ĐBQH TÔN NGỌC HẠNH: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNN VỀ GIẢI PHÁP MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ NÔNG SẢN

23/09/2019

Mặc dù ngành nông nghiệp đã vượt qua các khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai, tình trạng được mùa, mất giá, cùng sự chèn ép giá của tiểu thương khiến thu nhập của người nông dân vô cùng bấp bênh. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục

Mặc dù chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh của thị trường và sự giảm sút về giá nông sản trên thị trường thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn có sự vươn lên khá mạnh mẽ. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt được con số kỷ lục đã khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Sản xuất nông sản của Việt Nam không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, với gần 100 triệu dân, mà còn tạo ra khối lượng sản phẩm xuất khẩu tới 40,2 tỉ USD, trong đó có 10 nhóm ngành hàng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên. Điều này có thể khẳng định đây là bước tiến lớn trong sản xuất nông nghiệp cũng như chuỗi giá trị ngành hàng nông sản Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng Mỹ là một trong những thị trường có tốc độ tăng ấn tượng nhất - khoảng 35% so với năm 2017. Bước sang đầu năm 2019, tin vui lại đến với ngành nông nghiệp Việt Nam khi Mỹ vừa cấp phép nhập khẩu trái xoài tươi. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ - thị trường được coi là khó tính 6 loại trái cây tươi, gồm: xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng năm 2019 ước đạt hơn 23 tỷ USD; tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này đạt khoảng 18 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu trong 7 tháng qua ước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều thách thức

- Thanh long vứt cho trâu bò ăn;

- Bí đỏ, dưa hấu, hành tím, khoai lang cũng đã từng trong tình trạng dư cung;

- Hàng tấn củ cải phải nhổ bỏ vứt đi...

Đó là những cơn khủng hoảng dư thừa nông sản trong nước, điệp khúc được mùa mất giá vẫn diễn ra thường xuyên. Mặc dù các giải pháp mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thời gian qua như quy hoạch vùng nguyên liệu; mở rộng thị trường nông sản bước đầu mang lại hiệu quả nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều ý kiến cho rằng, để duy trì và giữ vững kết quả xuất khẩu nông sản trong thời gian tới thì ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Cụ thể: Nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Những thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí khậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính, nhưng vẫn còn tình trạng được mùa mất giá

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu lo lắng, nếu như sản phẩm của Việt Nam mà không đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, vẫn còn tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh thì tiêu thụ ở trong nước còn không được thì làm sao xuất khẩu được. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn có truyền thống đầu tư manh mún, nếu không có sự tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa thì khó thành công như mong đợi.

Trong khi phần lớn giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp nằm ở khâu chế biến thì chỉ có 10% được chế biến sâu, 90% vẫn xuất khẩu dưới dạng thô. Điển hình là có tới 90% cà phê Việt Nam là xuất khẩu thô; đối với hạt điều là mặt hàng chủ lực của Việt Nam với thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều thế giới. Tuy nhiên, ngành điều Việt không thể chủ động về đầu vào khi có tới 70% nguyên liệu là nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi. Nhiều nông sản được bán ra thị trường thế giới không có thương hiệu, nhãn mác, nên phải sử dụng thương hiệu nước ngoài, gây bất lợi không nhỏ đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Bên cạnh những thách thức nội tại thì thị trường đầu ra cho nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn khách quan từ bên ngoài. Đó là ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới ưu tiên phát triển nông nghiệp nên mặt hàng nông sản của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa bằng việc ban hành các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc ngày càng gắt gao hơn.

