GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: DINH DƯỠNG KHÔNG HỢP LÝ - GÁNH NẶNG BỆNH TẬT

29/04/2020

Bên cạnh bệnh lây nhiễm, thì các bệnh mãn tính như: béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư… đang trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây gia tăng các bệnh lây nhiễm, làm thay đổi mô hình bệnh tật ở Việt Nam.

Bệnh tật phát sinh từ lối sống và dinh dưỡng không hợp lý.

Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép của cả bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Trong khi các bệnh lây nhiễm diễn biến phức tạp thì sự thay đổi cơ cấu bệnh tật, với sự gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm không chỉ gây nên gánh nặng về bệnh tật và kinh tế cho cả bản thân người bệnh và gia đình, mà còn tạo sức ép cho hệ thống y tế cũng như toàn xã hội.

Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nhấn mạnh: Y tế dự phòng là áp dụng các phương pháp dự phòng bệnh tật bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, di truyền, tác nhân gây bệnh, lối sống, hành vi… Y tế dự phòng tập trung vào việc bảo vệ, tăng cường và duy trì sức khỏe, dự phòng bệnh tật, tàn phế và tử vong. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng…. 

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, y tế dự phòng luôn được coi là then chốt, nền tảng của ngành y tế. Tuy nhiên, trên thực tế trong một thời gian dài, công tác y tế dự phòng vẫn chưa thực sự được coi trọng, đầu tư đúng mức, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở. Bác sỹ Cấn Hoàng Kim, Trưởng trạm Y tế xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội cho biết, công tác y tế dự phòng tại xã cũng gặp nhiều khó khăn, do thiếu kinh phí nên việc triển khai việc tuyên truyền cũng như công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm còn nhiều khó khăn.

Bác sỹ Cấn Hoàng Kim, Trưởng trạm Y tế xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội 

Nghị quyết 18/2008/QH12 Về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đã nêu rõ: “Tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước. Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Quan tâm dành ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người có công, người nghèo, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tiếp tục cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa khu vực liên huyện, trạm y tế xã, bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn; hoàn thành việc đầu tư nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện vào năm 2010”. Tuy nhiên, theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội,  trên thực tế nhiều địa phương chỉ dành tỉ lệ khoảng 20 -25% cho công tác này.

Trong khi Y học dự phòng chưa được đầu tư tương xứng thì một vấn đề báo động đã được các chuyên gia cảnh báo. Đó là lối sống công nghiệp, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học… đang khiến mô hình bệnh tật ở nước ta thay đổi, làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm, thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Các bệnh mạn tính không lây như: béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư,…đang là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 40 triệu người trên thế giới mỗi năm.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ước tính trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư. Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 người chết có gần 8 trường hợp do bệnh không lây nhiễm.

Tuy nhiên, các quy định trong Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 và Luật Khám chữa Bệnh năm 2009 đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm được sửa đổi, bổ sung phù hợp để ứng phó với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật đang thay đổi ở Việt Nam hiện nay.

Dinh dưỡng hợp lý: Dự phòng bệnh tật cho thế hệ trẻ.

Lạm dụng thức ăn nhanh. Đồ ăn chiên, nướng, nhiều dầu mỡ. Dinh dưỡng trong bữa ăn không hợp lý. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam ngày càng gia tăng.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em béo phì, thừa cân ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng với tốc độ báo động. Trong đó, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì hai thành phố lớn nhất cả nước tăng vọt. Cụ thể, tại Tp.Hồ Chí Minh là hơn 50%, còn tại Thủ đô Hà Nội vào khoảng 41%.

Kết quả điều tra của Bộ Y tế cũng cho thấy trẻ em Việt Nam rất thích đồ chiên, rán và nước ngọt; chỉ có khoảng 18% học sinh thường xuyên ăn rau trong ngày. Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây ra sự bùng nổ bệnh mãn tính không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, phổi và hen tắc nghẽn mãn tính... Theo tính toán, trong 10-20 năm nữa, nếu Việt Nam không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ hôm nay, thì bệnh không lây nhiễm sẽ trở thành gánh nặng của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm: Mỗi gia đình, bố mẹ cần quan tâm đến con của mình, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các con từ nhỏ, giúp các con có nề nếp sinh hoạt thói quen tập thể dục, thể thao. Bên cạnh đó, hiện nay học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở học bán trú khá nhiều nên các cơ sở giáo dục cũng cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng tốt nhất, có sự tư vấn, tham vấn của cơ quan có chuyên môn về lĩnh vực này để thế hệ trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Bữa ăn học đường đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ em phát triển toàn diện

Học sinh bậc tiểu học là lứa tuổi mà cơ thể và tâm lý bắt đầu chuyển qua một giai đoạn mới rất quan trọng cho việc phát triển thể chất và tinh thần đó là chuẩn bị bước sang tuổi tiền dậy thì với tốc độ tăng trưởng nhanh. Chính vì vậy, sự chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ của gia đình và nhà trường, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng hợp lý góp phần rất quan trọng để giúp trẻ phát triển tối đa về tầm vóc và trí tuệ.

Trường tiểu học Vạn Phúc, quận Hà đông, thành phố Hà Nội là một trong số nhiều trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, trong đó chú trọng tới yếu tố dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày. Bà Bùi Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cho biết: “Nhà trường chú trọng chế độ dinh dương cho trẻ. Đối với trẻ em béo phì, thừa cân thì chúng tôi có chế độ ăn uống phù hợp và khuyến cáo các bậc cha mẹ hạn chế cho con ăn thực phẩm gây tăng cân”.

Trong Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092 về Chương trình sức khỏe Việt Nam đã đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Trong đó, chăm sóc sức khoẻ trẻ em và học sinh là một trong 11 nội dung ưu tiên giai đoạn 2018-2030; phấn đầu đến năm 2025, tỷ lệ trường học bán trú, nội trú có tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh đạt 70% và tăng lên 90% vào năm 2030 (đối với trường mầm non). Đối với trường tiểu học, tỷ lệ tương ứng là 75% và 100%.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Cần thay đổi tư duy về y học dự phòng.

Theo các bằng chứng khoa học, thì “Dinh dưỡng” đang giữ vị trí hàng đầu như là một yếu tố quyết định chính có thể điều chỉnh được đối với các bệnh mạn tính không lây. Vậy cần làm gì để điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, cũng như thay đổi các giải pháp dự phòng bệnh không lây nhiễm hiệu quả? Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi của PV Cổng Thông tin điện tử Quốc hội với đại biểu Nguyễn Anh Trí về nội dung này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm, như huyết áp, tim mạch. Có nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các bệnh này liên quan đến chế độ ăn uống. Vậy đại biểu có đồng tình với quan điểm này?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Đúng như vậy, tôi có thể khẳng định rất nhiều bệnh không lây nhiễm đang liên quan rất lớn đến kết cấu, bữa ăn uống hàng ngày của người dân, đáng nói là liên quan đến các bệnh hiểm nghèo như tim mạch, đái tháo đường, gút, ung thư…đây đều là những bệnh khó chữa. Đó là chưa kể các các loại dị dạng, dị tật khi trẻ mới sinh ra, vì trong nhiều loại thực phẩm chứa các hóa chất độc hại. Tôi được biết, Quốc hội đã có chương trình giám sát tối cao về vấn đề này, đã có nghị quyết nhưng trên thực tế chuyển biến chưa hiệu quả. Kỳ họp thứ 7 vừa rồi, tôi có chính thức đề nghị Chính phủ cũng như Bộ Y tế hết sức chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm, vì những bệnh tật như tôi vừa kể trên đang phát triển rất nhanh. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn đến các loại bệnh không lây nhiễm, nhưng có nguyên nhân khá cơ bản đó là từ chế độ ăn uống hàng ngày.

Phóng viên: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc thay đổi cơ cấu trong bữa ăn liên quan trực tiếp đến tình trạng béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cơ cấu bệnh tật của Việt Nam đang thay đổi, chuyển từ các bệnh lây nhiễm, sang bệnh không lây nhiễm. Vậy đại biểu có ý kiến như thế nào về quan điểm này?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi rất đồng tình với quan điểm này. Tôi xin nhấn mạnh rằng, rất nhiều người không để ý đó là cơ cấu bữa ăn và cách thức ăn uống hiện nay. Cơ cấu bữa ăn gồm nhiều loại, đó là các thành phần trong bữa ăn. Hiện nay đời sống được nâng cao nên nhiều gia đình dùng nhiều đồ uống có gas, uống kèm trong bữa ăn. Mà thực tế nước uống có gas sẽ gây đầy bụng, nên bữa ăn không hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng có lợi. Thứ hai là thành phần trong bữa ăn quá nhiều chất béo, mỡ. Thứ ba là các chế biến hiện nay lại chủ yếu là chiên, nướng. Trong khi đó, khoa học đã chứng minh, dầu mỡ trong điều kiện nhiệt độ quá cao và kéo dài thì sẽ chuyển hóa thành chất khác-dễ gây ung thư. Thế nhưng xu hướng chung đặc biệt các bạn trẻ rất thích đồ ăn chiên rán, nướng… Như vậy là tính cân đối trong bữa ăn đã thay đổi.

