ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGUYỄN THANH HIỀN: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

31/03/2020

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền chỉ ra rằng, năm 2007 Bộ Công thương có quyết định phê duyệt về quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ đến 2010 và tầm nhìn đến 2020. Nhưng cho đến nay việc phát triển công nghiệp phụ trợ nước ta rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Từ thực tế trên, về trách nhiệm quản lý của Bộ trong quá trình thực hiện quyết định đó và hiện nay đạt đến mức độ nào, kết quả ra sao? So với mục tiêu đặt ra ban đầu và những giải pháp sắp tới thúc đẩy vấn đề này phát triển trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, Bộ thống nhất với nhận định của đại biểu về những hạn chế trong thời gian qua, chúng ta chưa đạt được mục tiêu đặt ra trong quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế đất nước. Về đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu của của Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 theo Quyết định số 34 / 2007 / QĐ - BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Bộ Công Thương xin báo cáo với đại biểu cụ thể như sau:

Đối với ngành dệt may, giai đoạn đầu 2007 – 2010, mục tiêu về sản xuất xơ , sợi hoàn thành với năng lực sản xuất trong nước đã có thể đáp ứng được 50 % nhu cầu xơ sợi, một phân đã được xuất khẩu. Sản xuất vải dệt thoi và phụ liệu không đạt mục tiêu đề ra với năng lực sản xuất chỉ đáp ứng được 23 % và 70 % nhu cầu trong khi mục tiêu đặt ra tương ứng là 30 % và 90 %. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, hiện tỷ lệ nội địa hóa đạt của các doanh nghiệp dệt may đạt khoảng 40 %, nếu kể cả các dự án sẽ đưa vào vận hành trước năm 2018 sẽ đạt trên 45 %, các phụ kiện khác khoảng 70 %. Đến năm 2020, tỷ lệ có thể đạt trên 60 %.

Đối với ngành da giày, giai đoạn đầu 2007 – 2010, Quy hoạch đã đề ra mục tiêu đáp ứng 40 % nhu cầu nguyên phụ liệu ngành da giày vào năm 2010. Đến năm 2010, tỷ lệ sử dụng nguyên phụ liệu trong nước ngành da giày cũng đã đạt 40 %, đạt mục tiêu đề ra. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75 % trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45 %. Đối với vải làm giày dép, Việt Nam mới chỉ cung ứng được vải cho sản xuất loại giày vải cấp thấp. Ngành dệt vải Việt Nam chưa chú trọng sản xuất vải dùng cho ngành giày dép. Do đó, các chủng loại vải cao cấp đều phải nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hoá vải làm mũ giày hiện đạt trên 70 %.

Đối với ngành điện tử - tin học, giai đoạn đầu 2007 – 2010, Việt Nam đã thu hút được số lượng khá lớn các doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện tử, trong đó có các Tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực này như Samsung, Intel, Foxconn, đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này cũng với các nhà đầu tư FDI vừa và nhỏ chuyên sản xuất linh kiện cung ứng tại chỗ đã bước đầu hình thành hệ thống chuỗi cung ứng ngay trên lãnh thổ Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh việc thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này thì sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước để gắn kết, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế. Đây là khâu yêu cần được tập trung xử lý trong thời gian tới. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, đối với điện tử gia dụng, cung ứng trong nước tới nay mới chỉ đạt được khoảng 30 - 35 % cho nhu cầu linh kiện và đối với ô tô, xe máy tới nay mới đạt khoảng 40 %. Đối với điện tử tin học, viễn thông tới nay chỉ đạt 15 %, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5 %. Đầu tư FDI chiếm trên 80 % số doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng của Việt Nam , tập trung vào linh kiện điện - điện tử và linh kiện kim loại.

