ĐBQH NGUYỄN THỊ YẾN ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT ĐƠN TRONG GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM

31/03/2020

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên) – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, đã có văn bản chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị làm rõ quy trình giải quyết đơn trong giám đốc thẩm và tái thẩm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên) – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Ni sư Thích nữ Tín Liên) – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đặt câu hỏi đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết quy trình giải quyết đơn trong giám đốc thẩm và tái thẩm. Khi nhận đơn để giám đốc thẩm/tái thẩm, Tòa án có cần thiết phải báo nguyên đơn và bị đơn thời gian giải quyết không? Khi bản án của Tòa án nhân dân tỉnh đã ban hành, có hiệu lực thi hành mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kéo dài không thi hành án. Vậy người dân có quyền khởi kiện tiếp không? Và kiện đến cơ quan nào?”.

Về vấn đề, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết:

1. Về quy trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, theo quy định của pháp luật tố tụng thì khi nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thảm, tái thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án và báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân công Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Trường hợp không kháng nghị thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tự mình hoặc ủy quyền cho Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo bằng văn bản cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

Để hướng dẫn cụ thể quy định nêu trên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có Quyết định số 625/QĐ-CA ngày 06/9/2016 ban hành Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân. Quy trình như sau:

- Chánh án Tòa án nhân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao phân công Thẩm phán giải quyết văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có thể ủy quyền cho Phó Chánh án phụ trách phân công Thẩm phán giải quyết văn bản đề nghị giảm đốc thẩm, tái thẩm.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao sẽ trực tiếp giải quyết giải quyết văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thâm đối với những vụ việc phức tạp về đánh giá chứng cứ, quá trình giải quyết vụ án kéo dài, có kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gay gắt và một số vụ việc khác mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao xét thấy cần thiết.

- Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Tòa án nhân dân cấp cao sẽ nhận đơn, phân loại và xử lý bước đầu đối với các đơn đề nghị giám đốc thâm, tái thẩm. Nếu đơn đủ điều kiện thụ lý sẽ chuyển đến các Vụ giám đốc kiểm tra hoặc các Phòng giám đốc kiểm tra của Tòa án nhân dân cấp cao để giải quyết.

- Các Vụ giám đốc kiểm tra (hoặc các Phòng giám đốc kiểm tra) sẽ tiến hành thụ lý đơn và phân công Thẩm tra viên nghiên cứu hồ sơ.

Sau khi hoàn thành việc nghiên cứu hồ sơ và hoàn thành tờ trình trong thời hạn quy định, lãnh đạo các Vụ giám đốc, kiểm tra (hoặc Phòng giám đốc, kiểm tra chuyển Tờ trình báo cáo Phó Chánh án được ủy quyền. Theo nguyên tắc ngẫu nhiên, khách quan, Phó Chánh án được ủy quyền phân công Thẩm phán trong Tổ Thẩm phán giải quyết văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Phó Chánh án phụ trách báo cáo Chánh án về việc phân công Thẩm phán và kết quả giải quyết văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Đối với trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao) trực tiếp xem xét, giải quyết thì tờ trình giải quyết vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải có ý kiến đề xuất của Thẩm tra viên, lãnh đạo Vụ giám đốc kiểm tra, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được phân công giải quyết vụ việc và Phó Chánh án phụ trách. Tờ trình giải quyết vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trình Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao phải có ý kiến đề xuất của Thẩm tra viên, lãnh đạo Phòng giám đốc kiểm tra, Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao được phân công giải quyết vụ việc và Phó Chánh án phụ trách.

Quy trình cụ thể việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao được hướng dẫn chi tiết, cụ thể tại Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án. quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân.

2. Về trách nhiệm thông báo của Tòa án sau khi nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Theo quy định của khoản 1 Điều 258 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, khoản 1 Điều 329 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đơn cho đương sự. Khoản 5 Điều 6 Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị,thông báo đối vơi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thoe thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân hướng dẫn cụ thể hơn về trách nhiệm thông báo của Tòa án sau khi nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao và các văn phòng Tòa án nhân dân cấp cao phải ban hành một trong các thông báo sau: (1) thông báo đề nghị bổ sung thủ tục (nếu thiếu thủ tục), (2) trả lại văn bản đề nghị và tài liệu kèm theo (nếu vụ việc đã hết thời hạn kháng nghị mà không có căn cứ là do nguyên nhân khách quan), (3) thông báo đã nhận văn bản đề nghị và chuyển đơn vị chức năng xem xét, giải quyết (nếu đủ thủ tục)”.

Như vậy nếu đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã đủ thủ tục để xem xét, giải quyết thì Tòa án sẽ thông báo cho người người gửi đơn về việc Tòa án đã nhận đơn đề nghị và chuyển đơn vị chức năng xem xét, giải quyết mà không thông báo về việc đơn của đương sự sẽ được giải quyết trong thời gian bao lâu. Thời hạn xem xét giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được căn cứ vào quy định của pháp luật tố tụng. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tại Điều 15 Quy chế nêu trên đã hướng dẫn: Các Vụ giám đốc kiểm tra của Tòa án nhân dân tối cao, Phòng giám đốc kiểm tra của Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ việc, xây dựng tờ trình, lập tiểu hồ sơ báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 03 tháng (trường hợp đặc biệt không quá 06 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc đối với các trường hợp: Vụ việc khiếu nại bức xúc, kéo dài hoặc có ý kiến của nhiều phương tiện thông tin đại chúng, vụ việc có ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao yêu cầu khẩn trương giải quyết, vụ việc có văn bản kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ việc có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án, vụ việc mà Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm để giải quyết lại.

Đối với các vụ việc không thuộc trường hợp nêu trên thì thời hạn giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 09 tháng, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 12 tháng kể ngày nhận được hồ sơ vụ việc.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

3. Người dân có quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án hành chính

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc khi bản án của Tòa án nhân dân tỉnh đã ban hành, có hiệu lực thi hành mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kéo dài không thi hành án thì người dân có quyền khởi kiện tiếp không và kiện đến cơ quan nào, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, Điều 106 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trong cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 311, Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án (30 ngày kể từ nhận được bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án) mà người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án, các tài liệu khác có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn yêu cầu thi hành án.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính.

Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ cũng đã quy định cụ thể về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án quyết định của Tòa án. Theo đó, tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này đã quy định người được thi hành án có các quyền theo quy định của Luật tố tụng hành chính và các quyền sau đây: Yêu cầu người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính, Nghị định này và pháp luật có liên quan; Yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, đính chính sai sót trong bản án, quyết định để thi hành; được thông báo về thi hành án; đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án hành chính khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án; đề nghị người đứng đầu, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án, người đứng đầu của người phải thi hành án trong trường hợp chấm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật; đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm theo dõi việc thi hành án theo quy định của Nghị này và pháp luật có liên quan; khiếu nại, tố cáo về thi hành án hành chính; ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Như vậy, khi bản án có hiệu lực pháp luật mà Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra các lý do kéo dài việc thi hành án, thì tùy từng trường hợp cụ thể người được thi hành án có thể thực hiện các quyền như đã nêu ở trên./.

Bảo Yến

Các bài viết khác