ĐBQH NGUYỄN VĂN TUYẾT: THIẾU GIÁO VIÊN ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

28/04/2019

Giáo dục đã và đang đặt ra yêu cầu lấy học sinh làm trung tâm, tuy nhiên những năm gần đây, hiện tượng quá tải số lượng học sinh ở một số trường học không còn là chuyện hiếm gặp. Sĩ số học sinh trong lớp tăng ảnh hưởng lớn tới chất lượng giảng dạy, đồng thời đặt ra những thách thức về quyền lợi học tập của học sinh.

Nhiều trường quá tải học sinh

Quá tải học sinh - thiếu giáo viên trầm trọng

Lớp học của trường Tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình và trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội có sỹ số mỗi lớp luôn dao động từ 60 - 65 học sinh. Trường Trung học Cơ sở Cát Linh, quận Đống Đa hay Trường Trung học Cơ sở Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có sỹ số học sinh cũng dao động trên 50 em một lớp.

Số liệu của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội cho thấy, hiện Hà Nội đang thiếu 12.000 giáo viên. Năm học 2018-2019, Hà Nội có gần 2 triệu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, riêng lớp 1 là 180.000, tăng 30.000 học sinh so với năm học trước. Nhiều lớp 1 trong quận nội thành có sĩ số học sinh lên đến 60-68 em/lớp, cao gần gấp đôi so với quy định chuẩn 35 học sinh/lớp.

Hà Đông là quận có đông học sinh nhập học lớp 1 cao nhất với hơn 11.000 em. Xếp thứ hai là huyện Đông Anh với trên 9.800 học sinh, tiếp đến là quận Hoàng Mai với hơn 9.700 học sinh.

Không riêng gì Hà Nội, sự quá tải học sinh trong lớp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương hay Thành phố Hồ Chí Minh..v..v. Theo quy định của Bộ Giaos dục và Đào tạo, mỗi lớp học bậc tiểu học chỉ sắp xếp tối đa 35 học sinh. Tuy nhiên, tại nhiều trường công lập con số này biến động lên tới gần 70 học sinh/lớp.

Cô giáo Lê Thị Hiền: không thể hướng dẫn được cho từng học sinh vì sỹ số quá đông...

Cô Lê Thị Hiền, Giáo viên Trường Trung học Cơ sở Vĩnh Tuy chia sẻ, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng giáo viên cũng không thể hướng dẫn được cho từng học sinh. Điều này làm hạn chế cơ hội tương tác của mỗi em trong giờ học.

Sỹ số học sinh đông đang đặt ra những thách thức lớn về quyền lợi học tập của học sinh. Do lớp học đông nên khả năng quan sát, nắm bắt của giáo viên rơi vào tình trạng không xuể và giáo viên không có sự điều chỉnh, thông tin phản hồi kịp thời của học sinh, từ đó sự sâu sát không đảm bảo, các em không được bù lấp kịp thời, dẫn đến kiến thức hổng, học đối phó. Mặt khác, hạn chế khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học…

Việc quá tải sĩ số đã và đang dẫn tới tình trạng một số trường tiểu học phải áp dụng nghỉ học 1 ngày trong tuần và bù vào buổi học ngày thứ Bảy. Điều đó mang tới sự thay đổi, phiền hà nhất định tới đời sống của cả giáo viên lẫn gia đình và học sinh. Tuy nhiên, sự lo lắng và đáng quan ngại hơn cả vẫn là vấn đề chất lượng giáo dục có được đảm bảo trong tình trạng quá tải hay không.

Cử tri Vũ Thúy Lan: Học sinh đông ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ

Cử tri Vũ Thúy Lan, quận Hai bà Trưng, Tp. Hà Nội, chia sẻ: Khi lớp học đông thì học sinh tiếp nhận bài giảng của cô sẽ bị hạn chế, điều nay ảnh hưởng tới sự phát triển của học sinh. Chỉ có trường tư thì sỹ số học sinh vừa phải, tuy nhiên, mức học phí tại những trường này thì không phải phụ huynh nào cũng có thể đáp ứng được.

