tri mong muốn, kỳ vọng  đề án và trả lời sớm đi vào cuộc sống đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ các Bộ ngành liên quan và địa phương, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản phẩm từ công đoạn quy hoạch, tổ chức sản xuất, thu hoạch bảo quản, chế biến, công đoạn thương mại sản phẩm, các chính sách về đất đai, tín dụng, tái canh cây cà phê. Trong đó giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ cao là then chốt trong chuỗi giá trị cây tiêu, cà phê. Đồng thời hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc triển khai có hiệu quả các dự án, chương trình về cây cà phê, hồ tiêu. Hướng dẫn, vận động tuyên truyền nhằm xây dựng tập quán canh tác bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch đúng quy chuẩn trong đó có cà phê, hồ tiêu, phát hiện lên án, xử lý nghiêm hành vi gian dối thất đức trong các sản phẩm nông nghiệp./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Phương