Đơn cử như thị trường Trung Quốc, thời gian gần đây, quốc gia này không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu, mà còn tăng cường quản lý và siết chặt thương mại biên giới. Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam. Còn với thị trường Mỹ hiện nay vẫn tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam…

Tính riêng trên thị trường châu Âu, năm 2017 ngành thực phẩm đã ghi nhận 90 trường hợp nông sản Việt Nam bị trả về. Hết tháng 8 năm 2018 cũng có 40 trường hợp bị trả về. Trong số đó, bài học đắt giá nhất là tấm “thẻ vàng” mà EU dành cho hải sản Việt Nam. Hậu quả là EU từ vị trí nhà tiêu thụ thủy sản số 1 năm 2017 xuống thứ 4 trong 6 tháng đầu năm 2018 và cho đến nay chúng ta vẫn chưa có cách nào “gỡ” thẻ. … Đây chính là những nút thắt chính, cản trở thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi từ phương thức sản xuất, thay đổi thói quen tiếp cận thị trường.

Mở rộng thị trường tiêu thụ đối với mặt hàng nông sản có tiềm năng

Năm 2019, Quốc hội và Chính phủ đã giao các chỉ tiêu về phát triển ngành nông nghiệp đều cao hơn năm 2018 như: tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông thủy sản có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung đẩy mạnh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên. Đặc biệt phát triển cơ cấu sản xuất theo ba trục phẩm chủ lực gồm: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.

Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc, cho rằng, đối với các địa phương cần thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng vai trò là “bà đỡ” để dẫn dắt sản xuất sạch, sản phẩm sạch. Còn đối với cơ quan trung ương, vấn đề then chốt là mở rộng thị trường tiêu thụ thị trường để các mặt hàng sang các thị trường nhiều nước; đồng thời chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục đàm phán để tháo gỡ các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam; tiến tới xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phù hợp với quy định của các thị trường nhập khẩu trong khu vực và trên thế giới.

Trước những bất cập trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đang diễn ra ở nhiều địa phương, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp mở rộng thị trường nông sản.

Giải trình trước Quốc hội về nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định: Năm 2018, ngành nông nghiệp nước ta đạt mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu cao hơn so với những năm gần đây. Tuy nhiên, kết quả này không được trọn vẹn, vì riêng khu vực cây công nghiệp năm 2018 giá trị xuất khẩu thấp, thậm chí có một vài sản phẩm rất thấp, như cao su, tiêu, điều và mía. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ với bà con nông dân, các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng trong khu vực mặt hàng về những khó khăn này. Riêng cây điều, Bộ trưởng cho biết, năng suất cây điều mặc dù so với thế giới cao gấp đôi, nhưng nguyên liệu thì Việt Nam lại phải nhập tới 70%. Vì vậy, cần có chiến lượng phát triển cây điều phù hợp, nếu không cây điều sẽ không còn là sản phẩm chủ lực của Bình Phước, ở các tỉnh Đông Nam Bộ cũng như một số tỉnh ở Tây Nguyên.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để mở rộng thị trường tiêu thụ, nông sản Việt Nam tiếp tục tham gia sâu vào hơn chuỗi giá trị toàn cầu, thời gian tới ngành nông nghiệp tập trung thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch thực vật đòi hỏi phải thay đổi từ phương thức sản xuất, thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường thì mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, muốn xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông, thủy sản, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất một cách có trọng tâm, trọng điểm, cải thiện quy mô và nâng cao chất lượng. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh công tác xúc tiến thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên.

Như vậy, trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã phân tích những thời cơ, thách thức cũng như đề ra một số giải pháp mở rộng thị trường nông sản. Vậy những giải pháp đó có phù hợp với thực tế hiện nay? Ngành nông nghiệp cần tiếp tục triển khai những giải pháp nào để nông sản Việt có mặt rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Tôn Ngọc Hạnh về nội dung này:

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Phóng viên: Cảm ơn Đại biểu đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Thưa đại biểu, được biết tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn trực tiếp tại Hội trường, đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy, xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đã chất vấn?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, tôi có chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường xoay quanh vấn đề tỉnh Bình Phước là tỉnh nông nghiệp chủ lực là những cây công nghiệp, trong khi giá liên tục giảm, mất mùa và bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết rất lớn. Do vậy, tôi đã chất vấn thủ lĩnh của ngành có định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường nông sản chủ lực của nông dân.

