ĐBQH NGUYỄN VĂN CHIẾN: TỒN ĐỌNG ÁN HÀNH CHÍNH CÒN NHIỀU

31/10/2018

Sáng 30/10, tại hội trường, Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XI.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội

Tại báo cáo nêu rõ, với việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp đề ra đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án, khắc phục về cơ bản việc để các vụ án quá luật định; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án trong năm qua là 1,09%, thấp hơn năm trước, đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra. Đặc biệt công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát  hiện trường hợp nào kết án oan cho người không có tội. Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Công tác xét xử các vụ việc dân sự và các vụ án hành chính cơ bản đúng pháp luật, đúng thời hạn, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, việc triển khai thực hiện các yêu cầu mà Nghị quyết số 55 của Quốc hội đề ra cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: một số vụ án xét xử ở cấp sơ thẩm cũng còn sai sót, tồn đọng trong giải quyết án hành chính còn nhiều.  

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về những bất cập trong việc giải quyết các án hành chính thời gian qua?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Số lượng án hành chính tăng đều qua các năm, trung bình tăng 11% mỗi năm, chủ yếu liên quan đến đất đai và thường là những vụ kiện rất khó. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết các vụ án này rất thấp, chỉ đạt 39%, trong khi Quốc hội yêu cầu là 60%. Tồn đọng của án hành chính rất nhiều, chủ yếu là tại các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp và thời gian giải quyết kéo dài. Vấn đề đặt ra đối với vụ án hành chính, Quốc hội đã thông qua quy định của Luật Tố tụng để khắc phục tình trạng người mà đại diện ra tòa để giải quyết khiếu kiện của người dân liên quan đến Quyết định hành chính, hành vi hành chính nhưng lại không có thẩm quyền. Hiện nay, quy định của pháp luật tố tụng đã khắc phục được vấn đề này, người có thẩm quyền ban hành quyết định phải trực tiếp ra tòa theo kiện cũng như là chỉ được ủy quyền cho cấp phó trực tiếp để tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành thì tòa án tối cao đã có tổng kết, đối với người theo kiện là cấp trưởng hoặc là cấp phó được ủy quyền thì hiện nay công việc hành chính là rất nhiều trong khi đó các vụ kiện hành chính lại gia tăng. Vì vậy, không đủ người để thực hiện công việc này, đây cũng là vấn đề tồn tại, thực trạng đòi hỏi phải có biện pháp giải quyết.

Phóng viên: Theo đại biểu thì đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để khắc phục tình trạng tồn đọng án hành chính hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Về nguyên nhân, bên cạnh hạn chế về phía tòa án thì sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính là rất phổ biến. Họ thường không có mặt tại phiên tòa cho nên phiên tòa phải hoãn. Nếu phải xử vắng mặt, bản án bất lợi cho chính quyền thì chính quyền lại kháng cáo, kháng nghị nên vụ án kéo dài...Để khắc phục tình trạng này, trước hết thẩm phán phải rà soát lại quy trình tố tụng để thực hiện ưu tiên và quan tâm đến giải pháp là đối thoại. Việc tiến hành đối thoại với người dân để tìm ra tiếng nói chung nhằm giải quyết vấn đề mà người dân còn đang thắc mắc cũng như những thiếu sót của cơ quan ban hành quyết định để hai bên thống nhất là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, người đứng đầu, người có thẩm quyền giải quyết cần tham gia tích cực ở trong giai đoạn đối thoại này thì sẽ rất có hiệu quả. Hiện nay Tòa án nhân dân tối cao đang triển khai dự án thành lập Trung tâm hòa giải thì những án dân sự, hành chính sẽ được tiến hành hòa giải trước bởi những chuyên gia, luật sư. Qua đó, nếu không giải quyết được thì mới đưa ra tòa án để giải quyết. Đây cũng là một kênh có hiệu quả rất cao ở các nước phát triển. Theo nghiên cứu, ở nước Mỹ và các nước ở Châu Âu thì việc hòa giải ngoài tố tụng đã giải quyết được khoảng từ 70-80% thậm chí có giai đoạn lên đến 90% các vụ án. Do vậy, tòa án giảm tải được việc xét xử các vụ án.

Ngoài ra, cũng cần xếp lại các Tòa án chuyên trách, tăng cường thẩm phán, nhất là cán bộ có năng lực cho các tòa hành chính, đề cao trách nhiệm của các thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính, tăng cường tổng kết xét xử để đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn quốc.

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng trả hồ sơ trả hồ sơ lại giữa các cơ quan tố tụng. Vậy tình trạng này, ảnh hưởng như thế nào đến công tác xét xử?

 Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Quy định của pháp luật tố tụng hiện nay là thực hiện mô hình tố tụng thẩm vấn kết hợp với mô hình tố tụng tranh tụng. Do đó, đòi hỏi giai đoạn điều tra, truy tố phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật về tố tụng. Thực tiễn trong thời gian vừa qua, các hồ sơ điều tra rồi nhưng sang Viện Kiểm sát lại trả lại, không truy tố được. Sau đó nếu chuyển sang Tòa án thì Tòa cũng lại chuyển hồ sơ dẫn đến vụ án kéo dài ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng đã được quy định trong luật; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, người dân. Mặc dù luật quy định cho phép trả hồ sơ nhưng không có nghĩa rằng cứ trả đi trả lại hồ sơ mà vấn đề trả hồ sơ phải hạn chế tối đa và thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Quốc hội để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến quyền của nguười dân. Để hạn chế việc này cũng cần phải nâng cao năng lực điều tra của cán bộ điều tra cũng như cán bộ kiểm sát trong thực thi nhiệm vụ. Thời gian tới, cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 55 của Quốc hội, đối với hồ sơ mà chưa bảo đảm trả 1 lần mà vẫn không thực hiện, không làm thì Tòa án có quyền xử theo hoạt động tranh tụng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh