ĐBQH TÔ VĂN TÁM: CHẤT VẤN BỘ NN&PTNT VỀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ NÔNG SẢN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

31/03/2020

Trước tình trạng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Tây Nguyên còn khó khăn, mà nguyên nhân được xác định là do nông sản thiếu thị trường tiêu thụ, bị ép giá, sản xuất chưa gắn kết với chuỗi giá trị, nên giá trị gia tăng thấp, vì vậy, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những giải pháp tiêu thụ nông sản ở vùng núi trong thời gian tới.

Giá nông sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Bấp bênh!

Sản xuất nông nghiệp hiện vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu của bà con vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân đang đối mặt với nỗi lo nông sản làm ra luôn trong tình trạng được mùa, mất giá. Trong khi đó, chính quyền nhiều địa phương và người nông dân vẫn loay hoay tìm lời giải bài toán đầu ra cho nông sản. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này ?

Huyện M’Đrắk là một trong những nơi trồng mía chủ lực của Tây Nguyên nói chung và Đăk Lắk nói riêng, góp phần đáng kể vào việc cung ứng đường cho các nhà máy. Niên vụ 2018 - 2019, toàn huyện M’Đrắk trồng 5.888 ha mía, đạt 88% kế hoạch, giảm 745 ha so với niên vụ trước; năng suất ước đạt 76,36 tấn/ha, cung cấp sản lượng mía nguyên liệu khoảng 450.000 tấn cho các công ty mía đường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, bước vào vụ thu hoạch này, giá thấp, năng suất giảm khiến nông dân lo lắng “thu không đủ bù chi phí”.

Trồng mía hơn 10 năm nhưng chưa năm nào năng suất mía của gia đình ông Nguyễn Văn Xong, thôn Ea Tê, xã Krông Jing lại thấp như năm nay khi 7 ha mía dự kiến chỉ thu hoạch được 350 tấn, bình quân mỗi héc-ta khoảng 50 tấn mía. Ông Xong cho biết, gia đình ông có 7 ha đất trồng mía giống KK3, K95, trung bình năng suất đạt từ 80 - 100 tấn/ha, với giá mía bình quân trên 900.000 đồng/tấn thì gia đình ông có thu hơn 100 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Năm nay, cây mía gặp hạn nặng, sinh trưởng và phát triển chậm, lóng mía thấp, lá tạp nhiều nên năng suất chỉ bằng 50% so với năm trước.

Tương tự, gia đình ông Trần Văn Hưởng, xã E bin, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk là một trong những hộ đi đầu trong việc trồng mía tại địa phương. Với 8 ha mía nhưng có thời điểm giá xuống mía thấp chỉ còn 730 đồng/kg, gia đình ông Hưởng chỉ thu được 10 đến 15 triệu/ha/năm.

Do hạn hán kéo dài, năng suất mía giảm nên ông Trần Văn Hưởng, xã E bin, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đã chuyển đổi một phần diện tích trồng mía sang cây ăn quả.

Ông Trần Văn Hưởng cho biết: “Cây mía bây giờ không cạnh tranh được với các nước khác, giá thì thấp mà chủ yếu làm thủ công nên đầu vào còn cao hơn đầu ra, không chỉ gia đình chúng tôi mà nhiều gia đình khác đã chuyển đổi cây trồng, chỉ có gia đình nào đất không thể canh tác được loại cây khác thì mới giữ lại mía để trồng”.

Hiện Xã E bin chiếm 50% diện tích mía của toàn huyện Ma đờ rắc, với 3.800 trong tổng số 6000ha. Tuy nhiên chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả tại E bin đã tăng gấp 8 lần, có 467 ha cây ăn quả, tăng hơn 222 ha so với cuối năm 2018. Trồng mía từ năm 1996 nhưng đến năm 2014 gia đình ông Võ Ngọc Kiên cũng phải chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Ông Võ Ngọc Kiên, thôn 4, xã EaPil, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, thu nhập của gia đình ông chủ yếu từ cây mía, nhưng những năm gần đây giá cả bấp bênh, mía bán thì thấp trong khi giá phân bón cao, hạn hán thì diễn ra thường xuyên. Mặc dù rất muốn tiếp tục trồng mía nhưng thời gian tới, có lẽ gia đình ông Kên cũng như nhiều hộ trồng mía nơi đây sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Theo báo cáo sản xuất năm 2019 của huyện M’Đrắk, năng suất mía ước đạt 76,36 tấn/ha, giảm 1,24 tấn so với niên vụ trước, tổng sản lượng ước đạt 450.000 tấn. Tuy nhiên, theo thực tế thu hoạch niên vụ mía 2018 - 2019 hiện nay, năng suất giảm mạnh chỉ đạt khoảng 50 - 70% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do nắng hạn kéo dài khiến cây mía không sinh trưởng, phát triển được, cây ngắn, lóng nhỏ, lá tạp nhiều. Theo tính toán của nông dân, 1 ha mía nếu không bị hạn hán năng suất có thể lên đến 70 - 100 tấn/ha nhưng nay năng suất chỉ còn một nửa, thậm chí thấp hơn, sản lượng mía có thể giảm còn 40%, bà con nông dân sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Đại biểu Y Khút Niê, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nêu thực tế hiện nay giá cả cây mía quá thấp nên người dân cũng không mặn mà, tiếp tục trồng mía. Vì vậy, Nhà nước, chính quyền các địa phương  cũng cần có chủ trương là thay đổi cơ cấu cây trồng không nhất thiết là bám đuổi theo cây mía. Nếu có thể trồng xen kẽ nhau, nhưng tôi cho là tỉnh Đắk Lắk và huyện huyện M’Đrắk cần có quy hoạch cụ thể để giúp đỡ người dân tìm đầu ra cho nông sản cũng như quy hoạch vùng trồng cây nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng từng vùng.

Đại biểu Y Khút Niê, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Còn tại tỉnh miền núi Sơn La, mấy năm trở lại đây, xuất khẩu nông sản ở Sơn La đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nhân dân, đặc biệt là ở các huyện vùng cao, biên giới.

Từ năm 2010, gia đình ông Vì Văn Thơm đã chuyển sang trồng 2ha cà phê. Hiện nay, thu nhập từ cà phê cũng đã giúp đời sống của gia đình nâng cao. Tuy nhiên, từ lúc chuyển sang trồng cà phê đến nay đã gần 10 năm nhưng việc tiêu thụ vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái nên giá cả bấp bênh. Hiện gia đình ông cũng như nhiều gia ở nơi đây vẫn chưa tiếp cận được nguồn đầu ra ổn định và mong cơ quan chức năng kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Tương tự, điều mà gia đình ông Lò Văn Phương, Huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cũng như nhiều hộ nông dân ở địa phương là đầu ra sản phẩm nông sản. Ông Phương cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình hiện nay chủ yếu là các thương lái vào mua, nhưng tình trạng thương lái ép giá thường xuyên diễn ra.

Hiện huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La hiện có hơn 1.300 ha cây ăn quả, với các loại cây chủ lực như xoài, nhãn, chanh leo, cà phê… nhưng 100% sản phẩm cây ăn quả vẫn tiêu thụ quả tươi chưa qua sơ chế và chủ yếu thông qua thương lái để đưa ra thị trường. Với vị trí đường giao thông còn nhiều khó khăn, nên bà con nơi đây vẫn loay hoay tìm thị trường tiêu thụ. Vì vậy, đầu ra sản phẩm nông nghiệp và giá cả vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái. Câu chuyện nông dân chuyển đổi từ loại cây trồng này sang một loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn là hướng đi tất yếu.

Để giải quyết những vướng mắc này, ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La khẳng định: “Thời gian tới, huyện Sốp Cộp có chủ trương giải quyết vướng mắc trong khâu tiêu thụ nông sản cho bà con. Huyện đã trình Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ 3 hợp tác xã thực hiện sơ chế nông sản để xuất khẩu trong và ngoài nước và hỗ trợ bà con phương pháp bảo quản sản phẩm tránh tình trạng thương lái ép giá”.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản vùng miền núi

Đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang gặp khó trong khâu tiêu thụ nông sản và thường xuyên gặp tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa, mà tại nhiều địa phương trong cả nước, hiện tượng này cũng đang diễn ra với nhiều mặt hàng nông sản. Để thu hút đầu tư vào vùng còn có nhiều điều kiện khó khăn nhiều ý kiến cho rằng, cần đặc biệt chú ý tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và đáp ứng tốt các yêu cầu của nhà đầu tư. Trong đó, chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và các dịch vụ công liên quan mà quan trọng hơn là cần có các chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhà đầu tư, giúp hình thành và thúc đẩy các chuỗi giá trị, mạng sản xuất hàng hóa nông sản thế mạnh của vùng thông qua liên kết giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và thị trường thế giới.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Nhà nước cần tạo tiền đề, như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển lưu thông hàng hóa. Ví dụ như bà con đồng bào dân tộc ở Hà Giang gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ cam Hà Giang. Khác với tại Sơn La, giao thông thuận tiện hơn, nên nông sản vận chuyển xuống các thành phố lớn dễ dàng hơn. Vì vậy, vai trò của nhà nước trong xây dựng kết cấu hạ tầng là rất quan trọng.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng, vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong mở rộng, tìm kiếm thị trường nông sản cần được đề cao hơn nữa. Đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng Tây Nguyên, Nam bộ. Tại các khu vực này, điều kiện giao thông còn nhiều khó khăn, trong khi đó thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng, vật nuôi. Do vậy, cần tích cực xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra hiệu quả cho nông sản ở khu vực này.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Thực tế sản xuất nông, lâm nghiệp vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào phương thức canh tác truyền thống; sản xuất hàng hóa chậm phát triển và chưa có nhiều mô hình sinh kế bền vững. Trong khi các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhằm hình thành nên chuỗi giá trị hàng nông sản vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp tìm đầu ra cho nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngay sau khi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có phần giải trình trước nghị trường. Bộ trưởng thừa nhận thực trạng hiện nay đời sống đồng bào dân tộc miền núi đang gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ ta đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển ở khu vực này. Điển hình là mới đây Quốc hội đã thông qua Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một chính sách bao trùm chung và tới đây sẽ được các cơ quan ban hành triển khai rộng rãi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Hiện tại ở vùng này còn một nội dung trước mắt đó là sản xuất rất bấp bênh, kém hiệu quả, đời sống khó khăn. Chỗ này riêng về vùng mà đại biểu có ý kiến, chúng tôi nhất trí hoàn toàn, đó là phải tập trung kêu gọi nhiều hơn các doanh nghiệp vào liên kết để tổ chức sản xuất chuỗi cùng bà con nông dân. Vừa qua Gia Lai làm rất tích cực, trong 5 tỉnh Tây Nguyên nói chung, trong đó chúng tôi thấy Gia Lai rất tích cực. Ví dụ, đồng chí Bí thư, Chủ tịch, các đồng chí Thường vụ, các đồng chí lãnh đạo mời gọi rất nhiều doanh nghiệp. Có những đợt ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp nào để giúp. Hiện nay, sau hơn 1 năm đã khánh thành một nhà máy chế biến rau quả và quyết định đầu tư thêm một nhà máy nữa. Rất tích cực, yêu cầu chăn nuôi để tạo phân bón hữu cơ cho cả vùng”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong các nhóm giải pháp thì việc mời gọi các nhà doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp làm hạt nhân cốt lõi trong chuỗi giá trị sẽ giúp giải quyết cơ bản những tồn tại hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng xác định đây là trách nhiệm của mình, sẽ cùng với các địa phương, cùng với vùng để làm tốt hơn điều này để sớm có được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực nông nghiệp, nhất là vùng Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể thấy, việc tìm đầu ra cho nông sản vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Mặc dù là một quốc gia xuất khẩu nông sản đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới, tuy nhiên, cho đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Bên cạnh đó, điệp khúc “được mùa mất giá-được giá mất mùa” vẫn luôn diễn ra trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, tình hình tiêu thụ, tìm đầu ra cho nông sản ở vùng miền núi đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái.

Vậy cần có những giải pháp căn cơ nào để giải bài toán về tiêu thụ nông sản cho nông dân, đặc biệt là ở các địa bàn miền núi, đồng bào dân tộc? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum về nội dung này.

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV, là một trong nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Xin đại biểu cho biết nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Tôi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về thực trạng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên rất khó khăn, vì giá nông sản bấp bênh, thiếu thị trường tiêu thụ, trong khi tư thương lại ép giá. Trong khi đó, điều kiện để tham gia vào chuỗi giá trị vẫn chưa tham gia được cho nên đời sống của người dân rất bấp bênh, còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở vùng Tây Nguyên những cây chủ lực là cây cao su, cây cà phê, cây tiêu…. là những cây có giá trị cao, nhưng giá cả bấp bênh. Cho nên tôi muốn hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp nào cho tình trạng này, có phương án trợ giá cho các sản phẩm nông nghiệp của bà con.

