TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI: QUỐC HỘI ĐI ĐẾN CÙNG VẤN ĐỀ ĐÃ GIÁM SÁT

30/10/2018

Chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của đại biểu dân cử với cử tri. Hoạt động chất vấn hướng đến mục tiêu xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ; bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm thực thi công vụ...

Toàn cảnh Phiên họp tại Hội trường ngày 30/10 

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong 3 ngày (từ 30/10 đến 1/11). Tại kỳ họp này, Quốc hội không chất vấn số lượng thành viên Chính phủ cụ thể. Theo chương trình, sáng ngày 30/10, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ nghe đại diện Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV; Tổng Thư ký Quốc hội trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV; Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, đại biểu quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, điểm mới trong phiên chất vấn tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ tiến hành chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đến các Nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đều phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Phóng viên: Thưa Tổng thư ký Quốc hội, thời gian qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp đã phát huy hiệu quả được cử tri cả nước đánh giá cao. Vậy, xin Tổng thư ký cho biết những điểm đổi mới trong chất vấn tại kỳ họp lần này?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là kỳ họp cuối năm và là kỳ họp giữa nhiệm kỳ. Vì vậy, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội sẽ tiến hành việc giám sát lại các thành viên Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện Nghị quyết về giám sát chuyên đề, Nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ cho đến kỳ họp thứ 4. Qua đó, để đánh giá lại việc thực hiện của các thành viên Chính phủ, các Bộ ngành kết quả thực hiện đến đâu và cũng đánh giá, nhìn nhận những nội dung đã làm được và những nội dung nào còn tồn tại, Quốc hội cần tiếp tục giám sát. Do đó, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ giám sát thay bằng chất vấn trực tiếp Bộ trưởng như thông lệ bằng tiến hành giám sát tất cả các thành viên Chính phủ, Trưởng các ngành có nội dung nằm trong các Nghị quyết giám sát về chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn từ kỳ họp đến nay. Vì vậy, tính ra rất là rộng, khoảng 11 Bộ và 2 ngành là Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân đân tối cao có nội dung trong Nghị quyết cần phải đánh giá toàn diện lại việc thực hiện.

Phóng viên: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ và đại diện 2 ngành (Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao). Với rất nhiều nội dung và phạm vi rộng như vậy thì phương thức chất vấn có gì thay đổi để đảm bảo thời gian cũng như hiệu quả của việc chất vấn tại Hội trường, thưa Tổng thư ký?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Trước khi tiến hành chất vấn, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi cho các đại biểu Quốc hội về toàn bộ báo cáo tổng hợp của Chính phủ và các báo cáo của Bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu những gì đạt được, những gì còn tồn tại. Các đại biểu sẽ tập trung vào những tồn tại để làm rõ tại sao nội dung đó chưa được thực hiện và nguyên nhân từ đâu? Từ đó làm căn cứ cho nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ sẽ phải hứa những tồn tại thì bao giờ giải quyết xong và phương thức, trách nhiệm tổ chức thế nào cho thành công. Như vậy, tuy rằng rất là rộng nhưng phiên chất vấn tại kỳ họp này chủ yếu tập trung vào những nội dung tồn tại. Về phương thức, kỳ này vẫn là theo hình thức hỏi nhanh đáp gọn; người hỏi chỉ giới hạn trong 1 phút, người trả lời thì trong 3 phút. Sau khi 3 đại biểu hỏi thì chủ tọa sẽ chỉ đạo cho người trả lời trong vòng 9 phút trả lời cho 3 đại biểu. Bên cạnh đó, khuyến khích đại biểu tranh luận (được dành thời gian 2 phút để tranh luận lại nếu không thỏa mãn với nội dung trả lời chất vấn). Cách thức này vẫn phát huy tính hiệu quả trong đổi mới chất vấn thời gian vừa qua. Để đảm bảo tính hiệu quả cũng như đảm bảo thời gian chúng ta tiến hành giám sát 3 ngày. Để các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành được đăng đàn trả lời hết câu hỏi của các đại biểu, đại biểu cũng nên chọn các vấn đề, nội dung nằm trong Nghị quyết giám sát của Quốc hội để hỏi không nên hỏi các câu hỏi bên ngoài Nghị quyết trừ vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết dứt khoát phải đưa ngay kỳ này.

Phóng viên: Thưa Tổng thư ký, điều mà cử tri hết sức quan tâm đó là hậu giám sát như thế nào? rõ ràng với những ngành, những lĩnh vực còn yếu kém tồn tại trong thời gian vừa qua thì chúng ta cũng cần phải có những quy định, những hình thức để đại biểu Quốc hội và cử tri tiếp tục giám sát lời hứa của Chính phủ. Vậy mục tiêu Quốc hội giám sát đến cùng các vấn đề, nội dung đưa ra sẽ được thực hiện như thế nào?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Kỳ họp này, sau chất vấn Quốc hội sẽ không ban hành Nghị quyết bởi vì: Trên cơ sở những báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao các đại biểu đã thấy rõ được những nội dung còn tồn tại, cũng như Chính phủ sẽ có những cam kết để tiếp tục hoàn thành. Quốc hội đến cuối nhiệm kỳ 2020, Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn lại một lần nữa việc thực hiện các tồn tại mà trong kỳ họp thứ 6 các thành viên Chính phủ đã cam kết, đã hứa sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung còn tồn tại. Với tinh thần Quốc hội sẽ giám sát tới cùng, Quốc hội sẽ giám sát cho đến khi nào Chính phủ hoàn thành được nội dung mà Quốc hội đã giám sát thì lúc đó Quốc hội mới chuyển sang nội dung khác.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội

TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI VIỆT NAM