NGUYÊN ĐBQH NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG: THI MÔN LỊCH SỬ LÀ TÍCH CỰC VÀ CẦN THIẾT

26/03/2019

Năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định lịch sử là 1 trong 4 môn thi bắt buộc trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10. GS.TS Nguyễn Đình Hương - ĐBQH khóa XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng thi môn lịch sử là tích cực và cần thiết, phá đi lệ bất thành văn là lớp 9 chỉ chăm chăm ôn luyện vài môn căn bản.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông công lập sẽ diễn ra trong hai ngày 2 - 3/6 với 4 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử. Bài thi Lịch sử làm theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút, 40 câu hỏi.

Dự kiến năm học 2019-2020, 40.000 học sinh Hà Nội sẽ phải học trường dân lập, hệ giáo dục thường xuyên và trường nghề

Dự kiến năm học 2019-2020, Hà Nội có 101.460 học sinh xét tốt nghiệp THCS, giảm khoảng 4.000 học sinh so với năm ngoái. Khoảng 60-62% học sinh (tương đương với khoảng hơn 60.000 em) trúng tuyển vào lớp 10 THPT trường công lập. Như vậy còn lại khoảng 38-40% học sinh (tương đương với 40.000 học sinh), sẽ phải học trường dân lập, hệ giáo dục thường xuyên và trường nghề.

Ngay sau khi môn thi thứ 4 chính thức công bố là môn lịch sử, các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội lập tức triển khai phương án giảng dạy và ôn tập cho học sinh.

Cô giáo Phan Thị Nhâm: Thi môn lịch sử là một thử thử thách và cũng là cơ hội để học sinh, phụ huynh và giáo viên thể hiện niềm đam mê

Tại trường Trung học Cơ sở Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, giờ lên lớp môn lịch sử của cô và trò luôn sôi nổi. Cô Phan Thị Nhâm chia sẻ, ngay từ đầu năm học Ban Giám hiệu nhà trường đã định hướng cho học sinh học đều tất cả các môn, do vậy môn lịch sử cũng được học sinh trú trọng sẵn sàng cho kỳ thi. Khi tiếp nhận thông tin lịch sử là 1 trong 4 môn thi bắt buộc bản thân cô không bất ngờ, cho rằng đây là một thử thử thách nhưng cũng là cơ hội để học sinh, phụ huynh và giáo viên thể hiện niềm đam mê. Qua đó cũng chứng minh rằng không phải học sinh nào cũng quay lưng lại với môn lịch sử.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Tình: Phương pháp dạy và học theo hình thức cuốn chiếu, học đến đâu chắc đến đó

Cô Nguyễn Thị Thúy Tình, giáo viên môn lịch sử trường Trung học Cơ sở Cát Linh chia sẻ, với đặc thù là môn học đòi hỏi ghi nhớ nhiều nên đa phần học sinh đều lo lắng về cách học. Tuy nhiên, phương pháp học sơ đồ tư duy sẽ dễ nhớ, dễ học, dễ hiểu hơn rất nhiều so với việc học thuộc lòng một cách bắt buộc. Hoặc 1 sự kiện lịch sử đưa ra sẽ phải trả lời được 5 W, đó là những câu hỏi có sự kiện gì, ở đâu, ai, giải quyết tình huống gì và sự kiện ấy diễn ra như thế nào? Do lịch sử là môn học ít tiết, nên phương pháp dạy và học của cô và trò luôn theo hình thức cuốn chiếu, học đến đâu chắc đến đó và có phần bài tập, câu hỏi trắc nghiệm cho từng bài học.

Học sinh Trần Trúc Linh: Kỳ thi là một trải nghiệm rất tốt để cho thế hệ trẻ tích lũy thêm kiến thức, hiểu biết sâu hơn về lịch sử nước nhà và trên thế giới

Học sinh Trần Trúc Linh cho rằng: Khi lịch sử là môn thi bắt buộc thì buộc thế hệ học sinh luôn luôn nhớ về lịch sử đất nước. Kỳ thi là một thử thách nhưng cũng là một trải nghiệm rất tốt để cho thế hệ trẻ tích lũy thêm kiến thức, hiểu biết sâu hơn về lịch sử nước nhà và trên thế giới.