Phóng viên: Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải trình trả lời, đại biểu có hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Tôi thấy trong phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng rất chia sẻ với những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số mà tôi nêu ra. Bộ trưởng cũng thừa nhận vấn đề đại biểu nêu là hiện nay đầu ra cho nông sản cùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn khó khăn, có tình trạng mất mùa được giá, được giá mất mùa, nhất là mặt hàng cà phê, cao su. Bộ trưởng thừa nhận thực trạng này. Trong phần trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là nhấn mạnh kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư; cũng như các địa phương có giải pháp giúp người dân và doanh nghiệp liên kết; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ để tham gia vào chuỗi giá trị. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm thị trường, giảm diện tích trồng cao su vì hiện nay xu hướng cao su nhân tạo đang phát triển, nếu đầu tư nhiều sẽ bất lợi. Tôi cho rằng, những giải pháp đó cũng cơ bản và lâu dài. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt hiện nay để giảm diện tích cao su không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần có giải pháp cụ thể, sắp tới khi đến kỳ tái canh cây cao su sẽ không tiến hành tái canh nữa mà giảm diện tích xuống theo lộ trình như thế nào. Trong thời gian từ nay đến khi hết thời điểm tái canh cây cao su thì cần có phương án nào để cải thiện đời sống của người dân ở Tây Nguyên vì giá cả đang bấp bênh.

Phóng viên:  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có nêu một số giải pháp khắc phục những vấn đề đại biểu nêu, theo đánh giá của đại biểu, những biện pháp này có khắc phục được tình trạng thiếu thị trường tiêu thụ nông sản đã tồn tại trong nhiều năm?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Về lâu dài những giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra sẽ giải quyết được những tồn tại hiện nay. Các giải pháp như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết người dân với doanh nghiệp tham gia đầu tư, chế biến… nhưng những giải pháp này cần phải có nhiều thời gian. Người dân mong muốn trong thời gian này khi các giải pháp mà Bộ nêu ra chưa phát huy hiệu quả trong thực tiễn thì cần có trợ giá cho đồng bào thiểu số trồng cao su nhân dân. Theo tôi, trợ giá cũng có nhiều cách, không phải chỉ đến khi giá xuống thấp thì bù giá, nếu làm biên pháp này dễ bị tư tương lợi dụng. Vì vậy, cần có nhiều cách hỗ trợ khác nhau như trợ giá qua lãi xuất ngân hàng cho người dân tộc thiểu số khi họ vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi… Cũng có thể trợ giá cho người nông dân qua bán giá phân bón với giá thành hợp lý.

Phóng viên:  Vai trò của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh chuỗi giá trị cần được nhìn nhận như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Theo tôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải là cơ quan quản lý ở tầm vĩ mô, cho nên nhiệm vụ của cơ quan này là cần kiến tạo, tìm ra thị trường tiêu thụ. Nhưng việc tìm thị trường tiêu thụ không chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà còn có cả Bộ Công thương. Giải quyết vấn đề thị trường, cần có cấp vĩ mô ở Trung ương và cấp vi mô ở địa phương. Ở cấp bộ thì kiến tạo, tìm kiếm thị trường, đàm phán để tìm thị trường, tạo cơ hội để liên kết giữa các vùng trong nước trong sản xuất nông sản. Trên cơ sở đó, ở tầm vi mô, mà cụ thể là các tỉnh sẽ tham gia tổ chức thực hiện, dẫn dắt người dân, nhất là ở khu vực đồng bào thiểu số, trình độ của người dân còn hạn chế nên cần có sự dẫn dắt, chỉ đạo kịp thời.

Phóng viên:  Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Đánh giá cao những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đưa ra, tuy nhiên đại biểu Tô Văn Tám cho rằng những giải pháp này cần có nhiều thời gian để phát huy hiệu quả trong thực tế. Vì vậy trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời những khó khăn hiện tại để giúp đời sống bà con dân tộc thiểu số bớt khó khăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cần tích cực phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo các địa phương thực hiện phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu thị trường; có các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm nông sản, giúp nâng cao giá trị hàng hóa của người nông dân./.

Lan Hương

Các bài viết khác