Trên thực tế rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải học sinh trong một lớp, nhất là khối tiểu học. Bởi tâm lý của phần lớn phụ huynh là gửi con vào một số trường“tốt”, trường trung tâm. Bên cạnh đó cơ sở vật chất trường lớp chưa theo kịp sự tăng nhanh về dân số; một số thành phố lớn không đủ quỹ đất để xây dựng phát triển thêm số phòng học… Ngoài ra là sự xuất hiện nhanh số lượng các khu đô thị, chung cư cao tầng mới khiến dân số tăng nhanh và nhu cầu của người dân luôn vượt xa so với sức tải của hệ thống các trường công lập.

Công tác quy hoạch, dự báo, tổ chức sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp, giáo viên ở các địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém. Khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhiều năm nay các cấp có thẩm quyền ở nhiều địa phương không được giao chỉ tiêu biên chế. Tốc độ tăng của trẻ lớn, đặc biệt là các thành phố lớn, khu đô thị đang phát triển.

Thực tế cũng cho thấy, trong khi trường lớp tăng, học sinh tăng mạnh theo từng năm nhưng giáo viên lại phải cắt giảm biên chế 10% mỗi năm. Đó là một nghịch lý, khi thiếu giáo viên nhưng không được tuyển. Chỉ tính riêng Hà Nội, từ năm 2015 đến nay chưa tổ chức đợt thi tuyển viên chức giáo viên nào, dẫn tới thiếu nhiều giáo viên trong các trường, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Trước thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong một tỉnh và giữa các tỉnh, thành phố vẫn liên tục xảy ra, chưa được điều chỉnh kịp thời. Tính đến ngày 15/8/2018, cả nước có gần 310.000 giáo viên mầm non và nếu so với định mức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã thống nhất thì số giáo viên mầm non còn thiếu là khoảng 40.000 người. Ở bậc tiểu học, số giáo viên còn thiếu gần 19.000 người. Ở cấp Trung học cơ sở tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại mặc dù toàn quốc thiếu hơn 10.000 giáo viên nhưng cũng lại thừa trên 12.000 giáo viên; còn bậc trung học phổ thông thì thiếu trên 3.000 giáo viên.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ

Trước thực trạng thừa thiếu giáo viên, Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của tình trạng này.

Ngày 05/09/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có công văn số 4035 trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Công văn nêu rõ: Theo thống kê của các địa phương, hiện nay vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trong một tỉnh và giữa các tỉnh, thành phố với nhau. Các tỉnh đặc biệt thiếu giáo viên như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn La….Các tỉnh thừa giáo viên như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lào Cai, Sóc Trăng…

Nguyên nhân thừa thiếu giáo viên xảy ra ở một số địa phương là do biến động về quy mô trường/lớp do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ họctại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực nhất định. Đối với giáo dục mầm non, việc huy động trẻ ra lớp tăng cao, tốc độ nhanh do nhu cầu, cũng như việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chể); công tác xây dựng, quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương còn hạn chế, chưa sát với nhu cầu sử dụng; việc phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập (bởi hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học); chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên liên tục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên dẫn đến những bất cập hiện nay.

Trong Công văn trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: tại phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 05 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao cho Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành Giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số cơ học, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 19 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để đề xuất phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giải quyết những khó khăn, bất cập của các địa phương, nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.

Công văn cũng nêu rõ giải pháp của Bộ Giáo dục và đào tạo là đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, không để những trường quy mô nhỏ, những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định biên ở những vùng có điều kiện thuận lợi giao thông để thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang trường thiếu giáo viên, ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không để xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.

