ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: CHẤT VẤN TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

31/03/2020

Thời gian qua với vai trò là cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả hơn nữa, tại Kỳ họp thứ 7 QH khóa XIV, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã chất vấn về vai trò của Thanh tra Chính phủ trong việc phát hiện sai phạm đối với các vụ án kinh tế xảy ra tại một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Doanh nghiệp nhà nước.

Dự án 8.100 tỉ đồng thành khối rỉ sét, hư hỏng

Cửa đóng, then cài; sản phẩm sắt, thép trong tình trạng rỉ sét, hư hỏng; dây chuyền, máy móc dừng hoạt động… Đó là thực tế đang diễn ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2005 giao Tổng Công ty Thép Việt Nam tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công ty Gang thép Thái Nguyên là chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư được Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam phê duyệt là 3.843 tỉ đồng, gồm hai gói thầu chính. Ngày 15-5-2013, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gang thép Thái Nguyên ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.100 tỉ đồng (tăng 4.200 tỉ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Tuy nhiên, gói thầu này đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay và các hạng mục đều chưa hoàn thành.

Ngày 20/2/2019, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Văn bản số 199 thông báo Kết luận thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên. Trong đó nêu rõ: Chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác quặng, sản xuất thép, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đã chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư 4.261 tỷ đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành. Đến năm 2013 dự án này đã dừng thi công. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý về kinh tế với số tiền sai phạm lên tới hàng ngàn tỉ đồng; đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Bộ Công Thương, các cơ quan của Chính phủ… kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan đến dự án sang Bộ Công an để điều tra; chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Nhiều sai phạm tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý. Đơn cử như vụ việc tại Mobifone mua 95% cồ phần của AVG gây thất thoát, thua lỗ lớn; việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; việc chấp hành pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn…

Đánh giá cao hoạt động của Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan phòng chống tham nhũng, Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, trực tiếp là cơ quan thường trực là Tổng Thanh tra Chính phủ thì công tác phòng chống tham nhũng đã bước đầu đạt được kết quả, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri cả nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Có những kế hoạch, giải pháp tổng thể, toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động, làm thế nào để mục tiêu đẩy lùi tham nhũng hiệu quả và xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc và không có vùng cấm.

Kiên trì, quyết liệt phòng chống tham nhũng

Năm 2019, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.585 cuộc thanh tra hành chính và 252.499 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.123 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, xử lý, thu hồi 8.163 tỷ đồng (đạt 51%), 340 ha đất (đạt 38%); xử lý hành chính 1.445 tổ chức, 3.800 cá nhân; đôn đốc việc khởi tố 146 vụ, 28 đối tượng.

Năm 2019, riêng Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận 19 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm số tiền 80.822 tỷ đồng, 1.199 ha đất; kiến nghị thu hồi 38.656 tỷ đồng, 395 ha đất; kiến nghị, xử lý khác 42.166 tỷ đồng, 804 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý 13 vụ; kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến nội dung thanh tra. Cũng trong năm 2019, có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, 03 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lực lượng thanh tra gặp không ít khó khăn, vướng mắc như việc thực hiện kết luận thanh tra tại một số dự án trọng điểm và rà soát việc thanh tra tại một số dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm còn chập so với yêu cầu; việc phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm để kiến nghị khởi tố còn ít so với thực tế vi phạm; ý thức trách nhiệm của đoàn thanh tra trong một số trường hợp chưa cao; trình độ, năng lực phương pháp, kỹ năng còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có lúc, có thời điểm chưa quyết liệt…

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu thực tế “Trong công tác phòng chống tham nhũng chúng ta chưa có các quy định về kiểm soát đối tượng có hành vi tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng  và kiểm soát ngay tại các cơ quan Nhà nước và những người thực tiễn thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tham nhũng. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi. Tâm lý chung của người dân là sớm điều tra ra các vụ tham nhũng, tuy nhiên, công tác đấu tranh chống tham nhũng lại là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp, đòi hỏi nhiệm vụ lâu dài và phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, thận trọng, không nóng vội, không chủ quan, phải có kế hoạch cụ thể, bước đi vững chắc”.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc chiến cam go, quyết liệt, lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chúng ta phải làm không ngừng nghỉ. Muốn vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, có giải pháp đồng bộ, tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, kể cả việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; thể hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị đều phải xác định rõ cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cần phải được tiến hành liên tục, thường xuyên.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái về vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc phát hiện sai phạm đối với các vụ án kinh tế xảy ra tại một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Doanh nghiệp nhà nước. Giải pháp phòng chống tham nhũng trong thời gian tới của ngành Thanh tra.

Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, ngày 27/6/2019 Thanh tra Chính phủ đã có Công văn số 1020 trả lời đại biểu. Công văn nêu rõ: Trong thời gian qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán và cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động, quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm toán có trọng tâm trọng điểm; lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, để tập trung thanh tra, kiểm toán; đã phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm nhiều sai phạm liên quan đến tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức  BOT, BT… Kết quả công tác thanh tra, kiểm toán đã góp phần tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và công tác xây dựng Đảng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn đại biểu tại hội trường

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Công văn trả lời đại biểu của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trong thời gian tới tiếp tục tập trung vào một số giải pháp sau:

-Chỉ đạo thanh tra các cấp, các ngành bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

-Tăng cường các hoạt động phối hợp công tác giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là trong việc phối hợp xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra.

 -Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, hình thức, gây phiền hà cho địa phương, doanh nghiệp.

-Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành thanh tra, xây dựng đội ngũ cán bộ, thanh tra viên có trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; xử lsy nghiêm đối với cán bộ, công chức thanh tra vi phạm./.

Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn nhiều cam go, quyết liệt và kéo dài

Trong phần trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nêu một loạt giải pháp tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới. Chúng ta có thể thấy, những nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng của ngành Thanh tra đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn nhiều cam go, quyết liệt và kéo dài, đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị nói chung cũng như của ngành Thanh tra nói chung.

Vậy Thanh tra Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ nào để làm tốt nhiệm vụ, chức trách được giao. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá về hiệu quả mà những giải pháp mà Tổng Thanh tra Chính phủ đã đề ra.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Thưa đại, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, đại biểu đã chất vấn bằng văn bản đối với Thanh tra Chính phủ về việc phát hiện sai phạm đối với các vụ án kinh tế. Xin đại biểu cho biết cụ thể hơn về nội dung chất vấn?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV vừa rồi tôi có chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái với nội dung: Thời gian qua, tình trạng tham nhũng trong các Tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, các Doanh nghiệp Nhà nước đã xảy ra và cơ quan chức năng đã thực thi pháp luật đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân này. Tuy nhiên, sau khi Kiểm toán, Thanh tra, chúng ta chậm phát hiện hoặc chưa phát hiện dẫn tới tình trạng khi sự việc đã rồi, gây tổn thất lớn cho ngân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội, giảm niềm tin của nhân dân. Qua tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh những vấn đề này. Vậy với vai trò là Tổng Thanh tra Chính phủ có những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, cốt lõi gì để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những tổ chức, cá nhân xảy ra hành vi vi phạm này.

Phóng viên: Xuất phát từ thực tế nào mà đại biểu chất vấn nội dung vừa nêu?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Qua tiếp xúc cử tri phản ánh; qua tình hình thực tiễn; qua thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng đã phản ánh một số Tập đoàn, Doanh nghiệp Nhà nước đang có những cán bộ đứng đầu có những hành vi tham ô, gây lãng phí ngân sách nhà nước, vi phạm nghiêm trọng quy định của người đứng đầu, thậm chí cố ý làm trái các quy định, cấu kết với một số thế lực bên ngoài để làm ăn phi pháp… Dư luận xã hội rất bức xúc về vấn đề này. Vì vậy, với vai trò là đại biểu, tôi đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ để đưa ra giải đáp, chia sẻ những thông tin chính yếu và giải pháp mà Tổng Thanh tra nêu lên nhằm ngăn ngừa, phòng ngừa để cử tri yên tâm, tin tưởng vào công tác phòng chống tham nhũng của cơ quan chức năng, với tinh thần đi đến cùng vấn đề, không nể nang, né tránh. 

Phóng viên: Sau khi đại biểu chất vấn, Thanh tra Chính phủ đã có Công văn trả lời đại biểu, đại biểu có hài lòng với phần trả lời này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Sau khi tôi chất vấn tại Kỳ họp 7, khoảng nửa tháng sau Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã có công văn trả lời chất vấn. Tôi rất hài lòng về những nội dung trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ, trân trọng những nội dung mà Tổng Thanh tra đã nêu, thể hiện sự cầu thị, tinh thần trách nhiệm. Cụ thể, Tổng Thanh tra đã nêu khái quát tình hình phòng chống tham nhũng và trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh tra, xử lý, kiến nghị để giải quyết những vụ việc tham nhũng. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận những tồng tại, vướng mắc của thanh tra viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tôi cũng rất hài lòng và ấn tượng về những giải pháp mà Tổng Thanh tra đã nêu ra. Đây là những giải pháp mang tính thực tế và tôi tin rằng sẽ phát huy hiệu quả cao trong thực tế, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, răn đe các tổ chức, cá nhân trong thời gian tới, không dám, không muốn và không làm những hành vi sai trái.

Phóng viên: Mặc dù trong công văn trả lời đại biểu, Thanh tra Chính phủ đã nêu một loạt giải pháp phòng chống tham nhũng trong thời gian tới. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cũng nhìn nhận một số tồn tại khiến kết luận thanh tra còn chậm so với yêu cầu. Theo đại biểu, đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong phần hạn chế, tồn tại trong công tác thanh tra trong thời gian qua là việc phát hiện, xử lý một số nơi còn chậm. Vẫn còn tình trạng, một số tổ chức, cá nhân không thực hiện các Kết luận thanh tra. Lực lượng Thanh tra cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để đôn đốc, nhắc nhở, các tổ chức, cá nhân đó để khắc phục những vấn đề mà đoàn thanh tra nêu lên. Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã thấy điều đó, cho nên đã có nhiều biện pháp, chỉ đạo khắc phục hiệu quả nhất, với mục tiêu ngăn ngừa các sai phạm của tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, các giải pháp cũng hướng tới việc tự giác chấp hành các kết luận thanh tra nếu có sai phạm và có thái độ thành khẩn để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của mình.

Tôi cũng nghĩ rằng, với các giải pháp mà Tổng Thanh tra Chính phủ đề ra trong thời gian tới tôi cũng cảm thấy tâm đắc và chia sẻ đó là chú trọng công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ thanh tra viên khi thực hiện nhiệm vụ thì cần có sự khách quan, công tâm, vô tư và có đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thanh tra, khi phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm. Khi sai phạm nhỏ cần nghiêm túc nhắc nhở để những tổ chức, cá nhân sửa chữa, rút kinh nghiệm. Còn với những sai phạm lớn, có tính chất tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát hoặc có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vơ vén cho cá nhân thì cần đề xuất ngành chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua, ở một số nơi, địa phương việc thực hiện các kết luận tranh tra vẫn chưa được nghiêm túc, có tình trạng đối phó. Vậy, cần làm gì để các kết luận thanh tra được thực thi nghiêm trong thực tế?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi nghĩ rằng, thời gian qua đa số các Kết luận Thanh tra đã được các ngành, địa phương thực hiện tốt. Tuy nhiên, một số ngành, địa phương chưa nghiêm túc thực hiện, có tình trạng chây ì, kéo dài thời gian. Tuy nhiên, những Kết luận thanh tra về mặt khắc phục hậu quả là những vấn đề quan trọng, các địa phương cần chấp hành tốt. Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm, công tác nhắc nhở, xử phạt việc thực hiện Kết luận thanh tra còn chưa hiệu quả, trong đó có nguyên nhân là đối tượng thanh tra viện nhiều lý do để không thực hiện các Kết luận Thanh tra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Nghị định số 50 ngày 09 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ. Trong đó nêu rõ: Thanh tra Chính phủ là cơ quan phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Qua phóng sự vừa rồi có thể thấy, những nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng của ngành Thanh tra đã đạt được kết quả tích cực.  Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn nhiều cam go, quyết liệt và kéo dài, đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị nói chung cũng như của ngành Thanh tra nói riêng.

Vậy những giải pháp mà Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa đến nay được triển khai như thế nào trong thực tế? Những vướng mắc, khó khăn và những giải pháp trọng tâm trong thời gian tiếp theo của Thanh tra Chính phủ là gì? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm về nội dung này:

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm

Phóng viên:  Thưa ông, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thanh tra Chính phủ là thực hiện phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Vậy thực tế, thời gian qua công tác này được triển khai như thế nào?

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Nhận thức rõ tính chất nguy hại của tham nhũng, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quyết liệt về phòng chống tham nhũng, nhất là tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về việc tăng cường thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X. Trong hoạt động của bộ máy nhà nước, các cấp, các ngành đã tập trung, nỗ lực xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng, nhất là Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Cán bộ, công chức… tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng chống tham nhũng đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu tổng kết, đề xuất sửa đổi và Luật Phòng chống tham nhũng đã được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2018.

Ngay sau khi Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành Quyết định số 101 ngày 21/01/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan; yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức, thực hiện nghiêm túc. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới hoặc đề Nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đảm bảo phù hợp với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Đối với Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; trình Chính phủ ban hành Đề án về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021; Chỉ thị số 10 năm 2019 về tăng cường, xử lý ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và nhiều văn bản liên quan, bảo đảm triển khai đồng bộ công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới. Nhờ vậy, tình hình tham nhũng đã bước đầu được kiềm chế và có xu hướng thuyên giảm. Kết quả đó đã củng cố niềm tin của nhân dân và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện phòng, chống tham nhũng đâu là những khó khăn vướng mắc gặp phải, thưa ông?

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Việc chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 còn chưa kịp thời. Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn; một số quy định về quản lý kinh tế xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công….

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng vien, công chức và người dân về phòng chống tham nhũng. Trong một số trường hợp, việc tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về các vụ án, vụ việc tham nhũng chưa đầy đủ, kịp thời.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả còn thấp. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả, vẫn gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Trên một số lĩnh vực còn thiếu các biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khác phục như: thuế, hải quan, đất đai, cấp giấy phép, cơ sở khám chữa bệnh… Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa có chuyển biến rõ nét; rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 7, Đại biểu Phạm Văn Hòa đã có văn bản chất vấn Thanh tra Chính phủ về vai trò của cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tại văn bản trả lời Thanh tra Chính phủ cũng đã đề xuất nhiều giải pháp. Vậy, cụ thể những giải pháp này đã được triển khai trên thực tế như thế nào?

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật Thanh tra; sửa đổi quy trình tiến hành cuộc thanh tra nhằm thúc đẩy tiến độ và quy định rõ trách nhiệm trong từng giai đoạn thanh tra.

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra, xây dựng đội ngũ cán bộ, thanh tra viên có trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng Công ty, Doanh nghiệp nhà nước; ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm những biểu hiện “lợi ích nhóm” doanh nghiệp “sân sau”…  Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường phối hợp công tác giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để kịp thời xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, các vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, hình thức, gây phiền hà cho địa phương, cơ sở, doanh nghiệp; kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, nhất là trong các đơn vị chuyên trách về công tác phòng chống tham nhũng. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng được Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Qua phần trả lời của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho thấy, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tích cực tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, đặc biệt tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp, đơn vị, nhất là ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Những nỗ lực của Thanh tra Chính phủ nói riêng cũng như các cơ quan phòng chống tham nhũng nói chung, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước./.

Lan Hương

Các bài viết khác