Học sinh Nguyễn Hoài Nam: Nếu chăm chỉ và có phương pháp học phù hợp thì việc thi môn lịch sử vẫn có thể đạt kết quả tốt

Học sinh Nguyễn Hoài Nam có phần lo lắng vì đây là năm đầu tiên thi môn này. Tuy nhiên, nếu chăm chỉ và có phương pháp học phù hợp thì việc thi môn lịch sử vẫn có thể đạt kết quả tốt.

Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cát Linh Trần Quốc Hải: Xác định ôn tập môn lịch sử sát đối tượng

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cát Linh Trần Quốc Hải, Ban Giám hiệu nhà trường đã họp với các thầy cô giáo quán triệt tinh thần đảm bảo ôn tập tốt 4 môn thi và cũng phải học đều tất cả các môn đảm bảo chương trình của Bộ Giáo dục. Nhà trường cũng đã họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để lắng nghe ý kiến đề nghị từ phía phụ huynh. Theo đề nghị từ phía phụ huynh, tận dụng khoảng thời gian còn trống để tăng cường ôn tập thêm cho cho học sinh cả 4 môn, trong đó tập trung nhiều hơn cho môn lịch sử vì 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, còn môn lịch sử thì vừa mới chính thức công bố và là năm đầu tiên thi môn này. Nhóm giáo viên lịch sử của trường cũng đã có kế hoạch rất chi tiết để chuẩn bị cho các con một lộ trình ôn tập đảm bảo tốt nhất. Nhà trường cũng xác định việc ôn tập cần sát đối tượng. Đối với học sinh yếu kém, nhà trường bố trí giáo viên bồi dưỡng, hướng dẫn chi tiết thêm. Ngoài ra, nhà trường cũng đã chủ động cho học sinh làm quen với hình thức kiểm tra, thi trắc nghiệm.

Năm 2019, lần đầu tiên học sinh Hà Nội sẽ thi tuyển vào lớp 10 theo hình thức mới, với bốn môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Đây được cho là điểm mới tích cực để đưa môn Lịch sử gần gũi với đời sống, khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, tránh “học lệch, học tủ”, xứng đáng với câu nói của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Đình Hương, đại biểu Quốc hội Khóa XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Phóng viên: Thưa  đại biểu, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ 4 là môn Lịch sử trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020. Quan điểm của đại biểu về sự đổi mới này như thế nào?

GS.TS Nguyễn Đình Hương: Thi môn lịch sử là rất tốt, tích cực và cần thiết cho cả học sinh và hệ thống giáo dục nước nhà

GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Từ năm học 2005 – 2006, phương án xét tuyển kết hợp thi tuyển hai môn Toán, Ngữ văn được áp dụng. Tuy nhiên, phương án này đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Tạo hiện tượng học lệch, nhiều học sinh chỉ chú trọng hai môn thi và xem nhẹ các môn khác, chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc Trung học cơ sở.

Một thực tế là những năm gần đây không ít phụ huynh và học sinh quay lưng lại với môn lịch sử, xem lịch sử là môn phụ. Cụ thể năm 2011, hàng nghìn điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Năm 2018, phổ điểm bài thi môn Lịch sử tiếp tục có điểm thấp nhất với hơn 83% thí sinh có điểm dưới trung bình. Lịch sử cũng là môn học giúp học sinh nắm được quá trình lịch sử trong nước và quốc tế, do vậy việc đưa môn lịch sử vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là rất tốt, tích cực và cần thiết cho cả học sinh và hệ thống giáo dục nước nhà. Học sinh sẽ được tích lũy kiến thức về lịch sử, được giáo dục về tâm hồn dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Qua đó mới tiếp nối niềm đam mê học sử của thế hệ học sinh, nâng dần vai trò môn lịch sử trong giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.

Phóng viên: Với phương án thi tuyển 4 môn tại kỳ thi vào lớp 10 được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn, liệu có loại bỏ được tình trạng học lệch, học tủ như mục tiêu đặt ra, thưa đại biểu?

GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Thực tế thời gian qua nhiều học sinh chỉ chú trọng một vài môn thi, các môn được cho là môn “phụ” như lịch sử, giáo dục công dân…thì bị xem nhẹ dẫn đến học lệch, học tủ, chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện. Chúng ta lần lượt đưa từng môn “phụ” vào các kỳ thi dần dần sẽ nhận được sự quan tâm của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh, giáo dục toàn diện sẽ dần đạt được mục tiêu. Năm nay môn lịch sử được xác định là 1 trong 4 môn thi bắt buộc vào lớp 10 giúp cho học sinh thấy tầm quan trọng của tất các môn học và sẽ đỡ dần vấn đề “học tủ, học lệch” các môn.

Đây cũng là tín hiệu tốt bởi người học cần phải nắm được lịch sử của nước nhà để tăng tình yêu đất nước và hiểu được sự phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.

Phóng viên: Thưa đại biểu, Lịch sử là môn học chứa đựng lượng kiến thức nhiều, nhiều mốc thời gian và sự kiện nên không ít phụ huynh và học sinh có cảm giác sợ. Vậy liệu rằng đây có phải là môn khó “ăn điểm” khi đưa vào kỳ tuyển sinh lớp 10?

GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Thực tế thời gian qua không ít phụ huynh và học sinh đã quay lưng lại với môn lịch sử. Sở dĩ trước đây học sinh chưa thích học hoặc không muốn học sử là do phương pháp giảng dạy của thầy cô chưa lôi cuốn, học sinh cũng chưa thực sự say mê với môn học này. Nếu như chúng ta cải tiến cách dạy, cách học lịch sử thì sẽ có kết quả tích cực.

Ngoài ra, thông thường khi biết môn lịch sử là môn thi bắt buộc thì mọi người sẽ có sự tập trung cho môn học này tương đối chu đáo, học sinh sẽ nắm bắt được kiến thức nhiều hơn, hiểu nhiều hơn. Với hình thức thi trắc nghiệm sẽ không quá gây áp lực cho học sinh nếu học sinh có kế hoạch học tập nghiêm túc và bài bản. Cách ra đề cũng rất quan trọng, ra đề làm sao để học sinh thi môn lịch sử cảm thấy thoải mái nhất. Đề thi không nên đi vào quá chi tiết mà cần ra đề làm sao để các em nhận thức được sự kiện đấy như thế nào, suy luận những sự kiện ấy ra sao, làm sao tạo hứng thú học tập cho học sinh với môn Lịch sử.

Phóng viên: Với kinh nghiệm là một nhà giáo, đại biểu có thể chia sẻ kinh nghiệm, những lưu ý để học sinh đón nhận việc thi môn Lịch sử với tâm thế chủ động, thoải mái, hiệu quả trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào đầu tháng 6 tới?

GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Các nước trên thế giới dùng rất nhiều hình thức để giảng dạy lịch sử như tuyên truyền trên ti vi, báo chí thì người học sẽ thấm dần, hiểu dần về lịch sử của nước nhà và thế giới. Với hình thức thi trắc nghiệm như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố, phạm vi kiến thức của đề thi phân bổ toàn bộ chương trình lớp 9, bao gồm cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Do vậy học sinh cần nắm chắc cả chương trình lịch sử lớp 9. Để có kết quả tốt bản thân học sinh phải nỗ lực cải tiến cách học.

Ngoài vấn đề tự học có thể trao đổi với nhau theo nhóm bạn. Qua đó học sinh tự bổ sung kiến thức cho nhau, giúp nhớ lâu và nhớ được nhiều. Đối với giáo viên cũng có vai trò hết sức quan trọng, làm sao để học sinh nắm bắt được kiến thức cơ bản theo hệ thống các vấn đề, sự kiện, ý nghĩa…. Ngoài ra nên thường xuyên cho học sinh tiếp cận với hình thức thi trắc nghiệm môn lịch sử từ dạng đơn giản đến phức tạp để tạo hứng thú cho học sinh. Bên cạnh đó, tâm thế chủ động, thoải mái cũng là yếu tố quan trọng giúp học sinh ôn tập hiệu quả.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Phương