Đối với ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, giai đoạn đầu 2007 – 2010, tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước đối với các mẫu xe tải, xe khách, xe con đều không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước đối với xe tải, xe khách chỉ đạt 40 %, xe con đạt dưới 15 % so với mục tiêu đề ra tương ứng là 60 % và 15 %.  Quy hoạch cũng để mục tiêu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn linh kiện cho ô tô sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực vào năm 2015. Trong giai đoạn này, việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn này chưa được triển khai, các nhà sản xuất linh kiện cho ô tô vẫn sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn riêng của nhà sản xuất lấp ráp mà không sử dụng các hệ tiêu chuẩn của Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa. Tuy vậy, về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40 % vào năm 2005, 60 % vào năm 2010, nhưng đến nay ta mới đạt bình quân khoảng 7 -10 %. Ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô hình thành, nhưng còn yếu kém, chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơm giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ác quy, săm, lốp, sản phẩm nhựa . . . Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe, chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Đối với ngành cơ khí chế tạo, giai đoạn đầu 2007 – 2010, mục tiêu quy hoạch đề ra là đến năm 2010 đáp ứng 50 % nhu cầu nội địa về phối đúc, rèn và chi tiết quy chuẩn. Tuy nhiên, trong giai đoạn này tỷ lệ đáp ứng của ngành cơ khí đối với các sản phẩm này chỉ đạt khoảng 20 %, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quy hoạch đề ra. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, Đã sản xuất được máy kéo 2 bánh công suất 22 - 26 mã lực, đáp ứng nhu cầu trong nước Mới sản xuất được máy kéo 4 bánh cỡ trung công suất 22 - 26 mã lực, chưa đạt mục tiêu sản xuất được máy kéo 4 bánh công suất 50 - 80 mã lực. Đối với máy nông nghiệp, một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Veam; Sinco, Bùi Văn Ngọ, Cơ khí VINA Nha Trang đã đáp ứng nhu cầu trong nước về các loại mấy nông nghiệp và phụ tùng cho các loại máy: máy xay xát lúa gạo, cà phê, máy sấy, máy canh tác. Tuy nhiên chúng ta chưa đạt mục tiêu xây dựng chuyên ngành chế tạo máy nông nghiệp đủ mạnh, bao gồm máy canh tác, máy chế biến và thiết bị bảo quản các sản phẩm nông nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, từng bước xuất khẩu. Đối với máy công cụ, tới nay, trong nước mới chỉ sản xuất được các loại máy công cụ cơ bản, với phần lớn hệ thống điều khiến tích hợp từ sản phẩm nhập khẩu; chưa thiết kế, chế tạo được các loại máy công cụ CNC hoàn chỉnh để đáp ứng nhu cầu của ngành cơ khí. Đối với cơ khí xây dựng: Hiện nay Việt Nam chưa chế tạo được các loại máy xây dựng có độ phức tạp cao, hiện đại mà thị trường trong nước và nước ngoài có nhu cầu như: máy xúc, máy ủi, máy đào máy san.  Đối với thiết bị điện, đã sản xuất được máy biến áp đến 500MVA và các thiết bị trạm biến áp đến 220kV, cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.

Về các giải pháp để giải quyết các vấn đề hạn chế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thời gian tới, Bộ Công thương xác định tập trung vào những nhóm giải pháp chủ yếu như sau :

Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Quyết định số Quyết định số 9028/QĐ - BCT ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó: Xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2020 phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45 % nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25 % giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70 % nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa. Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp. Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiến khoảng 10 % giá trị sản xuất công nghiệp toản ngành công nghiệp đến năm 2030, chiếm khoảng 14 % giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới , đặc biệt là vật liệu điện tử .

Thứ hai, xây dựng các chính sách mới phù hợp và hiệu quả hơn. Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2015/ NĐ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó xác định 06 ngành ưu tiên phát triển, gồm: Dệt may, Da - giày, Điện tử, Sản xuất lắp ráp ô tô, Cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó là các quy định ưu đãi, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo Phụ lục kèm theo Nghị định. Bên cạnh đó  Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 55/2015/TT - BCT ngày 30 tháng 12 năm 2015 quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm tru đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các ưu đãi quy định tại Nghị định số 111 / 2015 / NĐ - CP. Trong thời trước mắt, Bộ Công thương đang khẩn trương tiến hành xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 11/2015/NĐ - CP và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện đối với Chương trình. Dự kiến sau khi Chương trình được ban hành, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận với các hỗ trợ từ phía nhà nước đối với việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ một cách thuận lợi nhất. Về dài hạn, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách đề ban hành Luật riêng về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Dự kiến Luật sẽ giải quyết các vấn đề lớn hiện nay trong chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ như tín dụng đầu tư cho doanh nghiệp, các hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị hệ thống sản xuất, tổ chức sản xuất theo cụm nhóm để tạo lợi thế cạnh tranh nhằm tạo ra cơ chế đủ mạnh để thúc đây sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam Thứ ba, tiếp tục Triển khai Nghị định số 11/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung làm tốt các cơ chế, chính sách để sớm hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với nguồn kinh phí đủ, đảm bảo để triển khai các hoạt động nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thư tư, tập trung thực hiện các hoạt động nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, cụ thể: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ. Chủ động tìm kiếm, hợp tác với các đối tác đặc biệt là đối tác nước ngoài nhằm mở rộng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước. Kêu gọi nguồn tài trợ ODA để hình thành Quỹ phát triển công nghiên hỗ trợ nhằm giải quyết các khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hợp tác với các nước(trước mắt là Hàn Quốc)để tiến hành đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đồng thời kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc xác nhận ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tu tiên phát triển quy định tại Nghị định số 11/2015/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách ưu đãi một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất./.

Hồ Hương

Các bài viết khác