CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO CÒN NHIỀU BẤT CẬP

22/09/2018

Chính sách đối với nhà giáo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tại Nghị quyết số 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nêu rõ, thang bảng lương của các thầy, cô giáo phải được xếp cao nhất. Nhưng vấn đề tiền lương, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng cao, giáo viên mầm non trên thực tế thời gian qua còn nhiều bất cập.

Trường Mầm non A Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội 

Trường mầm non A Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội được thành lập từ năm 1956. Trong suốt hơn 60 năm qua nhà trường liên tục là đơn vị thực hành sư phạm và thực hiện thí điểm mô hình tiên tiến của giáo dục mầm non từ việc thực hiện quy chế xây dựng trẻ theo phương pháp khoa học; đến thực hiện trương trình thí điểm cải cách, rồi đổi mới hình thức giáo dục. Hiện nay, trường đã có trên 70% giáo viên có trình độ trên chuẩn và 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non loại khá và xuất sắc (trong đó có 85% xuất sắc). Tuy nhiên, đời sống của tập thể cán bộ giáo viên của trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chế độ chính sách đối với nhà giáo đặc biệt là giáo viên mầm non còn nhiều bất cập.

Theo chia sẻ của cô giáo Lâm Thương, Trường mầm non A Hoàn Kiếm mặc dù đã công tác trong ngành gần 30 năm, hoàn thành chương trình đại học cách đây 15 năm nhưng cô giáo Lâm Thương vẫn chưa được hưởng mức lương theo đúng ngạch bậc quy định. Cùng tâm tư với cô giáo Lâm Thương, cô giáo Thu Trang cũng luôn trăn trở về mức thu nhập hiện tại của nghề giáo còn thấp so với mặt bằng thu nhập chung, gây khó khăn cho đời sống của giáo viên.

Cô giáo  Lâm Thương, Trường mầm non A Hoàn Kiếm

Chính sách nhà giáo là 1 chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Nghị quyết số 29/NQ-T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nêu rõ, thang bảng lương của các thầy, cô giáo phải được xếp cao nhất. Nhưng vấn đề tiền lương, chế độ đãi ngộ cho giáo viên đặc biệt là giáo viên vùng cao, giáo viên mầm non còn nhiều bất cập. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo. Theo kết quả thanh tra tại Bộ Giáo dục đào tạo, Thanh tra Chính phủ đã ghi nhận một số nội dung thực hiện tốt trong giai đoạn từ năm 2013 – 2016. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của Bộ Giáo dục đào tạo trong giai đoạn này. Cụ thể, việc thực hiện chế độ lương, phụ cấp đối với nhà giáo còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, tâm lý, chất lượng công tác của bộ phận không nhỏ viên chức giáo dục. Việc kiến nghị, đề xuất về chế độ, chính sách đối với nhà giáo chưa được Bộ Giáo dục đào tạo quan tâm đúng mức và kịp thời.

Như vậy, chính sách đối với nhà giáo thời gian qua rõ ràng còn nhiều bất cập. Việc xếp lương của giáo viên vào lương hành chính sự nghiệp thực tế chưa phải “ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương”. Trong khi đó, họ còn chịu mức lương cơ sở dưới lương tối thiểu, khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp, phần nào làm giảm động lực, nhiệt huyết của giáo viên.