Bộ GD&ĐT cần phải rà soát tổng thể và đồng bộ 

Giáo dục đã và đang đặt ra yêu cầu lấy học sinh làm trung tâm, giảm sĩ số lớp học, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày… để chất lượng giáo dục được nâng cao. Tuy nhiên, việc quá tải sĩ số học sinh trong lớp đã và đang là rào cản lớn đối với nền giáo dục nước ta. Những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra từ phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đến nay liệu đã đem lại kết quả như kỳ vọng? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Văn Tuyết về nội dung này:

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết: Phải dự báo được số học sinh của các cấp học để đào tạo giáo viên 

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, là một trong nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xin đại biểu cho biết những nội dung chất vấn của đại biểu tập trung ở khía cạnh nào?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Trong Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình trạng thừa và thiếu giáo viên hiện nay. Đây là một trong những vấn đề cử tri hết sức quan tâm trong thời gian qua. Thông qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tôi thấy đây là một nội dung đang hiện hữu ở rất nhiều địa phương và giữa các địa phương và nếu như không xử lý, không có những giải pháp để giải quyết những vấn đề này thì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và quyền lợi học tập của học sinh

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xung quanh những vấn đề mà Đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẳng thắn trả lời hầu hết các câu hỏi. Trong quá trình trả lời của Bộ trưởng, Bộ trưởng cũng nhận thấy có hiện trạng thừa, thiếu giáo viên.

Tuy nhiên việc Bộ trưởng đưa ra các giải pháp để xử lý tình hình đó thì chắc chắn cần có nghiên cứu thêm để làm sao có giải pháp mạnh mẽ hơn, hướng tới xử lý được vấn đề này. Tôi cũng hiểu rằng, để giải quyết vấn đề này không chỉ riêng Bộ Giáo dục và đào tạo giải quyết được mà nó liên quan đến nhiều bộ ngành. Ví dụ, liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên thì nó liên quan đến ngành nội vụ. Do vậy cần phải có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Nội vụ và một số cơ quan có thẩm quyền có liên quan thì mới có thể giải quyết được vấn đề này

Phóng viên: Hiện nay vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương. Quan điểm của đại biểu về những vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, báo cáo của Bộ Giáo dục cho thấy đối với giáo viên mầm non còn thiếu tới 34.000 giáo viên năm 2016. Năm 2018 thiếu 44.000 giáo viên. Đây là số lượng rất lớn. Đối với trường trung học cơ sở cũng có tình trạng thiếu giáo viên ở những môn tin học, ngoại ngữ nhưng lại thừa giáo viên ở môn toán, môn ngữ văn. Do vậy cần phải có giải pháp giải quyết vấn đề này.

Phóng viên: Theo đại biểu đâu là những nguyên nhân dẫn tới thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Có khá nhiều nguyên nhân, ví dụ tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn, ở khu công nghiệp. Khi số người tăng lên thì con em của họ cũng tăng. Trong quá trình đào tạo giáo viên chúng ta không dự báo trước để tính toán các trường sư phạm nên đào tạo ra bao nhiêu là vừa theo mức độ tăng dân số. Những vấn đề đặt ra mà mình không có kế hoạch, không có quy hoạch, không có dự báo một cách cụ thể thì rõ ràng sẽ không giải quyết được bài toán thừa giáo viên ở khu vực đồng bằng nhưng lại thiếu giáo viên ở các thành phố lớn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Phóng viên: Theo Đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp căn cơ gì trong thời gian tới để khắc phục những tình trạng này?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Theo tôi cần phải có giải pháp đồng bộ, cần phải rà soát một cách tổng thể lại đội ngũ giáo viên hiện có và dự báo được số học sinh của các cấp học để chúng ta đào tạo giáo viên sao cho phù hợp. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp liên ngành giữa ngành nội vụ và ngành giáo dục và đào tạo. Bởi lẽ ngành nội vụ tuyển người, lựa chọn người đưa vào, nếu không phối hợp với ngành giáo dục thì trong quá trình tuyển dụng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở môn này nhưng lại tuyển giáo viên ở môn khác. Cho nên giải pháp đặt ra là phải hết sức đồng bộ ở các cấp, các ngành, chính quyền cũng như là ngành chuyên môn.

Bên cạnh đó phụ huynh cũng cần đồng hành với nhà trường để thay đổi tư duy chọn lớp, chọn trường thì mới có thể tạo sự cân đối về số học sinh giữa các lớp trong một trường và giữa các trường trong một địa phương. Bên cạnh đó, điều tiết số thầy cô giáo từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ cấp học thừa sang cấp học thiếu để khắc phục tình trạng có học sinh mà không có giáo viên, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 19 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã đề ra./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Phương