Phóng viên:  Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời trực tiếp trên nghị trường Quốc hội. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Cơ bản tôi đồng tình với nội dung của Bộ trưởng, vì thời gian trên hội trường quá ngắn, Bộ trưởng không thể đề xuất nhiều phương án, nhiều giải pháp. Hơn nữa, những vấn đề tôi chất vấn cũng cần có thời gian giải quyết bằng những biện pháp cụ thể, chứ không thể giải quyết ngay, bởi vấn đề này cũng tồn tại nhiều năm. Như năm 2019, cử tri và nhân dân Bình Phước cũng đang đối mặt với khó khăn, thách thức của việc bị tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới mùa vụ của cây điều, ảnh hưởng đến sản xuất rất lớn. Giá hạt điều và hạt tiêu năm nay giảm rất sâu. Năm 2018 giá còn được 48.000 đồng/kg thì năm nay còn 18.000 đồng/kg. Như vậy vừa mất mùa, lại mất giá, nên nông dân rất băn khoăn, lo lắng ngành điều cũng như những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh trong thời gian tới.

Phóng viên:  Đại biểu có đánh giá như thế nào về tình hình tiêu thụ sản phẩm nông sản của nước ta thời gian qua?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Qua phân tích, đúng là chúng ta gặp nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế do yếu tố khách quan từ bên ngoài, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nheien chúng ta cũng có nhiều nỗ lực lớn, đó là xuất khẩu 29 sản phẩm nông thủy sản sang các thị trường khó tính, hiện có 6 sản phẩn xuất khẩu 10 tỷ đô la Mỹ trở lên. Đây là dấu hiệu rất mừng, vì xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ, Nhật Bản… là những thị trường khó tính. Vị thế, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, bởi tiêu chuẩn, kiểm định làm sao mô hình đó người nông dân phải sản xuất theo sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo xuất khẩu tăng hơn, giá trị xuất khẩu cao hơn.

Phóng viên:  Đối với các giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra, theo đánh của Đại biểu những giải pháp này liệu có khả thi và đảm bảo mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong thời gian tới?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Thời gian qua tôi thấy Bộ trưởng cũng rất quan tâm đến Bình Phước nói riêng cũng như cả nước nói chung trong lĩnh vực nông nghiệp, có những lúc tưởng như ngành nông nghiệp không thể vượt qua được những khó khăn, thách thức do yếu tố khách quan, chúng ta không thể chủ động được, như dịch bệnh, môi trường… nhưng kết quả xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2018 đã vượt mục tiêu đề ra. Đây là điều đáng mừng nhưng chúng ta không thể chủ quan mà cần tiếp tục có giải pháp bứt phá hơn, nỗ lực hơn, có sự vào cuộc của cả ngành và cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò chủ đạo của các địa phương, vì những hoạt động, cơ cấu cây trồng, tổ chức thực hiện ở các địa phương rất quan trọng.

Phóng viên: Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản cũng như duy trì giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới thì theo ý kiến của đại biểu đâu là giải pháp căn cơ cần ưu tiên chú trọng?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Chúng ta phải trích lục hoặc giới thiệu sản phẩm, cùng phối hợp với ngành công thương để giới thiệu sản phẩm, bởi chính mình sản xuất ra nên hiểu rõ nhất về cây trồng đó, với giá trị của cây trồng, vật nuôi, từ đó có cơ sở mở rộng, quảng bá thị trường nông sản Việt Nam./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản với nhiều kết quả đáng mừng đó là kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước; hàng loạt sản phẩm nông nghiệp đã chinh phục được thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cũng cho rằng, với thế mạnh là một nước nông nghiệp nhiệt đới đã và đang hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam có thể sản xuất đa dạng các sản phẩm nông nghiệp có giá trị dinh dưỡng và thương mại cao. Tuy nhiên, với những thị trường khó tính thì nông sản của Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Vì vậy với vai trò là người đứng đầu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ những rào cản về mặt thủ tục, hành chính, cơ chế, chính sách để nông sản Việt có mặt tại thị trường nhiều quốc gia trên thế giới./.

Lan Hương