ĐBQH HOÀNG ĐỨC THẮNG CHẤT VẤN BỘ CÔNG AN VỀ VỤ ÁN BUÔN LẬU GỖ TRẮC CỦA CÔNG TY TNHH MTV NGỌC HƯNG

31/03/2020

Gửi văn bản chất vấn Bộ Công an, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Công an giải trình những vấn đề liên quan đến vụ án buôn lậu gỗ trắc của công ty TNHH MTV Ngọc Hưng.

Đặt câu hỏi chất vấn cho Bộ Công an, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, từ năm 2012 đến nay, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã nhận được rất nhiều đơn kêu oan, kêu cứu của công ty Ngọc Hưng, có địa chỉ tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị về việc vụ án “buôn lậu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng”.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Để có cơ sở trả lời cho cộng đồng doanh nghiệp và cử tri Quảng Trị, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng đề nghị Bộ Công an kiểm tra trả lời cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nội dung sau:

Thứ nhất, vì sao từ khi xảy ra vụ án cho đến nay đã gần 5 năm (khởi tố tháng 4/2012) mà không được giải quyết dứt điểm, để kéo dài mặc dù vụ án đã được Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng 2 lần xét xử sơ thẩm, trả lại hồ sơ vì không đủ căn cứ để tuyên án. Trách nhiệm chỉ đạo giải quyết của đồng chí thời gian tới như thế nào?

Thứ hai, về việc xử lý vật chứng, Điều 76 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Nhưng tại sao vụ án chưa kết thúc điều tra, chưa được đưa ra xét xử mà cơ quan điều tra đã cho bán lô hàng là vật chứng? Đề nghị đồng chí cho biết lý do và trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị về vấn đề liên quan đến vụ án buôn lậu gỗ trắc của công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, Bộ Công an cho biết:

Bộ Công an cho biết, lý do vụ án giải quyết chưa dứt điểm, kéo dài, nguyên nhân chính là do: Đây là vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết, nội dung mà quan điểm giữa các cơ quan tố tụng còn chưa thống nhất. Theo yêu cầu của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an phải điều tra bổ sung 26 nội dung có liên quan đến vụ án. Trong đó, có nhiều nội dung đã kết luận rõ ràng, tài liệu có trong hồ sơ vụ án; có những nội dung yêu cầu điều tra bổ sung không thể thực hiện được đúng thời gian theo quy định của pháp luật (như, thủ tục tương trợ tư pháp hình sự với nước CHDCND Lào) hoặc có những nội dung yêu cầu điều tra bổ sung không có cơ sở, không có căn cứ nhưng Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng vẫn trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Hiện nay, Hồ sơ vụ án Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định. Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra theo dõi, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết dứt điểm vụ án trên.

Liên quan đến việc xử lý vật chứng án buôn lậu gỗ Trắc của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, Bộ Công an cho biết, căn cứ Điều 168, Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phải thực hiện điều tra bổ sung đối với những nội dung theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu. Tuy nhiên, xét thấy vật chứng là gỗ với số lượng lớn khó bảo quản, chi phí thuê kho trông giữ cao, để lâu có thể dẫn đến mối mọt, giảm giá trị, đề phòng hỏa hoạn, gây thiệt hại cho việc thu hồi tài sản bị xâm phạm. Vì vậy, căn cứ Điểm d, Khoản 2, Điều 75 và Khoản 1, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định số 21/C44-P4 ngày 31/07/2013 về việc xử lý vật chứng bằng hình thức bán đấu giá. Số tiền thu được từ vật chứng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng để phục vụ xét xử theo quy định tại Khoản 1, Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự./.

Thu Phương

Các bài viết khác