ĐBQH: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO MIỀN NÚI, DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG CHĂN NUÔI

08/11/2018

Chiều ngày 07/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Theo báo cáo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Phan Xuân Dũng, sau khi tiếp thu những ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Dự thảo Luật Chăn nuôi đã được bổ sung một số nội dung liên quan tới bố cục, giống sản phẩm vật nuôi, các quy định về thức ăn chăn nuôi, điều kiện cơ sở chăn nuôi, chăn nuôi hay nuôi động vật bán hoang dã, phúc lợi vật nuôi.
 
Góp ý vào các nội dung của dự án luật, các Đại biểu Quốc hội cho rằng muốn ngành chăn nuôi phát triển, Chính phủ phải hỗ trợ người dân có được các thông tin thị trường, định hướng sản xuất. Đối với quy định về thức ăn chăn nuôi được quy định tại chương III, có ý kiến cho rằng cần quản lý chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi vì đây là yếu tố quan trọng, quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh và phát triển sản xuất. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến góp ý về các quy định liên quan tới chính sách hỗ trợ người dân trong chăn nuôi, đặc biệt là người dân miền núi và dân tộc thiểu số, ứng dụng khoa học - công nghệ trong chăn nuôi, chính sách quản lý giống vật nuôi, quản lý giống du nhập,...
 
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về các nội dung của dự thảo Luật.
 
 
Đại biểu Quốc hội Quàng Văn Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Đại biểu Quốc hội Quàng Văn Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La: Sản phẩm chăn nuôi đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ là nghề mà còn là tài sản rất có giá trị, là nghề kết hợp với trồng trọt để hình thành liên kết trong sản xuất. Từ đánh giá như vậy có thể thấy, dự thảo Luật này tuy đã mở ra các chính sách để phát triển nghề chăn nuôi, nhưng chúng tôi rất mong muốn có chính sách phát triển cho người dân vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Do tập quán sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng sâu vùng xa thường là chăn thả rông, dễ bị tác động bởi giá rét và thiên tai. Một khi thiệt hại xảy ra thì thường rất lớn.

Đại biểu Quốc hội K’Nhiễu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Quốc hội K’Nhiễu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Trong chăn nuôi, yếu tố giống vật nuôi rất quan trọng. Do đó, đề nghị nhà nước cần quan tâm hơn nữa về nội dung này. Trong đó, cần đặc biệt đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế để đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Đây là một nội dung rất cần thiết.
 
 
Đại biểu Quốc hội Vương Văn Sáng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai
 
Đại biểu Quốc hội Vương Văn Sáng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai: Với các quy định trong điều cấm của Luật chăn nuôi, theo tôi cần bổ sung các điều cấm đối với việc đưa các con vật, vật nuôi vào địa bàn khác và phải được quy định của cơ quan có thẩm quyền mới được đưa vào chăn nuôi. Trên thực tế, có nhiều trường hợp động vật lạ được đưa vào chăn nuôi, như con ốc Bươu vàng đã ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của đồng bào dân tộc vùng cao như Lào Cai, hay con Hải ly đã gây ảnh hưởng tới tình hình nuôi thủy sản ở một số địa phương... Vấn đề đưa các con vật nuôi vào vùng có điều kiện sản xuất khác cần phải được quản lý nghiêm ngặt./.

Nguyễn Ngân