Vậy, trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này, chính sách đối với nhà giáo đặc biệt là chính sách tiền lương với nhà giáo cần được quy định như thế nào cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi. Cổng thông tin điện tử quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo luôn được coi trọng. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách đối với nhà giáo thời gian qua?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Chính sách nhà giáo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ở thời kỳ nào thì vị thế của nhà giáo cũng luôn luôn được khẳng định. Có thể thấy, trong các quy định từ Nghị quyết của Đảng cho đến các quy định pháp luật của Nhà nước cũng luôn đề cập đến vấn đề chính sách cho nhà giáo. Tuy nhiên, từ quan điểm cho đến thực tiễn còn khoảng cách rất xa, rất nhiều vấn đề còn tồn tại. Áp lực đối với nhà giáo ngày càng tăng trong khi thu nhập của nhà giáo so với mặt bằng chung đang thấp. Mặc đù quan điểm của Đảng là tạo điều kiện cho nhà giáo có được thu nhập cao nhưng trong thực tế mấy chục năm qua, khi so sánh về tiến độ điều chỉnh chính sách tiền lương thì chính sách tiền lương dành cho nghề giáo là chững lại. Trong khi, một số ngành nghề các điều kiện về chính sách tiền lương đã được điều chỉnh. Vì vậy, so với mặt bằng chung thì thu nhập tiền lương của nhà giáo vẫn ở mức thấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Hiện nay còn một số chính sách liên quan đến các nhà giáo còn bất cập. Ví dụ như việc  chuyển đổi từ giáo viên sang các khối phòng ban. Nếu trước kia họ được hưởng phụ cấp đứng lớp, nghề nghiệp thì hiện nay khi chuyển sang khối phòng ban thì không được hưởng phụ cấp nữa. Thực tế, những giáo viên khi chuyển sang khối quản lý họ cũng phải được đào tạo, có năng lực thì mới dược chuyển sang khối  quản lý nhưng khi sang lại không được hưởng phụ cấp đứng lớp, phụ cấp nghề nghiệp khiến tâm lý không ổn định, chưa an tâm công tác.

Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: So với nhu cầu cuộc sống thì lương của giáo viên vẫn rất khó khăn vì nhà giáo phải toàn tâm toàn ý cho công tác giảng dạy và không có thời gian để làm việc khác nên xét về mặt bản chất thì tiền lương theo quy định của pháp luật thì không thấp nhưng so với thực tế thu nhập thì không cao.

Phóng viên: Thưa đại biểu, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Theo ý kiến của đại biểu, quy định về chính sách đối với nhà giáo cần sửa đổi, bổ sung như thế nào trong dự thảo Luật?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong lần sửa đổi này, kể cả Ban soạn thảo cũng như là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đều rất quan tâm đến việc cần phải làm sao để luật hóa quan điểm của Đảng về chính sách nhà giáo. Trong dự thảo Luật cần phải có quy định để khẳng định vị thế của nhà giáo, có những chính sách cụ thể về đào tạo. Đặc biệt cần phải có những quy định để thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống các trường sư phạm cũng phải được quy định rõ, được luật hóa trong các điều, khoản của Luật giáo dục (sửa đổi). Tôi cũng hy vọng, nếu như những quy định liên quan đến chính sách nhà giáo như chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng; …sẽ thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm. Như vậy, chúng ta có thể yên tâm về đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đủ người tài, đức, tâm huyết với ngành giáo dục để thực hiện trọng trách cao cả của sự nghiệp trồng người.

Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này cần phải khẳng định vị thế, vai trò, nhiệm vụ và tiêu chuẩn nhà giáo. Đồng thời có quy định cụ thể hoá hệ thống chính sách phù hợp với vị thế nhà giáo đã được khẳng định. Về chính sách tiền lương đối với nhà giáo, cần thể chế hóa Nghị quyết 29/NQ-TW về lương nhà giáo. Ngoài quy định ưu đãi dành cho nhà giáo ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Dự thảo Luật cần khẳng định rõ: Nhà giáo phải được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương cao nhất và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp. Hy vọng với lần sửa đổi này, chính sách đối với nhà giáo sẽ được quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn, khắc phục được những bất cập, hạn chế trước đây.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Nhà giáo sẽ có 1 số chính sách sẽ quy định ngay trong Luật Giáo dục (sửa đổi) được đó là chính sách về thu hút đào tạo, chính sách về nâng cao chất lượng, chính sách về các điều kiện xã hội như nhà ở, nhà mẫu giáo, nơi giảng dạy. Quy định rõ ràng, cụ thể các chính sách sẽ giúp cho thực tiễn triển khai được hiệu quả, đảm bảo tính khả thi. Với lần sửa đổi này, chính sách nhà giáo trong đó có chính sách tiền lương đối với nhà giáo sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm giảng dạy, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Theo dự kiến, dự án Luật này sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIX tới đây./.

Lê Anh