ĐBQH TRẦN VĂN MÃO: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

17/11/2018

Nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, hướng tới xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong điều kiện nhập quốc tế, dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 có bố cục gồm 8 Chương, 42 Điều. Dự luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo ý kiến của đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, dự thảo Luật đã được nghiêm túc tiếp thu, nhiều nội dung đã được chỉnh sửa; đồng thời dự thảo luật đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

 Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu từ kỳ họp thứ 5 và tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6?

Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5. Qua thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm hoàn thiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật như: vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam; phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; quy định các trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam;….Những ý kiến này của đại biểu tại kỳ họp thứ 5 đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, sửa đổi tại dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 lần này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, vậy cụ thể dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã có sự chỉnh sửa, tiếp thu như thế nào?

Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Qua nghiên cứu dự thảo Luật, có thể thấy với tinh thần trách nhiệm cao, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đã rất cầu thị và có phương pháp cũng như cách làm đổi mới trong việc thực hiện đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật.

Trong quá trình tiếp thu, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tôn trọng và nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý một cách kịp thời và khách quan những vấn đề liên quan đến nội dung dự thảo luật. Những nội dung phù hợp có thể chỉnh sửa, trong dự thảo luật lần này đã được chỉnh sửa. Đối với những vấn đề mới được tiếp thu cần phải giải trình thì ban soạn thảo đã có giải trình chu đáo, bảo đảm sức thuyết phục và cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn cũng như nguồn lực để thực hiện khi dự thảo luật được thông qua.

Phóng viên: Theo chương trình kỳ họp, ngày 19/11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Vậy, dự án Luật khi được thông qua sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động của lực lượng cảnh sát biển, thưa đại biểu?

Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Việc thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tạo ra một công cụ pháp lý, một văn bản pháp luật hết sức quan trọng và có tính quyết định trong bảo vệ vùng biển nước ta. Bên cạnh đó, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển; bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế. Hy vọng Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời cũng sẽ tạo khuân khổ  pháp lý mới góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý cũng như xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh