GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

28/03/2020

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 (Luật số 72) được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 10 cùng hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, thực tiễn sau hơn 12 năm thi hành, Luật số 72 đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục phải hoàn thiện trong tình hình mới.

 

Nhu cầu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có xu hướng tăng theo từng năm

Hơn 1 triệu lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài

Lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài không chỉ giải quyết sức ép việc làm trong nước mà còn tạo thêm nguồn ngoại tệ lớn, góp phần đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho một bộ phận người lao động.

Với mong muốn được đi làm việc tại Hàn Quốc, anh Triệu Quốc Đạt, thường trú tại huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội cho biết, qua tìm hiểu thông tin, anh tìm đến Trung tâm Lao động ngoài nước để được tư vấn tìm công việc liên quan đến ngành nghề cơ khí, lắp ráp tại Hàn Quốc. Anh Đạt cũng cũng chia sẻ, hy vọng sẽ tìm được công việc với mức thu nhập phù hợp, tạo tích lũy sau này ổn định cuộc sống cũng như giúp đỡ gia đình. Trường hợp như anh Đạt không phải là ít, hiện nay số lượng người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài ngày càng cao.

Theo bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động là rất lớn. Mỗi năm, Trung tâm đã tuyển chọn, đào tạo và đưa hàng nghìn lao động đi làm việc và tu nghiệp ở nước ngoài theo hợp đồng tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Liên Bang Đức.

Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước

Hiện nay, lao động của Việt Nam đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và có xu hướng tăng dần theo từng năm. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, xuất khẩu lao động đạt được con số kỷ lục với trên 134.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 28,3% so với kế hoạch năm. Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công trong lĩnh vực xuất khẩu lao động với tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đạt hơn 142.000 người, vượt 30% so với kế hoạch, là năm thứ năm liên tiếp có số lượng vượt mức 100.000 lao động. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có gần 67.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch năm 2019.  Như vậy, tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao; ngành nghề đưa đi được mở rộng, trong đó có nhiều ngành nghề mới như: điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Các thị trường chính của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt là thị trường khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Malaysia và gần đây là một số thị trường châu Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam.

Vướng mắc trong quá trình thực thi luật

Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc tăng nhanh, nhưng tỷ lệ bỏ trốn cũng ở mức cao, nhất là với thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…Đây là vấn nạn làm ảnh hưởng tới uy tín của lao động Việt Nam. Vấn đề này cũng đã nhiều lần làm nóng nghị trường Quốc hội, như trong phiên chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV và gần đây nhất là Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc lao động Việt Nam ra nước ngoài bỏ trốn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Bộ và các doanh nghiệp trong nước đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để giải quyết hạn chế này. Qua 3 năm thực hiện quyết liệt các giải pháp, đến nay tỷ lệ lao động Việt Nam ra nước ngoài bỏ trốn còn 33%.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Tại Khoản 8, 9, Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm: Sau khi nhập cảnh không đến nơi làm việc hoặc bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng. Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động.  Bên cạnh đó, Nghị định 95 năm 2013 và Nghị định 95 năm 2015 của Chính phủ cũng quy định mức phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng nếu người lao động ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trí hoặc lao động bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng. Đồng thời cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 02 năm đối với hành vi vi phạm quy định vừa nêu.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Lâm, trên thực tế, việc thực thi chưa thực sự nghiêm minh, mức xử phạt này dường như chưa đủ sức răn đe, cần có đủ chế tài để khởi kiện lao động và người bảo lãnh cho lao động đồng thời bắt buộc lao động phải nộp phạt theo quy định của pháp luật.

Hiện nay cả nước đã có 362 doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với khoảng 500.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì nhiều trung tâm, công ty dưới mác uy tín về giới thiệu việc làm lại đã và đang đẩy người lao động vào đường cùng mà thiếu đi sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là do điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ như quy định doanh nghiệp chỉ có phương án về cán bộ, cơ sở vật chất (doanh nghiệp chỉ phải hoàn thiện các điều kiện này sau khi được cấp giấy phép), điều kiện về tài chính còn tương đối dễ dàng (vốn pháp định là 5 tỷ, tiền ký quỹ là 1 tỷ), điều kiện về người lãnh đạo điều hành còn mở và không hoàn toàn phù hợp; thuật ngữ vốn pháp định hiện không còn trong quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên gây khó khăn khi xác định việc đáp ứng điều kiện của doanh nghiệp. Một số quy định về điều kiện cấp giấy phép được quy định tại Quyết định của Bộ trưởng - điều này không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

Qua thực tiễn hơn 12 năm thi hành, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như: Quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và không phù hợp với quy định hiện hành của Bộ Luật dân sự 2015 và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế; Nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới xuất hiện trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật, gây khó khăn trong công tác quản lý, cũng như hướng dẫn thi hành Luật;…

Để kịp thời khắc phục những vướng mắc này, việc sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhằm bảo vệ tốt hơn đối với người lao động làm việc ở nước ngoài; nâng cao chất lượng nguồn lao động cung ứng và hiệu quả quản lý Nhà nước về người lao động làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi ra sao? và đâu là những nội dung sửa đổi trọng tâm nhằm đảm bảo phù hợp quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề phát triển việc làm ngoài nước đối với công dân Việt Nam, phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động quốc tế và đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật? Làm rõ vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Phóng viên: Thưa đại biểu, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 (Luật số 72), sau hơn 12 năm ban hành hiện nay đã bộc lộ những bất cập, hạn chế gì?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Có thể khẳng định, việc ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 (Luật số 72) đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Công tác xuất khẩu lao động từ khi có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát thi hành luật. Thông qua giám sát đã rút ra những bài học kinh nghiệm và chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong công tác đưa người Việt Nam đi lao dộng có thời hạn ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, Ủy ban đã đề xuất kiến nghị với Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành tổng kết 12 năm thực hiện pháp luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong quá trình giám sát và tổng kết, thì chúng ta thấy bắt đầu xuất hiện những bất cập, hạn chế như: Một số quy định của Luật không đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp với các Luật mới được Quốc hội ban hành như: Hiến pháp năm 2013, Bộ Luật lao động năm 2012, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ Luật dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014,..; Nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới xuất hiện trong thời gian gần đây chưa được quy định; Quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất;…

Do đó, việc sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực thi đồng thời đảm bảo phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động quốc tế; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu dự kiến phạm vi sửa đổi theo Dự thảo hiện nay đã phù hợp hay chưa?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Phạm vi sửa đổi lần này, chúng ta phải sửa đổi một cách toàn diện. Xuất phát từ thực tiễn, những tồn tại, vướng mắc và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật thì đối tượng, phạm vi phải đáp ứng được yêu cầu đó. Cách thức của chúng ta là xây dựng Chính phủ điện tử và phải đảm bảo các thủ tục hành chính một cách linh hoạt không gây cản trở cho cá nhân, tổ chức và đặc biệt chúng ta không tạo ra những khó khăn đối với người trực tiếp đi xuất khẩu lao động.

Đối với cách thức quản lý của các cơ quan, các thủ tục hành chính cần công khai, minh bạch để người lao động nắm được khi đi sẽ làm nghề gì? Thu nhập bao nhiêu?. Quan trọng là chúng ta phải khắc phục cho được tình trạng lừa lọc, cò mồi dẫn đến một số người lao động đi để giải quyết việc làm, tăng thu nhập nhưng thực tế lại khó khăn hơn thậm chí còn mất tiền. Tuy nhiên để sửa đổi một cách toàn diện và dáp ứng dược yêu cầu cuộc sống thì chúng ta phải tiến hành tham vấn ý kiến, lấy ý kiến của người lao động, doanh nghiệp xuất khẩu lao động; cơ quan có chức năng quản lý. Quan trọng phải khắc phục được hạn chế hiện nay và có tính khả thi cao khi ban hành.

Phóng viên: Đối với dự kiến những nội dung chính được đề xuất sửa đổi lần này, đại biểu có quan tâm và góp ý vào nội dung nào?

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình 9 nhóm chính sách và chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét có tương thích với những vấn đề khi Ủy ban tiến hành giám sát Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hay không. Có rất nhiều nội dung nhưng theo tôi có một số nội dung trọng tâm như sau:

Một là, sửa đổi cách thức của hợp đồng lao động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng phải thể hiện rõ quyền lợi, trách nhiệm.

Hai là, xem xét các thủ tục để đăng ký, cấp phép hoặc rút giấy phép của những tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu lao động.  Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì vậy doanh nghiệp phải ký quỹ mức bao nhiêu là phù hợp? Nhưng làm sao cho thủ tục công khai, minh bạch tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt dộng; khắc phục triệt để tình trạng lừa đảo, thu phí cao của người lao động.

Ba là, tình trạng chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, chất lượng nguồn lao động chưa cao và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài.

Bốn là, công tác quản lý nhà nước từ trung ương cho đến địa phương; mối quan hệ kết hợp giữa các bộ ngành và cơ quan quản lý tại địa phương như thế nào để tránh vấn đề cò mồi. Ngoài ra, những nội dung nào chưa đáp ứng cũng cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị quyết số 59 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Quyết định số 842 ngày 8/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Theo dự kiến, dự án luật sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới đây./.

Lan Anh

Các bài viết khác