Bên cạnh đó cách thức ăn uống cũng không khoa học. Thứ nhất là không tôn trọng giờ giấc và khoa học. Có nhiều lý do được viện dẫn như bận rộn, do tổ chức bữa ăn không khoa học, ví dụ nhịn bữa sáng, nhưng đến giữa bữa lại ăn vặt, như vậy lại quá gần với bữa trưa. Ăn uống không khoa học sẽ tác động lớn đến sức khỏe của người dân.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội 

Phóng viên: Cơ cấu bệnh tật của Việt Nam đang thay đổi, nhưng thực tế, công tác dự phòng bệnh tật không lây nhiễm ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Vậy, theo đại biểu, ngành Y tế cần làm gì để ứng phó với tình trạng này hiệu quả?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Nhận xét này là đúng nhưng trước hết tôi cho rằng, lý do đầu tiên cần đề cập đó là quan niệm về phòng bệnh, quan niệm về y học dự phòng cần phải thay đổi. Ví dụ trước kia đề cập đến vấn đề dự phòng chủ yếu là nhóm bệnh lây nhiễm, ví dụ nhiễm trùng, viêm gan, sốt xuất huyết, dịch tả…. Nhưng còn nhóm các bệnh không lây nhiễm thì chưa xếp vào một cách đầy đủ nghiêm túc là nhóm các bệnh cũng cần phải dự phòng. Tôi lấy ví dụ, đừng đợi đến khi xơ vữa động mạch mới đi chữa, mà phải tính đến khi có bệnh thì phải chủ động thay đổi cơ cấu bữa ăn. Như vậy, y học dự phòng phải thay đổi. Tôi cũng đã phát biểu trước Quốc hội nhiều lần: Y học dự phòng là bệnh nào cũng cần được dự phòng. Như vậy, y học dự phòng cần được mở rộng. Thứ hai là đầu tư cho y học dự phòng ở Việt Nam chưa nganh tầm. Quốc hội đã có Nghị quyết về vấn đề này và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định đầu tư cho y học dự phòng ở mỗi địa phương phải chiếm tối thiểu 30% kinh phí dành cho y tế. Nhưng trên thực tế chúng tôi đi giám sát thì tỉnh thành phố làm được thì rất ít.

Phóng viên: Vậy chính sách pháp luật liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe người dân cần thay đổi như thế nào cho phù hợp, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tại thời điểm này, nền y tế Việt Nam thì công tác chữa bệnh tương đối tốt, tuy nhiên phần gốc của vấn đề là y học dự phòng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Mà muốn y học dự phòng phát huy hiệu quả thì cần làm tốt y học cơ sở. Hiện y học dự phòng và y tế cơ sở vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Phóng viên: Vậy đại biểu có lời khuyên gì với người dân trong các cơ cấu bữa ăn hàng ngày để nâng cao sức khỏe bản thân?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Lời khuyên của tôi với tư cách nhà khoa học y tế, tôi cho rằng mỗi người dân trước hết phải biết cách tự bảo vệ mình. Phải trở thành người thông thái trong lựa chọn, xác định thành phần, cơ cấu bữa ăn. Bởi trên đời này không ai chăm sóc sức khỏe cho mình tốt hơn bản thân mình.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí có thể thấy, nhiều bệnh không lây nhiễm liên quan rất lớn đến kết cấu, bữa ăn uống hàng ngày của người dân, trong đó có những bệnh hiểm nghèo, khó chữa như tim mạch, đái tháo đường, gút, ung thư… Tuy nhiên, quan niệm và tư duy về y học dự phòng hiện nay vẫn chủ yếu chú trọng đến bệnh lây nhiễm mà chưa dự phòng bệnh không lây nhiễm. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, tư duy về y học dự phòng cần được mở rộng sang cả bệnh không lây nhiễm, bệnh nào cũng cần dự phòng từ sớm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần dành đủ 30% kinh phí cho y học dự phòng như Nghị quyết của Quốc hội đã nêu ra, nhằm giảm gánh nặng bệnh tật lây nhiễm nói chung cũng như bệnh không lây nhiễm nói riêng, đảm bảo chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, để giảm bớt gánh nặng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng gây ra, mỗi người dân hãy chủ động điều chỉnh chế độ ăn hợp lý nhằm phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt thực trạng trẻ hóa các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng hiện nay./.

Lan Hương

Các bài viết khác