ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: CẦN ĐẢM BẢO NGÀNH CHĂN NUÔI CÓ ĐIỀU KIỆN CẠNH TRANH VỀ SẢN PHẨM TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ

07/11/2018

Chiều ngày 07/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi. Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí minh, cho rằng, trong việc ban hành luật cần đảm bảo ngành chăn nuôi có điều kiện cạnh tranh về sản phẩm chăn nuôi trong nước cũng như quốc tế.

Dự án Luật Chăn nuôi được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 7 chương, 82 điều quy định về chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Để tìm hiểu rõ hơn về các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự án Luật, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

Phóng viên: Đại biểu nhận xét như thế nào về vấn đề thu hoạch trong dự thảo Luật chăn nuôi?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Lĩnh vực trông chọt và chăn nuôi là thế mạnh của nước ta, lần này Quốc hội thảo luận để thông qua luật về chăn nuôi, đây là dự thảo Luật đầu tiên liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Trong luật chăn nuôi có nhiều nội dung liên quan đến điều kiện cơ sở tổ chức chăn nuôi, bảo vệ môi trường, chế biến thức ăn, xử lý nước thải, kể cả những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu trong chăn nuôi…

Thời gian vừa qua khi Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại toàn cầu, kí kết nhiều FTA với thế gới đặc biệt là Hiệp định CPTPP, việc cạnh tranh trên lĩnh vực trồng chọt chăn nuôi sẽ rất khắc nghiệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, trong việc ban hành luật cần đảm bảo ngành chăn nuôi có điều kiện cạnh tranh về các sản phẩm chăn nuôi trong nước cũng như sự cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Điều thường gặp trong thời gian vừa qua đối với ngành nông sản Việt Nam là tình trạng phải giải cứu về nông sản. Liên quan đến vấn đề kinh tế thị trường, để giải quyết bài toán cung cầu cần phải có "bàn tay" của Chính phủ, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện bàn tay hữu hình này một cách trọn vẹn. Đó là sự phối kết hợp giữa các bộ ban ngành với lãnh đạo của các chính quyền địa phương làm tốt công tác điều tiết cung cầu, cụ thể như làm tốt công tác quy hoạch, cần quy hoạch được vùng nguyên liệu sản xuất tránh trường hợp lượng cung tăng quá lớn hay sự khan hiếm lượng cung ở những thời điểm nhất định sẽ gây nên những yếu tố về sốc giá.

Ngoài ra, chúng ta phải tránh được hiện tượng được mùa mất giá và mất mùa thì được giá, thực trạng này ảnh hưởng đến đời sông nhân dân hết sức khó khăn. Thêm vào đó, phải thực hiện tốt công tác tư vấn cung cấp thông tin, Chính phủ phải có nhiệm vụ chia sẻ thông tin với người dân và đưa ra những dự báo định hướng thị trường và tổ chức xúc tiến thương mại hỗ trợ việc tiêu thụ cũng như thị trường xuất khẩu ra nước ngoài.

Phóng viên: Về vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng chọt chăn nuôi, theo đại biểu đánh giá như thế nào về vấn đề này trong dự thảo Luật?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Về vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, Nhà nước phải đầu tư vào khoa học công nghệ để giúp các tổ chức khoa học công nghệ có thể tạo ra các giống vật nuôi mang lại năng suất cao và an toàn thực phẩm. Chính phủ phải là cầu nối giữa các đơn vị như nhà khoa học, ngân hàng và các doanh nghiệp thực hiện việc tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Dự thảo Luật Chăn nuôi lần này cần cụ thể hóa những vấn đề nêu trên mới có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi trong nước và cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Về lĩnh vực trồng trọt, trong thời gian vừa qua, tính tự phát của các hộ nông dân xảy ra rất nhiều nên chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp trong đó có tổ chức lại sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là phải sản xuất lớn, từ đó mới có điều kiện ứng dụng được khoa học công nghệ. Hiện nay có rất nhiều viện nghiên cứu về khoa học cây trồng, thủy sản, chăn nuôi… nhưng sự đầu tư của chúng ta còn khiêm tốn, trong khi những nhà khoa học của Việt Nam rất uy tín cả trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, cần đầu tư giúp cho nông dân có những giống cây trồng chất lượng cao năng suất tốt, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo được sức cạnh tranh trên thị trường. Những điểm này cần đưa vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Mai Trang