ĐBQH BÙI NGỌC CHƯƠNG CHẤT VẤN VỀ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ KHÔNG HIỆU QUẢ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

31/03/2020

Trước tình trạng nhiều dự án lớn do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đầu tư triển khai đầu tư không hiệu quả, gây nợ đọng, thua lỗ lớn, làm dư luận cử tri bức xúc, đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Chương – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Công Thương về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Chương – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau 

Quan tâm đến tình hình thực hiện 05 dự án lớn do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đầu tư trên cơ sở báo cáo số 431/BC-CP ngày 17/10/ 2016 của Chính phú, cho thấy các dự án được triển khai đầu tư không hiệu quả, gây nợ dong, thua lỗ lớn, làm dư luận cử tri bức xúc. Trước thực trạng trên, đại biểu Bùi Ngọc Chương – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Công Thương. Theo đó, đại biểu Bùi Ngọc Chương đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ chủ quản; của chủ đầu tư trong việc xây dựng, phê duyệt đầu tư dự án và việc xử lý trách nhiệm cá nhân như thế nào. Đại biểu cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm đối với các khoản lỗ lớn, khoản vay của các dự án, cũng như tính khả thi, khả năng khắc phục khó khăn, hiệu quả hoạt động của dự án nếu tiếp tục đầu tư, hoạt động.

Trách nhiệm của Bộ chủ quản, chủ đầu tư trong xây dựng, phê duyệt đầu tư dự án và xử lý sai phạm

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Theo các qui định hiện hành, đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Hội đồng thành viên Tập đoàn, Tổng công ty là Đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp, chịu trách nhiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp, quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả.

Với tư cách là đại diện chủ sở hữu, Bộ Công Thương sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc tham mưu để Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, các dự án quan trọng quốc gia, các dự án chiếm 50% vốn chủ sở hữu do các Công ty mẹ các Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước trực tiếp thực hiện. Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật, việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, việc thực hiện chiến lược, kế hoạch.

Như vậy, đối với các dự án do các Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, Bộ Công Thương có trách nhiệm ở 2 vai trò là: (i) Đại diện chủ sở hữu; (ii) Cơ quan quản lý ngành. Đối với trách nhiệm đại diện chủ sở hữu, Bộ Công Thương có trách nhiệm gián tiếp đối với hiệu quả của các dự án thông qua vai trò là cơ quan thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc tham mưu để Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án. Đồng thời, với vai trò quản lý ngành, Bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với các doanh nghiệp và các dự án nên Bộ cũng có trách nhiệm nếu công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát không thực hiện tốt.

Trong văn bản trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã nhận trách nhiệm và sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc làm rõ trách nhiệm và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân tại Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Tổng công ty có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm ở các Dự án đầu tư.

Đối với các dự án do các đơn vị thành viên của Tập đoàn, Tổng công ty hoặc có cổ phần vốn góp của các Tập đoàn, Tổng công ty thì Bộ có trách nhiệm chính trong vai trò quản lý ngành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch ngành cũng như thực hiện vai trò thẩm định thiết kế cơ sở (đối với các dự án nhóm A thuộc chuyên ngành quản lý nhà nước của Bộ).

Việc một số dự án đầu tư lớn của ngành và của cả nước không đảm bảo hiệu quả, thua lỗ trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân và đang trong quá trình làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng thời Bộ Công Thương cũng tự nhận thấy rằng có phần trách nhiệm của công tác tổ chức cán bộ đối với tình trạng thiếu các chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm trong việc quản lý, chỉ đạo hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty cũng như thẩm định, tham mưu phê duyệt và phê duyệt các dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Bộ. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nhân sự để Bộ bổ nhiệm tại các Tập đoàn, Tổng công ty (Hội đồng thành viên các Tập đoàn, Tổng công ty) còn chưa được làm một cách chu đáo, cẩn trọng nên một số nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn tới việc lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp chưa có hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Xử lý các cá nhân có sai phạm

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, đối với các doanh nghiệp có dự án thua lỗ, hiện nay các cơ quan thanh tra, bảo vệ pháp luật đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo phân cấp quản lý, đối với các cá nhân, tổ chức trực tiếp liên quan đến một số dự án thua lỗ thuộc thẩm quyền quản lý của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp đã có xem xét, xử lý theo thẩm quyền, một số trường hợp đã bị cơ quan pháp luật khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với một số doanh nghiệp để xảy ra tình trạng thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giai đoạn từ năm 2011 - 2015, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét xử lý một số lãnh đạo doanh nghiệp. Đối với một số Dự án đầu tư cụ thể thì các Tập đoàn và Tổng công ty cũng xử lý các cán bộ thuộc thẩm quyền của Tập đoàn, Tổng Công ty.

Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ tăng cường công tác quản lý cán bộ, đặc biệt đối với các trường hợp có liên quan đến các Dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh.

Ngoài ra, trong văn bản trả lời chất vấn của Bộ Công thương cũng làm rõ trách nhiệm đối với khoản lỗ và khoản nợ phải trả của các dự án./.

Bảo Yến

Các bài viết khác